Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 2 (19/10/1946 - 19/10/2016)

Nhớ về chiến thắng Đại Bục, Đại Phác năm xưa

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2016 | 8:10:17 AM

YBĐT - Về xã Đại Phác (Văn Yên) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự khởi sắc của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Không tự hào sao được khi trong công cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước với những đóng góp to lớn về sức người, sức của, xã Đại Phác được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Ông Hoàng Đình Pống kể lại cho con cháu nghe về những chiến công hiển hách năm xưa trên mảnh đất Đại Phác anh hùng.
Ông Hoàng Đình Pống kể lại cho con cháu nghe về những chiến công hiển hách năm xưa trên mảnh đất Đại Phác anh hùng.

Tuy không được tận mắt chứng kiến những giây phút lịch sử hào hùng ấy nhưng với tôi, được nghe câu chuyện kể của ông Hoàng Đình Pống - nguyên là du kích xã Đại Phác, tôi có thể chắc chắn rằng, những người con sinh ra trên mảnh đất này đều có quyền tự hào về quê hương mình.

Đứng trên đỉnh Gò Đồn, thôn Ba Luồng mà thực dân Pháp lập đồn bốt trước đây, nhìn ra cánh đồng Đại - Phú - An lúa xanh ngút tầm mắt, ông Hoàng Đình Pống nhớ lại: “Năm 1945, dưới sự chỉ huy của ông Chu Văn Sách - cán bộ Khu bộ Việt Minh, Đội tự vệ xã Đại Phác thành lập gồm có các ông: Hoàng Đình Miên, Hoàng Thái Sơn, Hoàng Đình Tam, Hà Đình Riện, Hoàng Đình Cù, Hoàng Đình Tọa, Hoàng Đình Văn, Hoàng Đình Hạ, Hoàng Đình Pống… do ông Hoàng Đình Tam làm Đội trưởng.

Để bảo vệ chính quyền cách mạng, tháng 10/1945, huyện Trấn Yên chủ trương xây dựng và phát triển đội du kích các xã. Đội du kích Đại Đồng được thành lập lúc đầu chỉ có một tiểu đội, sau đó phát triển thành trung đội do đồng chí Hoàng Cao Hỷ làm Trung đội trưởng. Đội du kích xã Đại Đồng chủ yếu làm nhiệm vụ võ trang tuyên truyền, bảo vệ chính quyền cách mạng do quân số ít, trang bị lạc hậu…

Đến năm 1947, Đội được củng cố, kiện toàn quân số lên đến 40 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở Đại Phác tham gia, do ông Hoàng Cao Sơn làm Đội trưởng. Khi đó, tôi được giao nhiệm vụ làm liên lạc. Sau khi chiếm được Nghĩa Lộ và một số vị trí quan trọng của huyện Trấn Yên, ngày 18/10/1947, thực dân Pháp tấn công Yên Phú.

Cuộc chiến đấu diễn ra suốt một ngày đêm đã gây cho chúng nhiều thiệt hại. Do lực lượng ta yếu, đơn vị đã được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Đến sáng hôm sau, quân Pháp qua Ngòi Thia đánh chiếm Đại Phác và tiếp tục đánh chiếm một số vị trí: Đại Bục (An Thịnh), Dóm (Đông An), Phong Dụ, Châu Quế Thượng… Chiếm được vùng đất rộng lớn, thực dân Pháp đưa tay sai cũ ra lập chính quyền bù nhìn, phản động”...

Trong câu chuyện kể của ông Hoàng Đình Pống, tôi được biết, sau khi được củng cố, Đội du kích Đại Đồng được trang bị vũ khí tốt hơn, hoạt động trên địa bàn khá rộng lớn. Đơn vị đã tiến hành hàng chục trận phục kích, tập kích các toán quân tuần tiễu, các đợt di chuyển quân của địch, diệt một số tên, thu nhiều chiến lợi phẩm.

Tháng 12/1947, tỉnh đưa 2 đội vũ trang vào vùng địch tạm chiếm, quân ta mở một loạt đợt tập kích, phục kích vào các vị trí tiền tiêu của giặc, thu nhiều thắng lợi. Tháng 1/1948, Bộ Chỉ huy Khu 10 dùng một tiểu đoàn của Trung đoàn Sông Lô, 3 trung đội pháo cối phối hợp với Trung đoàn 115 đánh vào hàng loạt đồn bốt giặc bên hữu ngạn sông Hồng...

Vừa say sưa kể chuyện, người du kích năm xưa - một trong những “nhân chứng sống” tham gia đánh đồn Đại Phác vừa dẫn chúng tôi đi thăm di tích lịch sử cách mạng của địa phương tại khu vực Gò Đồn (thuộc thôn Ba Luồng).

Ông Hoàng Đình Pống kể tiếp: “Thời kỳ năm 1930 - 1945, nhân dân xã Đại Phác đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, cùng nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mảnh đất này nằm trong vùng tạm chiếm của địch.

Tại đây, chúng xây dựng đồn Đại Bục, Đại Phác khá kiên cố, trên điểm cao có tầm quan sát rộng, có ý nghĩa về chiến thuật, uy hiếp nghiêm trọng vùng tự do, căn cứ của ta ở tả ngạn sông Hồng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, các tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông dân, du kích được thành lập và hoạt động sôi nổi, tích cực.

Đội du kích xã Đại Phác đã tiến hành hàng trăm trận phục kích, tập kích tiêu hao sinh lực địch. Đặc biệt, trong Chiến dịch Sông Thao lịch sử, quân và du kích địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh tan đồn Đại Bục, Đại Phác đúng vào ngày 19/5/1949, lập chiến công xuất sắc chúc mừng 59 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng đồn Đại Bục, Đại Phác đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ theo hành lang Đông Tây của thực dân Pháp, mở màn cho chiến dịch Sông Thao toàn thắng, tạo bàn đạp cho các đơn vị chủ lực của ta tiến lên giải phóng khu vực Tây Bắc, chấm dứt sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta”.

Đại Phác của thời kỳ đổi mới hôm nay bát ngát trong màu xanh của cây trái, thêm nhiều ngôi nhà cao tầng, mái bằng kiên cố mọc lên san sát. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ. Các thế hệ cán bộ, đảng viên của xã Đại Phác hôm nay luôn quan tâm xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương, giáo vượt qua những khó khăn, khai thác thế mạnh của mình để thực sự là địa phương nông thôn mới.

Thiên Cầm

Các tin khác
Du khách tham quan triển lãm

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế khai mạc triển lãm chuyên đề: “Điện Biên Phủ-Quyết chiến, quyết thắng”, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức trao giải Nhất cuộc thi

Ban tổ chức nhận được trên 422.500 bài dự thi của thiếu nhi gửi về từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia cuộc thi “Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay”.

Lượng khách tấp nập ghé thăm các di tích lịch sử ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Điện Biên từ đầu năm đến nay đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ ngày 30/4 - 7/5, tỉnh Điện Biên đón hơn 370.000 lượt khách du lịch, doanh thu trên 390 tỷ đồng.

Khối hồng kỳ do các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 đảm nhiệm diễu hành qua lễ đài tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trong không khí thiêng liêng xúc động và tự hào của cả dân tộc sáng 7/5 vừa qua tại tỉnh Điện Biên, khối hồng kỳ - "biểu tượng của sức mạnh đất nước Việt Nam" đã diễu qua lễ đài với những lá cờ đỏ tung bay trong gió như những ngọn lửa rực cháy, mang theo khí thế hào hùng của chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vinh dự "tạo nên" khối hồng kỳ ấy là các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn anh hùng 174, Sư đoàn 316 đóng quân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục