Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT quân khu 2 (19/10/1946 - 19/10/2016)

Chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo trong xã hội hóa hậu cần quân đội

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/8/2016 | 2:57:17 PM

YBĐT - Xã hội hóa là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế và toàn xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Những năm gần đây, khái niệm “xã hội hóa” được đề cập trong nhiều lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học – công nghệ, đem lại hiệu quả rõ nét. Đối với quân đội, xã hội hóa công tác hậu cần là một đòi hỏi khách quan, trước yêu cầu xây dựng, phát triển lớn mạnh. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đại tá Phạm Hồng Chương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh về vấn đề này…

P.V: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của công tác xã hội hóa hậu cần quân đội?

Đại tá Phạm Hồng Chương: Xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các khâu, các mặt công tác hậu cần quân đội. Trên cơ sở thấu suốt chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và nắm vững đặc điểm, nhiệm vụ của quân đội, từ năm 2008, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo nghiên cứu thực hiện xã hội hóa công tác hậu cần; vấn đề này được chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, với lộ trình, bước đi thích hợp, trước hết là trong tạo nguồn bảo đảm hậu cần và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Đối với tỉnh Yên Bái, thông qua thực hiện xã hội hóa, chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần quân đội đã được nâng lên, đời sống bộ đội được giữ vững và có phần cải thiện; các đơn vị giảm quân số biên chế, tận dụng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nguồn lực của xã hội, nâng cao chất lượng bảo đảm; đồng thời, giảm các chi phí: phục vụ, quản lý, bảo quản, dự trữ, vận chuyển hàng hóa…, tiết kiệm đáng kể ngân sách...

Kết quả đó khẳng định chủ trương, hướng đi đúng của quân đội ta về vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện xã hội hóa cần phải nghiên cứu một cách tổng thể, phù hợp, thận trọng, giải quyết tốt vấn đề nảy sinh, không để xảy ra bị động khi có tình huống bất ngờ...

P.V: Với tầm quan trọng như vậy, công tác xã hội hóa hậu cần quân đội ở Yên Bái cần thực hiện những công việc gì, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Hồng Chương: Trước hết, cần thống nhất nhận thức về xã hội hóa công tác hậu cần quân đội, tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Xét trên nhiều phương diện có thể thấy, thực hiện xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là một đòi hỏi tất yếu, khách quan trước yêu cầu xây dựng quân đội trong điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là những kết quả từ xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực thời gian qua, đã tạo ra những điều kiện, tiền đề cần thiết cho thực hiện vấn đề này. Vì vậy, cần phải quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy các cấp thống nhất nhận thức, rằng: xã hội hóa công tác hậu cần là chủ trương đúng, phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện của đất nước, quân đội.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, công tác hậu cần là hoạt động kinh tế trong quân đội, liên quan chặt chẽ và chịu tác động to lớn từ nền kinh tế đất nước, quy luật thị trường, nhưng mục tiêu xã hội hóa công tác hậu cần không chỉ nhằm tới hiệu quả kinh tế đơn thuần, mà xã hội hoá một số mặt công tác bảo đảm hậu cần nhưng phải giữ vững quan điểm lấy yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quân đội và phục vụ bộ đội là mục tiêu hàng đầu.

Đây là vấn đề cốt lõi nhất, bao trùm, không được xa rời, bảo đảm cho xã hội hóa công tác hậu cần đạt mục đích đề ra. Đặc biệt, xã hội hóa công tác hậu cần quân đội phải tiến hành từng bước, có trọng tâm, phù hợp với thể chế kinh tế và yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Công tác hậu cần quân đội bao gồm nhiều mặt, nhiều nội dung, nhiều ngành chuyên môn và mỗi ngành có những yêu cầu riêng. Hoạt động công tác hậu cần liên quan đến nhiều cấp, nhiều đơn vị cả trong và ngoài quân đội, tiến hành trong môi trường, điều kiện hoạt động quân sự khó khăn, khắc nghiệt, yêu cầu rất khắt khe, không tuân theo những quy luật kinh tế - xã hội thông thường.

P.V: Vậy theo đồng chí, những nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang tỉnh với công tác xã hội hoá công tác hậu cần quân đội là gì?

Đại tá Phạm Hồng Chương: Phải khẳng định việc thực hiện xã hội hóa không được làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quân đội. Bởi vậy, cần nghiên cứu, lựa chọn nội dung công tác hậu cần xã hội hóa trong từng giai đoạn cho phù hợp. Trước hết, nên tập trung vào những nội dung, những khâu, công việc có điều kiện phát huy nguồn lực xã hội, nhất là những nội dung đã và đang có sự phối hợp thực hiện giữa hậu cần quân đội với các cơ quan nhà nước, hay sự tham gia của nhân dân, như: kết hợp quân - dân y trong chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân; công tác sản xuất, tạo nguồn vật chất hậu cần...

Tiếp đến, là xã hội hóa những khâu, công việc, những nội dung ít liên quan, ảnh hưởng đến yêu cầu đặc thù quân sự. Nhận thức đúng về xã hội hóa công tác hậu cần, chủ động lường trước những khó khăn, thách thức, nhất quán về mục tiêu, có quyết tâm cao, chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện là cơ sở để hiện thực hóa vấn đề này.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thiên Cầm (thực hiện)

Các tin khác
Du khách tham quan triển lãm

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế khai mạc triển lãm chuyên đề: “Điện Biên Phủ-Quyết chiến, quyết thắng”, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức trao giải Nhất cuộc thi

Ban tổ chức nhận được trên 422.500 bài dự thi của thiếu nhi gửi về từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia cuộc thi “Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay”.

Lượng khách tấp nập ghé thăm các di tích lịch sử ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Điện Biên từ đầu năm đến nay đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ ngày 30/4 - 7/5, tỉnh Điện Biên đón hơn 370.000 lượt khách du lịch, doanh thu trên 390 tỷ đồng.

Khối hồng kỳ do các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 đảm nhiệm diễu hành qua lễ đài tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trong không khí thiêng liêng xúc động và tự hào của cả dân tộc sáng 7/5 vừa qua tại tỉnh Điện Biên, khối hồng kỳ - "biểu tượng của sức mạnh đất nước Việt Nam" đã diễu qua lễ đài với những lá cờ đỏ tung bay trong gió như những ngọn lửa rực cháy, mang theo khí thế hào hùng của chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vinh dự "tạo nên" khối hồng kỳ ấy là các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn anh hùng 174, Sư đoàn 316 đóng quân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục