Yên Bái triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi

Nhiều giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/3/2019 | 8:17:38 AM

YênBái - Theo Cục Thú y, đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 17 tỉnh thành, phố. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện hàng loạt các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Lực lượng liên ngành kiểm tra các cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn.
Lực lượng liên ngành kiểm tra các cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn.

Hiện nay, Yên Bái chưa xuất hiện DTLCP. Theo thống kê, Yên Bái có đàn lợn 549.086 con, trong đó, chăn nuôi nông hộ chiếm trên 70% tổng đàn, còn lại là chăn nuôi trang trại và doanh nghiệp, hợp tác xã. Trung bình hàng năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 40.000 tấn/năm. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% nội ngành. Do đó, nếu xảy ra dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế nông nghiệp của tỉnh, nhất là đời sống của nông dân. 

Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các công điện, kế hoạch phòng, chống bệnh dịch và văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng bệnh và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị về phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh; tổ chức họp báo về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch một cách cụ thể; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát lưu hành của virus bệnh DTLCP ở một số địa bàn có nguy cơ cao. 

Hiện, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các cấp tập trung kiểm soát giết mổ; giám sát việc nhập gia súc vào cơ sở giết mổ, kiểm tra lâm sàng trước, trong và sau khi giết mổ để phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh; từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời. 

Cụ thể, để ngăn chặn lợn bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, UBND tỉnh quyết định thành lập tổ công tác liên ngành kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác gồm 9 thành viên thuộc các đơn vị: Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Công an tỉnh, Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường. 

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật (tập trung chủ yếu vào lợn và sản phẩm thịt lợn) trên địa bàn tỉnh; xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật. Cùng đó, ngành nông nghiệp cũng triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn. 

Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, trước tiên phải làm tốt việc tuyên truyền để các cấp chính quyền và người dân hiểu được tính chất, mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP. 

Từ đó, chấp hành và thực hiện tốt sự chỉ đạo của các cấp chính quyền cũng như các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh một cách chủ động; tăng cường kiểm tra, giám sát đến tận hộ để phát hiện sớm các mối nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. 

Sở cũng thiết lập các kênh thông tin, đường dây nóng để tiếp nhận thông báo về các biểu hiện bất thường trên đàn lợn; các địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng bệnh chủ động và ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra; chỉ đạo người chăn nuôi thực hiện nguyên tắc 5 không” gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý; đồng thời, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. 

Ngành nông nghiệp cũng trưng tập cán bộ có chuyên môn về chăn nuôi, thú y của các đơn vị Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, khuyến nông… để giúp các địa phương tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh; duy trì thường xuyên hoạt động tuần tra, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, đặc biệt đối với lợn. Thực hiện phun tiêu độc khử trùng môi trường để hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh. 

Ngoài ra, không chỉ riêng phòng, chống DTLCP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo người dân phải phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm khác như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng. 

Do vậy, phải tập trung làm tốt việc tiêm phòng vắc - xin để đảm bảo an toàn cho việc phát triển chăn nuôi. DTLCP không lây và ảnh hưởng đến con người; do đó, người tiêu dùng tỉnh táo, không nên vì hoảng sợ mà quay lưng với thịt lợn. 

Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ xem xét hỗ trợ người dân 80% so với giá thị trường. Tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện theo đúng nghị định, quy định của Chính phủ nên sẽ khó xảy ra tình trạng người dân tuồn lợn bệnh ra ngoài để tiêu thụ.

Văn Thông

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục