Nuôi cá chiên trên sông Hồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/2/2011 | 3:11:16 PM

YBĐT - Những năm qua, nguồn lợi thuỷ sản đặc biệt là các loài cá quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt, suy giảm nghiêm trọng, trong đó có loài cá chiên chủ yếu sinh sống tại khu vực sông Hồng.

Anh Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu sản phẩm cá chiên của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu sản phẩm cá chiên của gia đình.

Nhận thức rõ về nguồn lợi, cũng như giá trị kinh tế, giá trị môi trường, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn - chị Nguyễn Thị Tuyết ở tổ 7 - phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái tập trung công sức và các nguồn lực để phát triển nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế của loài cá chiên. Từ hiệu quả thực tế, mô hình nuôi cá chiên của anh Tuấn ngày càng phát triển và thu hút nhiều người học tập, làm theo.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn - chị Nguyễn Thị Tuyết ở tổ 7 - phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái vốn có nhiều đời gắn bó với nghề chài lưới trên sông Hồng. Quá trình khai thác, anh Tuấn nhận thấy nguồn lợi thuỷ sản trên sông Hồng ngày càng cạn kiệt, nhất là những loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Cùng với sự khuyến khích của Nhà nước, gia đình anh Tuấn đã đầu tư nuôi cá lồng trên sông Hồng. Ban đầu, anh Tuấn chủ yếu nuôi thả các loại cá trắm, cá chép, nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao.

Cùng với đó, anh Tuấn nhận thấy rằng loài cá chiên là đặc sản riêng có, phù hợp với môi trường sinh thái của dòng sông Hồng và cũng có giá trị kinh tế cao. Anh Tuấn tâm sự: "Trước đây, loài cá này rất sẵn trên sông Hồng, nhưng do nhiều người khai thác mà lại không có người nuôi dẫn đến nguồn cá ngày càng khan hiếm. Ngoài ra, cá chiên hiện được thị trường rất ưa chuộng, lượng cung không đủ cầu rất thuận lợi cho người chăn nuôi”. Đến tháng 5/2009, anh Tuấn bàn với gia đình quyết định chuyển hẳn sang chỉ nuôi cá chiên trên sông Hồng. Ban đầu, gia đình anh Tuấn thí điểm nuôi 1 lồng cá chiên với số lượng 80 con.

Để có nguồn con giống, anh Tuấn tổ chức thu mua, tuyển lựa từ các thuyền chài đánh bắt ngoài tự nhiên. Khi đã có được nguồn con giống tốt, anh tiến hành phân loại theo kích thước để thả nuôi vào các cỡ lồng phù hợp. Vị trí đặt lồng là những nơi có dòng chảy của sông Hồng lưu thông liên tục và sẵn có nguồn phù du sinh vật, thức ăn của cá chiên là các loại cá nhỏ, tép dầu đánh bắt từ hồ Thác Bà.

Sau 1 năm tận tâm chăm sóc, kết quả đã không phụ công người. Lồng cá chiên đầu tiên, gia đình anh Tuấn xuất bán được 85 con, với trọng lượng bình quân 1,8kg/ con, doanh thu đạt trên 61 triệu đồng, cho thu lãi trên 20 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, gia đình anh Tuấn đã đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay anh đã phát triển được 11 lồng cá chiên trên sông Hồng, năm 2010 gia đình  xuất bán 2 lồng với tổng trọng lượng trên 300 kg.

Với thời giá hiện nay, anh Tuấn xuất bán tại nhà 1kg cá chiên có giá 400 nghìn đồng. Như vậy với 2 lồng cá xuất bán trong năm cho doanh thu trên 120 triệu đồng, trừ chi phí gia đình anh Tuấn lãi gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là mô hình thả nuôi loài cá đặc sản, quý hiếm nhưng là tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian nên phần nào hạn chế hiệu quả sản xuất. Với hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình nuôi cá chiên của gia đình anh Tuấn - chị Tuyết đã động viên, khuyến khích nhiều hộ khác học tập, làm theo. Gia đình anh Tuấn hiện trực tiếp hỗ trợ giúp cho 6 hộ ở thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Văn Yên thả nuôi được 10 lồng cá chiên trên sông Hồng.

Hộ ông Nguyễn Đăng Lộc là thương binh hạng 3/4 ở tổ 7, phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái cũng là một trong những hộ được gia đình anh Tuấn giúp đỡ để phát triển thả nuôi cá chiên. Hiện gia đình ông Lộc đang thả nuôi 1 lồng cá chiên giống với gần 200 con. Đến tháng 3 năm 2011, gia đình ông Lộc sẽ tiếp tục thả nuôi thêm 1 lồng cá mới.

Ông Lộc tâm sự: “Gia đình tôi được sự động viên, giúp đỡ rất nhiều của gia đình anh Tuấn - chị Tuyết trong quá trình nuôi cá chiên trên sông Hồng, từ nguồn giống, kỹ thuật xây dựng lồng nuôi, quá trình chăm sóc. Tôi cũng nhận thấy giá trị kinh tế cao của việc nuôi cá chiên trên sông Hồng nên quyết tâm bám trụ, phát triển nghề này.”

Nhận thức rõ, ý nghĩa to lớn của việc bảo tồn, phát triển loài cá chiên trên sông Hồng, thành phố Yên Bái có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ để các hộ dân đầu tư phát triển mô hình sản xuất mới này. Bước đầu, thành phố Yên Bái đã hỗ trợ các hộ tham gia mô hình phát triển nuôi cá lồng với mức 3 triệu đồng chi phí cho đóng mới 1 lồng cá. Được biết, năm 2011 này, gia đình anh Tuấn, chị Tuyết phấn đấu đóng mới, thả nuôi thêm 4 lồng cá, nâng tổng số lồng cá chiên của gia đình lên 15 lồng.

Nguyễn Thanh Nghị

Các tin khác
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Yên Bái tặng hoa, khen thưởng cho các em học sinh Dự án

Chiều 16/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái tổ chức gặp mặt học sinh đoạt giải quốc gia cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI, năm 2024.

Các học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2023- 2024 được tuyên dương, khen thưởng.

Năm học 2023-2024 là năm huyện Văn Chấn có số giáo viên, học sinh đạt thành tích cấp tỉnh, cấp quốc gia cao nhất từ trước tới nay.

Học sinh thi lớp 10 tại Hà Nội năm 2023

Cách tính học sinh giỏi lớp 5, 9, 12 năm học 2023-2024 áp dụng quy định cũ. Các khối lớp còn lại áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 29/6. Thời điểm này, thầy cô giáo và các em học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang vào giai đoạn ôn tập “nước rút” cho năm cuối học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kỳ thi năm nay, tỉnh Yên Bái dự kiến có khoảng 8.700 thí sinh tham dự.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục