Báo chí truyền thông trong xu hướng chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/6/2022 | 2:39:39 PM

Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan báo chí, nhất là báo in và tạp chí đang phải “oằn mình” chống chọi với các “thế lực” đến từ mạng xã hội.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, Internet đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng đến "bữa tiệc” thông tin của công chúng truyền thông hiện đại.

Thực tế 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong đời sống xã hội, luôn đồng hành với đất nước và dân tộc. Tuy nhiên, trong môi trường truyền thông hiện nay, nhất là xu hướng chuyển đổi số, báo chí Việt Nam cần phải có hướng đi như thế nào? Đây là bài toán rất cần lời giải.

"Cuộc chơi” mới của báo chí

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, Internet đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng đến "bữa tiệc” thông tin của công chúng truyền thông hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến "môi trường sinh thái” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho giới báo chí những thách thức chưa từng có.

Vậy, làm thế nào để báo chí có thể giữ vững vị trí trong "trận địa thông tin” khi mà truyền thông xã hội đang "chiếm lĩnh” dòng thông tin chủ lưu hiện nay?

Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, những thuật ngữ như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội hay truyền thông hội tụ...đã được đề cập ở hầu hết các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế và ngay cả giới truyền thông.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, một loạt xu hướng mới: đa nền tảng (multi-platform ), báo chí di động (mobile journalism), báo chí xã hội (social journalism) cũng như tin tức xã hội (social news)... dần dần lộ diện và len lỏi sâu hơn vào "cuộc chơi” mới của báo chí truyền thông hiện đại.

Có thể khẳng định, giờ đây báo chí hiện đại đã và đang tiệm tiến đến xu thế đa nền tảng. Trên thực tế, nếu một tòa soạn chỉ có báo in, truyền hình hay website vẫn chưa đủ, mà cần phải có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt.

Một số ứng dụng của mobile "ra đời” trong vòng quay biến thiên, nhằm để tập trung khai thác các thị trường ngách, tạo ra lợi nhuận mới cho các tòa soạn, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới của công chúng trong môi trường truyền thông cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.

Mặt khác, quan niệm "web first” (ưu tiên website trước) vẫn còn chưa thực sự định hình và phổ biến đối với các cơ quan báo chí truyền thông hiện nay ở Việt Nam, xu hướng "mobile first” (ưu tiên báo điện thoại di động trước) đã từng bước khẳng định được chỗ đứng trong làng truyền thông toàn cầu.

Có thể khẳng định, trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, báo chí truyền thông hiện đại đang chuyển đổi từ "đa nền tảng” sang "báo chí sáng tạo”.

Một tin, bài giờ đây không chỉ đơn giản là vài trăm đến vài ngàn từ, kèm theo bức ảnh minh họa, hoặc một đoạn âm thanh, hay clip sinh động, mà còn kết hợp tất cả những gì có thể được trình bày hiện đại phù hợp thói quen tiếp nhận thông tin mới của công chúng.

Truyền thông xã hội là lựa chọn tất yếu của báo chí hiện đại không chỉ trong lý thuyết, mà giờ đây đã trở thành điều bắt buộc trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày của nhà báo.

Làm chủ "không gian ảo”

Mặc dù truyền thông xã hội phát triển khá mạnh mẽ và gây sự chú ý cho giới truyền thông toàn cầu, nhưng thực chất từ giữa năm 2011 trở đi, xu hướng tích hợp truyền thông xã hội vào các hoạt động báo chí truyền thống ở một số nước trên thế giới mới dần trở nên rõ nét.

Truyền thông xã hội là lựa chọn tất yếu của báo chí hiện đại không chỉ trong lý thuyết, mà giờ đây đã trở thành điều bắt buộc trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày của nhà báo.

Ai cũng biết, pageview (số lượt xem) của mỗi tin, bài báo điện tử một thời từng được coi là thước đo đánh giá hiệu quả truyền thông, song hiện nay nhiều tòa soạn dần đã chú trọng hơn đến chỉ số tương tác qua mạng xã hội, bao gồm cả số lần "like” (thích), "comments” (các bình luận) hay số lần được "share” (chia sẻ) trên Facebook.

Điều đó cho thấy, số lượng truy cập từ mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các báo điện tử. Thực tế không thể phủ nhận, một tin, bài đăng trên báo điện tử không chỉ nhắm đến độc giả đích, mà còn phải giới thiệu, quảng bá đến bạn bè của nhóm độc giả đó. Chỉ có như vậy, các tác phẩm báo chí mới dễ dàng được chia sẻ và tiếp tục được lan truyền trên môi trường truyền thông Internet.

Truyền thông xã hội được coi là "kênh” để nhà báo thu thập, khai thác và kiểm chứng thông tin. Với vai trò là "trợ lý” đắc lực cho nhà báo hiện đại, truyền thông xã hội giúp người làm báo tìm kiếm nguồn tin, đầu mối liên lạc để phỏng vấn, xác minh nguồn tin, tìm hiểu những người cần phỏng vấn. Đây là điểm khá lợi thế của mạng xã hội trong hoạt động truyền thông hiện nay. Tuy nhiên, nguồn tin trên mạng xã hội rất phân tán, chất lượng không đồng đều, phóng viên cần có sự sàng lọc, lựa chọn ra những đầu mối có giá trị và tiến hành kiểm chứng trước khi viết.

Truyền thông xã hội giữ vai trò mở rộng "không gian thông tin”, tạo uy tín cho cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Thông thường, các tin, bài viết của phóng viên được đăng tải trên các cơ quan báo chí, tuy nhiên, do khuôn khổ hoặc thời gian có hạn, nhà báo có thể đăng các nội dung bên lề sự kiện, hoặc những thông tin có liên quan như bối cảnh của sự kiện, quá trình phỏng vấn, cảm nhận cá nhân của tác giả lên trang mạng xã hội của tòa soạn, bổ sung, mở rộng và giúp bản tin trở nên phong phú và có chiều sâu hơn.

Truyền thông xã hội giúp cơ quan báo chí mở rộng công chúng mục tiêu. Đối với các sự kiện lớn xảy ra bất ngờ, việc nắm bắt và tìm hiểu thông tin sớm nhất là nhu cầu hàng đầu của công chúng truyền thông hiện đại. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các hãng truyền thông ngày càng gay gắt hiện nay, truyền thông xã hội có thể đáp ứng nhu cầu muốn "nhanh” của công chúng, giúp các hãng truyền thông có thể đi đầu trong "trận địa” chiếm lĩnh thông tin và có thể thông qua mạng xã hội liên tục đưa tin về những tiến triển mới nhất của sự kiện.

Có thể khẳng định, truyền thông xã hội đã và đang tạo ra một cuộc chơi mới, khiến báo chí truyền thống phải thay đổi để giữ chân độc giả. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, truyền thông xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống, tuy nhiên, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng của mình trong "trận địa” thông tin mở như hiện nay, nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là "vua”, công nghệ là "nữ hoàng”, đồng thời kết hợp được những tính ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại, từ đó tăng cường sức mạnh cũng như tăng giá trị cho báo chí truyền thống.

Giữ vững giá trị cốt lõi

Thông điệp quan trọng nhất mà bất cứ nhà báo nào luôn phải "khắc cốt ghi tâm”: truyền thông xã hội chỉ là một nguồn tham khảo - công cụ thu thập và thẩm định thông tin, liên lạc với nguồn tin… Và, trong sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại, việc sử dụng và tích hợp truyền thông xã hội vào báo chí là một trong những xu hướng mới của báo chí, bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực này đều phải quan tâm và tìm ra hướng đi phù hợp trong cuộc chơi đầy cam go và khốc liệt như hiện nay.

Một điều thấy rõ, sau khi dịch vụ UGC (User generated content) – (người sử dụng tạo ra nội dung) ra đời trên nền tảng Internet, công chúng được phép tự do bày tỏ quan điểm công khai và rộng rãi hơn. Do đó, những vụ việc liên quan đến tin đồn và những phát ngôn sai trái trên mạng đã gây hại cho xã hội cũng như quyền và lợi ích của cá nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Đặc biệt, nếu coi nhẹ sự thật, ngôn luận là "con dao hai lưỡi” và "tôn” nó lên trên các quyền lợi khác thì hoàn toàn không phải là sự lựa chọn phù hợp.

Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cơ quan báo chí cần phải "nắn dòng” thông tin sai lệch. Báo chí hiện đại phải trở về đúng với "giá trị” cốt lõi, đó là phục vụ lợi ích của đất nước và dân tộc.

(Theo Báo quốc tế)

Các tin khác
Cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking tại điểm giao dịch xã.

Từ ngày 1/3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai chính thức ứng dụng VBSP Smart Banking đến các khách hàng; trong đó, ưu tiên các đối tượng khách hàng cá nhân đang mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH.

Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về CĐS. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai hiệu quả các ứng dụng: quản lý văn bản và điều hành điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT, quản lý thông tin KCB... góp phần nâng cao chất lượng KCB, tạo sự đổi mới cho hệ thống y tế, thúc đẩy CĐS hướng tới phát triển y tế thông minh.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái và đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh ký kết phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.

Tỉnh đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) năm 2024. Hoạt động nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của và nguồn lực sẵn có của hai đơn vị, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS tỉnh Yên Bái đến năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục