Dịch tả lợn châu Phi: Không gây bệnh trên người, không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/3/2019 | 1:51:17 PM

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp và dịch đã xuất hiện tại 17 tỉnh, thành phố; đồng thời, đang có dấu hiệu lan rộng. DTLCP xuất hiện không những gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Các quầy thịt lợn tại chợ Đồng Tâm vắng khách và một số quầy thịt đã tạm nghỉ.
Các quầy thịt lợn tại chợ Đồng Tâm vắng khách và một số quầy thịt đã tạm nghỉ.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, bệnh DTLCP không gây bệnh trên người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang mà tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa xảy ra DTLCP, nhưng 2 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng nên sản lượng thịt hơi giảm so với cùng kỳ; người tiêu dùng còn e dè khi chọn thịt lợn làm thực phẩm cho bữa ăn của gia đình. 

Bà Trần Ngọc Lan ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: "Thịt lợn là thực phẩm chính của gia đình tôi. 2 tháng trước thì dịch bệnh lở mồm long móng, giờ lại nghe đến thông tin một số tỉnh có lợn mắc bệnh DTLCP nên tôi rất lo lắng. Nhưng là cán bộ của khu dân cư, tôi đã tìm hiểu và thông qua tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết và tuyên truyền đến người dân thông qua các buổi họp chi bộ là nếu mua được thịt lợn rõ nguồn gốc thì vẫn ăn bình thường và người dân không nên tẩy chay thịt lợn”. 

Dạo quanh các chợ ở thành phố Yên Bái, hầu hết các tiểu thương đều có nhận định chung là thịt bán rất chậm, ít người mua và một số người đã tạm nghỉ không bán nữa. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 2 tháng đầu năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt trên 9.500 tấn, bằng gần 19% kế hoạch năm, giảm 6,3%, tương đương với trên 630 tấn so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt trên 8.200 tấn, bằng 17% kế hoạch năm. 

Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP, ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y nhấn mạnh: bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, bệnh lây lan nhanh gây chết đến 100% gia súc mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh không có khả năng lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, virus bệnh DTLCP chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C". 

Các nhà chuyên môn đã khẳng định bệnh DTLCP không lây nhiễm từ vật nuôi sang người. Do đó, người dân không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc, có địa chỉ rõ ràng nhằm ổn định sản xuất cho người chăn nuôi. Người dân vẫn ăn thịt lợn bình thường nhưng không nên ăn thức ăn chưa nấu chín như nem, chạo, tiết canh... 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích người tiêu dùng không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và đảm bảo chất lượng. Để phân biệt được thịt lợn khỏe mạnh, người tiêu dùng có thể quan sát bằng mắt thường, sẽ thấy thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. 

Ngoài ra, người dân có thể dùng tay để kiểm tra độ đàn hồi của thịt, nếu thịt bị ngón tay ấn vào không bị lõm, không bị dính, rỉ nước và chắc thì đó là thịt khỏe mạnh. Ngoài ra, thịt lợn khỏe mạnh sẽ có màu da sáng hồng hào, còn lợn nhiễm bệnh sẽ có phần bì lấm chấm xuất huyết, nhão, tai lợn bị tím. Lợn bị tả sẽ có nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc vành tai, lá lách phình to, phổi lợn nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, tỉnh Yên Bái thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Trong đó, sẽ kiểm tra bất ngờ những cơ sở giết mổ gia súc, cơ sở chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, các chợ đầu mối, cũng như các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, nắm bắt về diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động các biện pháp ứng phó nếu phát hiện dịch xâm nhiễm vào địa bàn. 

Theo đó, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, động vật nghi nhiễm bệnh hoặc chết lưu thông trên địa bàn.

Hồng Duyên

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục