Một thời hoa lửa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2015 | 2:51:14 PM

YênBái - YBĐT - Năm 1972, tại Quân khu Trị - Thiên khói lửa, quân và nhân dân ta đã đồng cam, cộng khổ, mưu trí, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, đập tan hệ thống phòng ngự và bộ máy chính quyền của địch, giải phóng Trị - Thiên. Thắng lợi ấy đã góp phần tạo thế và lực mới để quân và dân ta chớp thời cơ, mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, đi đến ngày toàn thắng.

Ông Mai Huy Long (bên phải) và ông Phùng Xuân Thịnh (bên trái) cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến đấu tại mặt trận đường 9B5 - Quân khu Trị - Thiên.
Ông Mai Huy Long (bên phải) và ông Phùng Xuân Thịnh (bên trái) cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến đấu tại mặt trận đường 9B5 - Quân khu Trị - Thiên.

Đã 40 năm trôi qua nhưng ký ức về quãng thời gian cùng nhau chiến đấu không hề phai trong tâm trí những cựu chiến binh mặt trận ác liệt này. Trị - Thiên gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, chạy dài từ sông Bến Hải - giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc vào đến đèo Hải Vân. Vì ở vào vị trí là cầu nối hai miền của đất nước nên mạng lưới giao thông có tầm quan trọng không chỉ đối với chiến trường Trị - Thiên mà còn có ý nghĩa chiến lược liên quan đến chiến trường Lào và chiến trường miền Nam, trong đó, phải kể đến mặt trận đường 9B5, nơi được giao nhiệm vụ bảo vệ huyết mạch giao thông giữa hai miền Bắc - Nam.

Được sự giới thiệu của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Quân khu Trị - Thiên tỉnh, tôi tìm đến nhà ông Mai Huy Long - Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh Trung đoàn 45 - mặt trận đường 9B5 ở tổ 15, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nằm gần cuối ngõ số 2. Sách báo, tài liệu mang về từ chiến trường, tất cả được ông nâng niu, giữ gìn, sắp xếp cẩn thận, chi tiết và coi như những kỷ vật vô giá. Hai hàng nước mắt cứ chực trào khi nhìn những bức ảnh và tập tài liệu ấy.

Ông kể: “Khoảng tháng 6/1972, đúng đợt địch tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, khi đó, tôi vừa cầm máy ảnh, vừa cầm súng chiến đấu. Địch rất mạnh và hung hãn, suốt trận đánh, lực lượng của ta ngày càng mỏng, trong khi đồng chí trực tiếp chỉ huy đã hi sinh. Chống chọi với địch suốt hơn 1 tuần thì nhận được lệnh rút. Trận đánh đó, ta tổn thất lớn. Đau xót vô cùng! Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đồng đội vừa chôn xuống bị bom dội, hòa cùng đất đá tung lên, rơi khắp nơi…”. Nói đến đây, ông Huy Long đã không thể ngăn những dòng nước mắt lăn trên má. Bản thân hiện là thương binh hạng 4/4 và 1 trong 3 người con của ông bị tật nguyền do ảnh hưởng chất độc màu da cam, nỗi đau ấy vẫn khiến tâm trí ông chưa giây phút nào yên.

Cũng từng chiến đấu tại Quân khu Trị - Thiên, mặt trận đường 9B5 ngày ấy, ông Phùng Xuân Thịnh - Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát, Đại đội 20, Sư đoàn 312 đã gần 70 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ từng trận đánh. Ông chia sẻ về những ngày chiến đấu gian khổ, kiên cường bằng ánh mắt đượm buồn, xa xăm: “Đầu tháng 8/1972, khi đang đứng trên đài quan sát phía Tây Bắc, cách Thành cổ Quảng Trị 6km, khoảng 3 giờ chiều, 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ hay còn có biệt danh là “tiểu đoàn trâu điên” của ngụy được hỗ trợ pháo binh của hạm đội bên ngoài, bắn yểm trợ đã tiến vào với mục đích lấn chiếm phía Nam. Lúc đầu, địch dùng pháo khoan và pháo sát thương tấn công, buộc chiến sĩ ta phải xuống hầm trú ẩn. Địch xuống theo sau tiếp tục dùng pháo giấy tấn công chiến sĩ của ta, rồi tiến sát vành hào ngoài, chiếm lấy một phần hào ngoài và dùng súng phun lửa, lựu đạn tấn công chiến sĩ của ta dưới hầm. Ở phía trên quan sát, tôi mới hiểu rõ tình hình và ngay lập tức, tôi điện báo về mặt trận. Sau đó, được mặt trận chỉ đạo chiến sĩ ta ra khỏi hầm, chờ đêm xuống phản kích lấy lại đoạn hào”.

Thế mới thấy, sự hi sinh mất mát trong chiến tranh thật lớn lao. Sự hi sinh ấy để lại niềm tiếc thương, nỗi nhớ cho những người ở lại. Những người cựu binh năm xưa nay mái đầu đã bạc. Cuộc sống của người lính ngày trở về còn nhiều nỗi nhọc nhằn nhưng trong họ vẫn sống mãi một thời hoa lửa tuổi 20.

Mai Linh

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA