Khi Thường vụ Quốc hội lên tiếng về tình trạng thiếu trường, thiếu lớp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/7/2023 | 10:02:19 AM

Kỳ họp Quốc hội tới đây, chắc chắn vấn đề thiếu trường, thiếu lớp ở các đô thị lớn sẽ được phản ánh ở nghị trường bởi đó là vấn đề dân sinh bức xúc, là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

"Thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội còn khó hơn vào đại học” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã chính thức nêu ra vấn đề này tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/7. Bà Nga cho rằng, tình trạng trên đang gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và tạo áp lực với học sinh, đồng thời đề nghị Ủy ban Văn hóa - Giáo dục vào cuộc, xem xét có phải do thiếu trầm trọng trường công cấp III và giải quyết tình trạng này thế nào.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, "hiện nay, số trường THPT thấp hơn số trường tiểu học và THCS. Phụ huynh, học sinh muốn vào trường THPT công lập do chi phí thấp hơn trường tư thục. Vì vậy họ tìm mọi cách để vào các trường công lập. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng mà chúng ta cần nghiên cứu để giải quyết".

Trước đó, báo chí và các trang mạng xã hội phản ánh tình trạng xếp hàng thâu đêm để có một suất học lớp 10 tư thục tại Hà Nội. Đã chấp nhận trả phí cao hơn trường công lập, phụ huynh còn bị mang tiếng là "kén cá, chọn canh” khi Hà Nội không thiếu trường, thiếu lớp như trả lời của Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương tại phiên chất vấn của HĐND thành phố.   

Câu trả lời mang nhiều băn khoăn khi lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội chưa nhìn thẳng vào thực tế. Đành rằng, dù trượt trường công nhưng phụ huynh vẫn mong con có một suất học trường tư chất lượng, học phí vừa phải nhưng không thể phủ nhận thực tế là Hà Nội đang thiếu trầm trọng trường công lập, nhất là bậc THPT. Bởi vậy, Hà Nội chưa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của trẻ là quyền được học hành: Học ở trường công với chi phí thấp.

Vấn đề ở đây không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng ngành giáo dục. Việc đầu tư thêm trường lớp liên quan đến đất đai, tài sản công, tiền lương, đến biên chế giáo viên, quản lý nhân lực giáo dục… Hà Nội cần có một chiến lược mang tính tổng thể và lâu dài.

Với mức tăng dân số cơ học chóng mặt như hiện nay thì áp lực học hành không chỉ dừng lại ở trường cấp 3 công lập. Theo tính toán, mỗi năm, Hà Nội có thêm khoảng 40.000 - 50.000 học sinh, đồng nghĩa với việc cần thêm ít nhất 20 trường công lập. Mỗi năm, Hà Nội có thêm nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên nhưng số lượng trường công lập được xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi cung không đủ cầu về giáo dục sẽ khiến cho hàng ngàn gia đình phải vất vả, lo lắng để kiếm suất học cho con ở trường công.

"Cuộc chiến” vào lớp 10 trường công ở Hà Nội và 1 số thành phố lớn đã dẫn đến hệ lụy là áp lực học hành đổ lên đầu con trẻ, là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, là quyền vui chơi, hưởng thụ các môn học thể thao, hội họa, âm nhạc bị hạn chế. Không ít phụ huynh ở thủ đô xác định: Đầu tư học thêm 4 năm cấp 2 (THCS)  vẫn rẻ hơn nhiều khi trượt trường công, phải chấp nhận học trường tư thục hoặc bán công. Thực tế, chi phí theo học tại trường tư thục quá cao so với thu nhập của đại đa số các gia đình ở Hà Nội.  

Dù lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã "xin” được áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh như tăng sĩ số học sinh trong 1 lớp; tăng số lớp trong 1 trường, nhưng đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Điều này còn đi ngược lại xu thế chung ở nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến như sĩ số học sinh/ lớp không quá 30 - 35 em, thậm chí có quốc gia chỉ 20 em/lớp. Chúng ta hiện nay quy định 45 em/ lớp đối với bậc THPT đã quá nhiều, nếu tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.


Phụ huynh xếp hàng để nộp hồ sơ cho con vào một trường dân lập trên địa bàn Hà Nội. 

Giải pháp căn cơ là Hà Nội cần rà soát quỹ đất để xây mới thêm trường học, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh đều có kế hoạch để mở thêm trường, vậy làm sao bảo đảm quy hoạch ấy không bị chậm, không bị lệch. Cần phải "giữ những thửa đất đã quy hoạch xây trường không bị đẩy sang chỗ khác, phải giữ đất cho trường học không kém gì giữ đất rừng, đất lúa”. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi và mang tính đặc thù để hỗ trợ trường ngoài công lập phát triển nếu xác định hệ thống trường tư thục là một phần không thể thiếu của giáo dục; đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường nghề để học sinh sau khi được đào tạo có việc làm, thu nhập tốt sẽ thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.

Kỳ họp Quốc hội tới đây, chắc chắn vấn đề thiếu trường, thiếu lớp ở các đô thị lớn sẽ được phản ánh ở nghị trường bởi đó là vấn đề dân sinh bức xúc, là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của cử tri. Phụ huynh và học sinh mong mỏi cơ quan quyền lực cao nhất sẽ xem xét vấn đề một cách tổng thể để có quyết sách kip thời.

(Theo VOV)

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT trên phần mềm.

Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 mở phục vụ thí sinh đăng ký dự thi chính thức. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phân luồng đăng ký dự thi theo các tỉnh, thành phố như các năm trước. Vì vậy, thí sinh trên cả nước có thể cùng vào đăng ký dự thi.

Từ ngày mai (2/5), các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa

Từ ngày mai (2/5), các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 theo hình thức trực tuyến.

Thí sinh dự thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Đợt thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội chiều 28.4 xảy ra lỗi hệ thống khiến hơn 6.500 thí sinh không làm được bài, phải huỷ toàn bộ bài thi.

Học sinh Trường PTDTNT THCS huyện Trạm Tấu tìm hiểu sách tại tủ sách “Thắp sáng ước mơ”.

Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tôn vinh giá trị của sách, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách. Các nhà trường tích cực tổ chức các giờ đọc sách hiệu quả tại thư viện tạo sân chơi hấp dẫn, thú vị về sách cho học sinh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục