Về Đại Lịch anh hùng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2016 | 3:13:53 PM

YBĐT - Là xã thuộc vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Đại Lịch có truyền thống yêu nước, đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đại Lịch đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của quê hương đất nước.

Cán bộ xã Đại Lịch dâng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ.
Cán bộ xã Đại Lịch dâng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ.

Kiên cường trong kháng chiến

Đại Lịch có vị trí chiến lược quan trọng. “Tiến có thế công, lùi có thế thủ” nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây được chọn làm căn cứ kháng chiến của huyện Văn Chấn và được chọn làm thí điểm xây dựng căn cứ du kích. Từ đó, Đại Lịch trở thành điểm xuất phát của các mũi xung kích, là nơi hậu cần tiếp tế cho lực lượng hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, là nơi đón tiếp, trung chuyển thương bệnh binh… Khẩn trương thành lập lực lượng du kích, sắm thêm vũ khí, tập luyện quân sự sẵn sàng chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đánh giặc giữ làng, quyết bảo vệ căn cứ kháng chiến.

Ông Hà Văn Tích - đội viên Đội du kích thiếu niên Đại Lịch nhớ lại: “Mở đầu cho thời kỳ đánh giặc là trận phục kích đánh địch ở khe Nước Mát (Điều Cuồng) ngày 15/11/1947. Trận này để lại tiếng vang lớn, khích lệ tinh thần của du kích. Đây là trận mở đầu của chiến tranh du kích ở địa phương mang ý nghĩa chiến lược quan trọng trong chiến tranh nhân dân. Hưởng ứng phong trào toàn dân đánh giặc của Chi bộ Đảng và Ủy ban Kháng chiến phát động, người dân trong xã đã sử dụng súng kíp, nỏ, giáo, làm bàn chông, hố chông, bẫy đá cùng Đội du kích đánh giặc”.

Cùng ôn lại những năm tháng gian khổ, hào hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông Hoàng Đình Tỵ - đội viên Đội du kích thiếu niên Đại Lịch cho biết: “Nói đến chiến công của quân và dân Đại Lịch trong thời kỳ này không thể không nhắc đến trận đèo Din và tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ. Do đèo Din có địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu và có con đường độc đạo nên trận địa có thế chiến thuật thuận lợi cho ta và rất khó khăn cho địch. Trận này, ta tiêu diệt 2 tên Pháp, 5 lính ngụy và làm 11 tên bị thương, thu 3 khẩu súng. Trong trận này, gương chiến đấu anh dũng của liệt sỹ thiếu niên Hoàng Văn Thọ - chiến sỹ du kích đầu tiên của Đại Lịch hy sinh càng làm cho tinh thần của lực lượng du kích và nhân dân địa phương thêm quyết tâm đánh giặc giữ làng, bảo vệ quê hương…”.

Cùng với trận đèo Din, trận Gốc Lai (Đồng Mè), trận Lũng Bũm, đèo Đát (thôn Lường), trận Khe Căng, Khe Sén ở thôn Bằng Là… đã làm âm mưu của địch bị thất bại nặng nề. Trong thời gian này, ngoài nhiệm vụ chống địch càn quyét, bảo vệ quê hương, du kích Đại Lịch còn phối hợp với các đơn vị bộ đội và du kích các xã bạn phục kích đánh địch ở làng Mỵ, Đồng Bồ, Ca Vịnh, đồn Vần - Dọc…; bảo vệ thành công khu căn cứ kháng chiến, làm điểm tập kết các lực lượng, từ đó tỏa đi khắp nơi giải phóng Nghĩa Lộ và vùng Tây Bắc.

Tính từ tháng 10/1947 đến tháng 5/1950, du kích Đại Lịch đã tổ chức đánh 29 trận, tiêu diệt 5 lính Pháp, 25 lính ngụy, làm bị thương 40 tên địch, thu 6 súng trường, 2 súng máy và nhiều đạn dược. Trong kháng chiến đã có nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, như: Hoàng Văn Vinh, Hoàng Văn Quan, Hoàng Văn Thọ… Những tấm gương thiếu niên gan dạ, như: Hà Văn Bảo, Hà Văn Nhàn, Hoàng Văn Quân, Đào Văn Mạc…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đại Lịch một lần nữa phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của mình. Bên cạnh nỗ lực khôi phục kinh tế, xây dựng lại quê hương, Đại Lịch đã xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ mạnh để chống trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Với 312 người, lực lượng dân quân tự vệ của xã được chia thành 4 trung đội ở 4 khu vực: Khe Mơ, Kiến Lịch 3; Lường Kè, Kiến Lịch 2; Bằng Là, Kiến Lịch và ở Đồng Mè, Khe Liền, Thanh Tú. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại Lịch đã đóng góp trên 200 tấn lương thực và hàng trăm tấn thực phẩm cho Nhà nước. Các phong trào của thanh niên, phụ nữ, phong trào quyết thắng của dân quân tự vệ được đẩy mạnh.

Trong 2 cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang Đại Lịch có 17 năm liền được tỉnh công nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích xây dựng lực lượng trưởng thành lớn mạnh, lao động sản xuất và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; toàn xã có trên 400 cá nhân được Nhà nước trao tặng huân, huy chương các loại… Xã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Xã Anh hùng Lực lượng vũ trang”.

Nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Hoàng Hữu Khanh - Bí thư Đảng ủy xã Đại Lịch cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống của quê hương anh hùng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, Đại Lịch đoàn kết một lòng xây dựng quê hương anh hùng ngày càng giàu đẹp. Phát huy tiềm năng lớn về đất đai, về lao động lại được sự quan tâm sát sao của các cấp ủy Đảng, nhiều năm qua, Đại Lịch đã triển khai thực hiện có kết quả cao những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn 8,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/năm...”.

Sản xuất nông nghiệp được quan tâm và có bước phát triển. Xã duy trì sản xuất 217 ha lúa 2 vụ với việc đưa vào thâm canh các giống lúa lai, lúa thuần. Hiện tổng sản lượng lương thực của Đại Lịch đạt trên 3.500 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 730kg/người/năm. Toàn xã đã có 40 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, quýt, vải thiều, duy trì 375 ha chè kinh doanh…

Phát huy nội lực trong dân phục vụ nâng cấp kết cấu hạ tầng, thời gian qua, Đại Lịch đã huy động trên 10 ngàn ngày công, trên 47 ngàn mét vuông đất và trên 6 tỷ đồng để tu sửa, mở mới, cứng hóa các tuyến đường trong thôn. Điển hình là thôn Khe Lày, Thanh Tú, Khe Liền, Khe Mơ…

Đứng trên khu vực từng diễn ra trận đánh Gốc Lai (Đồng Mè) thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông Hoàng Đình Kiểu - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đồng Mè cho biết: “Hôm nay, trong thời kỳ đổi mới, người dân xã Đại Lịch nói chung và thôn Đồng Mè nói riêng ra sức thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xứng đáng với truyền thống, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước...”.

Mô hình trồng cam sành cho thu nhập cao của gia đình anh Trần Văn Phùng ở thôn 10. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Ở Đại Lịch đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, như hộ gia đình anh Hoàng Tiến Công ở thôn 4, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chế biến gỗ rừng trồng; gia đình anh Trần Văn Phùng ở thôn 10 với mô hình trồng cam sành cho thu nhập 100 triệu đồng/năm… và đến cuối năm nay xã sẽ hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng được Đại Lịch quan tâm. Hiện Đại Lịch đã huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, duy trì chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được người dân tích cực hưởng ứng với 100% thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước; 11/15 thôn, bản được huyện công nhận đạt chuẩn văn hóa; hàng năm có trên 85% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa…

Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, để xây dựng quê hương Đại Lịch trở thành một xã vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, xã đã xác định trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân trong xã tranh thủ mọi thuận lợi, khắc phục những khó khăn, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, tập trung đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng Đảng bộ xã trong sạch, vững mạnh; huy động và thu hút các nguồn lực để Đại Lịch phát triển bền vững, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của huyện; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, xứng đáng với truyền thống của quê hương Đại Lịch anh hùng.

Thành Trung

Các tin khác

Di tích đèo Lũng Lô ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thượng Bằng La hôm nay đã và đang phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.

Nhiều phần thưởng hấp dẫn sẽ được trao cho các bức ảnh xuất sắc trong từng chặng của Cuộc đua xe đạp.

Nhân cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.

Đoàn viên thanh niên huyện Văn Chấn tái hiện hành trình của những chiếc xe đạp thồ lương thực, đạn dược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Qua câu chuyện kể của những người lính Điện Biên năm xưa, tuổi trẻ Văn Chấn hôm nay luôn cảm thấy tự hào về tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến đấu quả cảm của thế hệ cha ông đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày 7.5.1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - những tư liệu trưng bày gồm hình ảnh và hiện vật gốc về bối cảnh lịch sử, chiến thắng và chiến công của quân dân cả nước cũng như những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã cho nhân dân và du khách có cái nhìn tổng quan về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà đầy quả cảm, làm nên chiến thắng lịch sử này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục