Văn Chấn từng bước hoàn thiện đường giao thông nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/10/2021 | 11:04:32 AM

YênBái - Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, huyện Văn Chấn huy động mọi nguồn lực để từng bước cứng hóa, kiên cố hóa, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT). Qua đó, mỗi năm có hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông được cứng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng quê và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân thôn Minh Đồng, xã Đồng Khê tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân thôn Minh Đồng, xã Đồng Khê tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.

Dù đã gần trưa nhưng tiếng máy trộn bê tông vẫn rền vang trên đường dẫn vào khu dân cư Xóm Ngoài, thôn Minh Đồng, xã Đồng Khê. Bất chấp thời tiết nắng nóng, bà con vẫn miệt mài trộn cát sỏi, nẹp ván, cứng hóa từng mét đường giao thông. 

Ông Vũ Trung Hướng - Bí thư Chi bộ thôn Minh Đồng cho biết: "Cách đây hơn chục năm, tuyến đường này đã được đổ bê tông nhưng chỉ rộng 1 m nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Do vậy, khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, thôn đã vận động được 23 hộ trong xóm hiến trên 2.000 m2 đất để mở rộng nền đường và đóng tiền mặt, ngày công nhằm cứng hóa 1,3 km đường”.

 Được biết, ngoài phần hỗ trợ xi măng của Nhà nước, trên 400 nhân khẩu trong thôn đã đóp góp mỗi người 1 triệu đồng để mua thêm vật liệu, thuê máy móc san ủi, kiên cố hóa đường giao thông. 

Anh Lương Trung Kiên - người dân thôn Minh Đồng cho biết: "Trước kia, chúng tôi xây dựng nhà ở, chuồng trại vận chuyển vật liệu đi lại rất khó khăn. Do vậy, nhân dân đều đồng thuận đóng góp để mở rộng, kiên cố hóa tuyến đường để đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Thời gian tới, mong Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm cây cầu cứng để ô tô có thể đi lại trong thôn”. 

Hiện nay, xã Đồng Khê có khoảng 20 km đường liên thôn, nội thôn. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc, đồng thuận của nhân dân, hệ thống đường GTNT của xã từng bước được kiên cố hóa, hoàn thiện, bảo đảm cho việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Ông Nguyễn Xuân Gần - Chủ tịch UBND xã Đồng Khê cho biết: "Sau khi hoàn thành 2 km đường theo kế hoạch năm 2021 thì toàn bộ hệ thống đường GTNT của xã được cứng hóa, góp phần giúp người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận tiện hơn, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi”. 

Trong 9 tháng năm 2021, huyện Văn Chấn đã huy động được trên 77 tỷ đồng đầu tư cho phát triển GTNT; trong đó, nguồn vốn Nhà nước trên 52,5 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu chính như: xi măng, cát, sỏi đều tăng so với mọi năm; thời gian thi công chủ yếu vào mùa mưa và mùa vụ nên việc huy động nhân dân tham gia gặp nhiều khó khăn; việc triển khai làm đường hiện nay chủ yếu chỉ còn ở các thôn xa trung tâm, điều kiện kinh tế khó khăn, dân cư không tập trung, địa hình phức tạp… đã ảnh hưởng đến việc huy động sức dân và tiến độ thi công. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, linh động, hiệu quả, huyện đã từng bước khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực để tập trung, dồn sức kiên cố hóa các tuyến đường GTNT. 

Bà Hoàng Thị Lý - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: "Nguồn vốn huy động trong nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: bằng ngày công lao động, tiền mặt, hiến đất, cây cối, hoa màu… với phương châm GTNT là công trình của dân, do dân làm, dân tự kiểm tra và mọi công việc đều được thực hiện một cách công khai, minh bạch, dân chủ. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng công trình được cơ sở rất quan tâm. Do đó, khi thi công công trình, ngoài việc giám sát của cơ quan chuyên môn còn có sự tham gia giám sát rất chặt chẽ của các đoàn thể ở cơ sở từ việc quản lý vật tư đến việc thanh toán, quyết toán công trình. Bởi vậy, chất lượng công trình được đảm bảo và tiết kiệm. Công trình sau khi nghiệm thu đều được bàn giao cho các khu dân cư, thôn bản quản lý, khai thác sử dụng”.

Từ sự vào cuộc của chính quyền các cấp và đồng thuận của nhân dân, mạng lưới GTNT huyện Văn Chấn không ngừng được mở rộng, nâng cấp, góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Trong 9 tháng năm 2021, huyện đã kiên cố hóa được 60,4 km; trong đó, có 53,3 km thuộc đề án phát triển GTNT. Đến nay, toàn huyện có 326,2 km đường bê tông xi măng; 12,5 km đường đá, láng nhựa, đạt tỷ lệ cứng hóa 42,4%. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên ngân sách cho phát triển GTNT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp nhiều hơn nữa về sức người, sức của... phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện kiên cố hóa được 300 km, mở mới 20 km đường GTNT.

Hùng Cường

Các tin khác

Chiều 17/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Giá vàng đang thẳng đứng trong hai tuần qua.

Với mức tăng thẳng đứng như hiện tại, chuyên gia cho rằng nhiều khả năng giá vàng thế giới lập đỉnh mới, vượt mốc cao nhất mọi thời đại hồi tháng 4 với 2.491 USD/ounce.

Đề xuất Luật Đất đai số 31/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ giao Bộ trưởng Tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục