Yên Bái giải ngân ở mức cao vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/4/2024 | 12:02:53 PM

YênBái - Sáng 17/4, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025.


Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu thị xã Nghĩa Lộ và trực tuyến tại 5 điểm cầu địa phương gồm: thành phố Yên Bái, các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh; các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Sáng tạo trong triển khai các mô hình, dự án 

Bám sát các nghị quyết của Quốc hội, nghị định, quyết định, hướng dẫn của Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Yên Bái đã triển khai bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, bộ máy giúp việc, xây dựng và ban hành quy chế hoạt động; chỉ đạo cấp huyện và cấp xã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành các văn bản triển khai thực hiện theo quy định.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt là việc triển khai các mô hình, dự án góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân được tiếp cận nhiều chính sách, nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người dân; tạo được nhiều việc làm mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới.


Quảng cảnh Hội nghị.

Yên Bái giải ngân vốn các CTMTQG ở mức cao so với các địa phương trong cả nước

Đến nay, việc triển khai các chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 CTMTQG được triển khai quyết liệt, bảo đảm theo lộ trình kế hoạch Trung ương giao. Nổi bật là, tiến độ giải ngân vốn giai đoạn 2021-2023 thực hiện các CTMTQG ở mức cao so với các địa phương trong cả nước; trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân 1.448 tỷ đồng, bằng 99,4% kế hoạch vốn; vốn sự nghiệp giải ngân 370 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch.

Điểm sáng trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới của Yên Bái tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 70,7% tổng số xã toàn tỉnh, bằng 90,6% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đối với khu vực miền núi phía Bắc; trong đó 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt mục tiêu Nghị quyết; tăng 31 xã nông thôn mới, 33 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu so với năm 2020; 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

100% số xã có đường ô tô đến trung tâm rải nhựa hoặc bê tông

Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được cải thiện. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 95,5%  thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá; 97,6% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp; 94% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 99,4% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 96,8% thôn có nhà văn hoá. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 13/59 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tỷ lệ nghèo đa chiều còn 13,08%

Tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt trên 3,3%/năm. Đến hết năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn lại là 13,08%, đứng thứ 11/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 3.500 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai (lũ quét, lũ ống, sạt lở đất) với tổng kinh phí gần 384 tỷ đồng.

Yên Bái đạt 93% kế hoạch giải ngân vốn các CTMTQG

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 do HĐND tỉnh ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa, chuyển biến trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Việc triển khai thực hiện chính sách đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện một cách khẩn trương, sâu rộng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã giải ngân kinh phí 117,2 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch vốn; triển khai được 44 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ thực hiện 3 dự án, mô hình mới. Đến nay, các dự án, mô hình đều phát huy hiệu quả, mở rộng cả về quy mô, diện tích sản xuất, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Phát biểu chỉ đạo và định hướng tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, hành động quyết liệt của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 tỉnh, các ban, sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trong triển khai thực hiện 03 CTMTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 trong thời gian qua đã tạo tiền đề quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Với việc triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chất lượng, hiệu quả các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025, các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái đã có sự thay đổi toàn diện, tích cực. 

Đây là kết quả của những cách làm hay, những mô hình sáng tạo, là minh chứng sống động, chân thực của "ý Đảng-  lòng dân” thống nhất, đồng lòng, sự phát huy vai trò chủ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương; là tiền đề để tỉnh tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng đã nêu một số vấn đề có tính chất định hướng để các cấp, các ngành và các địa phương tập trung nghiên cứu, thảo luận. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ban, sở ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị; nhận thức, hành động của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tham gia thực hiện các CTMTQG; đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được sau 3 năm thực hiện các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Thí điểm phân cấp cho 2 huyện Văn Chấn, Văn Yên thực hiện 3 CTMTQG

Đồng chí cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương nêu lên những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là trong việc thực hiện các dự án, tiểu dự án của các Chương trình; việc bố trí, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện; chia sẻ những cách làm hay, mô hình hiệu quả, các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai toàn diện và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhất là việc thí điểm phân cấp cho 2 địa phương cấp huyện là Văn Chấn, Văn Yên thực hiện 3 CTMTQG và có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương, với tỉnh để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.


Các đại biểu tham luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả. Các địa phương cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các CTMTQG; tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư cơ hạ tầng tiếp tục thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chính sách đối vùng đồng bào dân tộc thiểu số… 


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân trong thực hiện 3 CTMTQG

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phát huy những kết quả đã đạt được, khẩn trương khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, nghị định của Quốc hội, của Chính phủ, các chỉ thị, công điện, thông báo kết luận và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy và của UBND tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, rõ ràng các văn bản của Trung ương, của Tỉnh uỷ; tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt những ý kiến phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ đã chỉ ra về 5 tồn tại, hạn chế, 5 bài học kinh nghiệm.

Thường xuyên rà soát điều chỉnh, bổ sung các chính sách, kế hoạch, chương trình cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, sâu rộng các cơ chế, chích sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và của tỉnh; phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền; huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân trong thực hiện 3 CTMTQG.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và của tỉnh bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh đối với trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và các quy định của Trung ương, của tỉnh về các CTMTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở về các CTMTQG và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Đức Toàn – Mạnh Cường

Tags Yên Bái giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia

Các tin khác
Quang cảnh Lễ thượng cờ Thống nhất non sông

Bến Hải-Hiền Lương đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại là biểu tượng sáng ngời của niềm tin và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông; là ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Thanh niên miền Bắc, trong đó có thanh niên Yên Bái hưởng ứng Phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. (Ảnh: T.L)

Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn, kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhân dân Yên Bái tự hào vì đã đóng góp được 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phác luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, cách mạng.

Xã Đại Phác, huyện Văn Yên được coi là cái nôi cách mạng của địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đỉnh cao là chiến công phá tan đồn Đại Phác, chặt đứt một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ theo hành lang Đông - Tây của Pháp mở màn cho chiến thắng sông Thao. Phát huy truyền thống cách mạng, từ một vùng đất nghèo, Đại Phác hôm nay đang chuyển mình, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với đoàn viên, thanh niên về công tác chuyển đổi số.

Kế thừa những thành quả vĩ đại của Chiến thắng lịch sử 30/4, các thế hệ cha ông đã xây dựng, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định là phải tích cực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống cho nhân dân và xây dựng tỉnh phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục