Yên Bình phát triển vùng trồng tre măng Bát độ

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/5/2024 | 3:40:01 PM

YênBái - Không có diện tích "áp đảo" như Trấn Yên song qua 20 năm (bắt đầu từ vùng thượng huyện), huyện Yên Bình đến nay đã và đang phát triển bền vững vùng tre măng Bát độ, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, từng bước đáp ứng mục tiêu chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững đồng thời hứa hẹn tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon ra thị trường nước ngoài.

Huyện Yên Bình phấn đấu đến năm 2025 có 700 ha tre măng Bát độ.
Huyện Yên Bình phấn đấu đến năm 2025 có 700 ha tre măng Bát độ.

Cuối năm 2023, gia đình bà Văn Thị Xuân ở tổ 6, thị trấn Yên Bình đã chuyển đổi từ trồng cây keo sang trồng 0,5 ha tre măng Bát độ - một loại cây trồng mới với gia đình. Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, cộng thêm những kiến thức tiếp nhận qua lớp tập huấn, cây tre măng của gia đình bà Xuân sinh trưởng, phát triển tốt sau 8 tháng trồng. 

Bà Xuân cho biết: "Từ lúc lấy hom giống về cây chỉ cao từ 50 - 70 cm, đến nay đã cao trên 3m rồi. Nhìn những cây măng mới mọc, lớn lên từng ngày, gia đình tôi rất phấn khởi và kỳ vọng đây sẽ là mô hình giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững. Nhờ được cán bộ chuyên môn của huyện thường xuyên, nguồn giống đảm bảo, gia đình đã nắm vững được kỹ thuật trồng và chăm sóc nên đã mở rộng diện tích trồng lên trên 1 ha và sẽ tiếp tục chuyển đổi các cây trồng hiện có sang trồng tre măng Bát độ trong thời gian tới”. 

Gia đình bà Xuân là một trong bốn hộ gia đình tại thị trấn Yên Bình tham gia trồng 2,1 ha cây tre măng Bát độ theo Đề án "Phát triển cây tre măng Bát độ huyện Yên Bình, giai đoạn 2025- 2030” từ cuối năm 2023. Đến nay, số diện tích tre măng Bát độ tại thị trấn đều sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, các hộ gia đình cũng chủ động tăng diện tích trồng. 


Bà Văn Thị Xuân phấn khởi vì cây tre măng Bát độ Bát độ sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo ông Hoàng Hợp - Chủ tịch UBND thị trấn, địa phương hiện có 6 ha tre măng Bát độ. Chính quyền đang tích cực phối hợp, triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu hướng đến năm 2025 sẽ có 10 ha; đến năm 2030 có 48 ha, trong đó có 35 ha trồng mới, 13 ha chăm sóc kinh doanh. Thị trấn Yên Bình sẽ phát triển diện tích tre măng Bát độ đáp ứng quy hoạch đề ra. Tất cả diện tích trồng sẽ được ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Tại xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình, cây tre măng Bát độ đã bén rễ nhiều năm, dần trở thành cây trồng quan trọng góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Là một trong những hộ tiên phong trồng tre măng Bát độ ở xã, đến nay gia đình ông Trần Phúc Dân ở thôn Phú Mỹ đã có gần 8 ha, trong đó già nửa diện tích đã cho thu hoạch. Ông Dân phấn khởi cho biết: "Hơn 4 ha tre măng Bát độ của gia đình cho thu nhập bình quân gần 150 triệu đồng/năm. Riêng mùa măng năm nay dự ước sẽ thu về cho gia đình gần 300 triệu đồng. Nhờ cây tre măng Bát độ, cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá lên rất nhiều”.

Anh Nguyễn Công Kiều cũng ở thôn Phú Mỹ, cho biết: "Hiện gia đình có 3 ha tre măng Bát độ, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây là loại cây dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp nhiều chất đất. Tre măng Bát độ sau khi trồng 2 - 3 năm là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch chính kéo dài liên tục từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, những tháng còn lại trong năm vẫn có thu hoạch nhưng số lượng ít hơn... Gia đình tôi cũng thường xuyên được cán bộ tập huấn kỹ thuật và có Công ty cổ phần Yên Thành thu mua sản phẩm nên tôi rất yên tâm”. 


Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cung ứng giống cây tre măng Bát độ cho người dân huyện Yên Bình.

Những kết quả sau gần 10 năm gắn bó với cây tre măng Bát độ của người dân thôn Phú Mỹ trở thành tiền đề để Mỹ Gia tiếp tục mở rộng giống cây này ra toàn xã. 

Ông Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia cho biết: "Nhận thấy đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, xã đã vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia phát triển trước. Tiếp đó, huyện Yên Bình cũng đã xây dựng kế hoạch, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn giống và chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, toàn xã có trên 100 ha tre măng Bát độ, trong đó có 60 ha đang thu hoạch, bình quân 1 ha cho thu nhập 70 triệu đồng, đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân"

"Người trồng ở xã Mỹ Gia cũng được xem là có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây tre măng Bát độ nhất huyện Yên Bình. Địa phương đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 196 ha, trong đó có 45 ha trồng mới và 151 ha chăm sóc kinh doanh theo Đề án của huyện”, ông Lĩnh tự hào chia sẻ. 

Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 338 ha tre măng Bát độ, dự kiến hết năm 2024 có trên 438 ha, trong đó khoảng 230 ha kinh doanh, tập trung ở các xã: Mỹ Gia 106 ha, Cảm Nhân 10 ha, Yên Thành 95 ha, Đại Đồng 5,5 ha, Mông Sơn 5 ha, Bảo Ái 2,5 ha và thị trấn Yên Bình 6 ha. Tổng sản lượng toàn huyện hàng năm ước đạt 3.000 tấn; tổng giá trị thu nhập bình quân năm ước đạt 15 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có Công ty cổ phần Yên Thành là đơn vị tiêu thụ toàn bộ sản lượng tre măng cho nông dân với giá thu mua ổn định. Việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến măng cũng giải quyết việc làm cho 150 -  200 lao động với thu nhập bình quân đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Năm nay, do tiếp tục được thâm canh tốt nên tre măng Bát độ ở huyện Yên Bình dự kiến cho sản lượng cao. Trung bình mỗi ha tre măng Bát độ cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với cây nguyên liệu khác. Các sản phẩm tre măng Bát độ đều được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong đó có Công ty cổ phần Yên Thành tiêu thụ khá ổn định. Các sản phẩm từ tre không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số thị trường trong khu vực.


Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm từ tre măng Bát độ. 

Bên cạnh việc cho hiệu quả kinh tế, các diện tích tre măng Bát độ tại Yên Bình sẽ là nguồn tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon ra thị trường nước ngoài (thị trường bắt buộc hoặc thị trường carbon tự nguyện). Với đơn giá bán hiện tại 1 tín chỉ tương đương 1 tấn carbon là 5 USD, 1 ha tre măng Bát độ sẽ cho khoảng 50-150 tín chỉ carbon. 

Năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã hỗ trợ và thí điểm tại 2 xã Đại Đồng và Phú Thịnh việc cấp 185 mã rừng trồng và xây dựng được đường cơ sở carbon rừng trồng theo lộ trình thị trường carbon trong nước (dự kiến thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028). Việc này sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cũng như góp phần quan trọng phát triển và bảo vệ rừng tại địa phương...

Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Tre măng Bát độ tại Yên Bình hoàn toàn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng. Cây tre măng Bát độ mang lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; bước đầu đã gắn kết vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn giúp nhân dân nắm bắt được các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến,… nên diện tích tre măng trên địa bàn huyện đều sinh trưởng và phát triển tốt, tre ra măng khỏe, chóng thành bụi, năng suất bình quân đạt 12 - 15 tấn/ha. Tổng sản lượng măng ước tính 12-15.000 tấn/năm. 

"Năm 2024, huyện Yên Bình tiếp tục triển khai Dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tre măng Bát độ tại các xã: Mỹ Gia, xã Cảm Nhân, Ngọc Chấn, Phúc An, Yên Thành, Xuân Long, Bạch Hà, Phúc Ninh, Tân Hương và thị trấn Yên Bình với quy mô 145 ha; từng bước tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để phát huy tiềm năng đất đai tự nhiên, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân các địa phương” -  Chủ tịch Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.

Huyện Yên Bình cũng đang tiếp tục triển khai Đề án "Phát triển cây tre măng Bát độ huyện Yên Bình, giai đoạn 2025- 2030” với mục tiêu đến năm 2025 có 700 ha, năm 2030 là 1.200 ha trong đó có 850 ha kinh doanh, sản lượng 27.000 tấn/năm. Trong đó, phát triển mạnh tại các xã Mỹ Gia 196 ha, Yên Thành 106 ha, Xuân Long 155 ha,  Cảm Nhân 170 ha, Phú Thịnh 120 ha... Đề án nhằm tiếp tục mở rộng diện tích tre măng Bát độ, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu đồng thời đáp ứng mục tiêu chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo nguồn tín chỉ carbon trong giai đoạn tới.

Ông Trường khẳng định: "Huyện sẽ tập trung triển khai 9 giải pháp để phát triển vùng trồng tre măng Bát độ. Theo đó, huyện sẽ quan tâm đến vấn đề giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích được quy hoạch phát triển cây tre măng đảm bảo người dân yên tâm đầu tư sản xuất ổn định, lâu dài; quan tâm đến giải pháp về giống đảm bảo cây giống có nguồn gốc, xuất xứ; kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác, chế biến sản phẩm tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; quan tâm đến vấn đề phân bón, áp dụng khoa học - công nghệ, liên kết thị trường tiêu thụ, các chính sách hỗ trợ đối với từng đối tượng cụ thể và nguồn kinh phí đầu tư cho thực hiện Đề án”.

Việc xây dựng Đề án phát triển trồng tre măng Bát độ phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng của người dân; dựa trên cơ sở đất trồng tre măng Bát độ hiện có và đánh giá phân tích cùng với lộ trình xây dựng, phát triển và đánh giá thực trạng chi tiết sẽ phát huy tiềm năng về đất đai và lao động tại địa phương.
Văn Dương

Tags Yên Bình tre măng Bát độ nông nghiệp Đề án

Các tin khác
Người dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn

Trong giai đoạn 2019 – 2024, huyện Văn Chấn đã được đầu tư gần 420 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.

Gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân tỉnh Yên Bái tại Hà Nội.

Trong 3 ngày 17 - 20/5, Hội Nông dân tỉnh (HND) Yên Bái đã tham gia “Tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao, thân thiện với môi trường” do HND thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chương trình phối hợp giữa HND thành phố Hà Nội với HND các tỉnh, thành năm 2024.

Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn luôn được đơn vị tạo điều kiện phát huy sáng kiến trong công việc.

Để sở hữu nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, các doanh nghiệp (DN), chủ sử dụng lao động ở Yên Bái đã phối hợp với các cơ sở đào tạo cùng đào tạo, đào tạo lại để người lao động (NLĐ) có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 20-5.

Từ nay đến cuối năm 2024, Chính phủ tập trung vào triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tháng 9; thi công xong 1.000 km đường bộ cao tốc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục