Hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Người trẻ giữ trang phục truyền thống

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2025 | 1:44:31 PM

YênBái - Tuy cuộc sống hiện đại đang thay đổi nhanh chóng nhưng nhiều bạn trẻ Yên Bái vẫn giữ gìn và tự hào khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc mình, vừa để thể hiện bản sắc văn hóa vừa để lan tỏa vẻ đẹp truyền thống đến cộng đồng. Các bạn coi việc mặc trang phục dân tộc không chỉ là hành động thể hiện sự tôn trọng quá khứ mà còn là cách khẳng định vị thế của mình trong xã hội hiện đại đầy biến động.

Em Sùng Thị Hà và Lý A Khua - học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải trong trang phục truyền thống dân tộc Mông.
Em Sùng Thị Hà và Lý A Khua - học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải trong trang phục truyền thống dân tộc Mông.

Sùng Thị Hà và Lý A Khua - học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Chế Cu Nha huyện Mù Cang Chải cũng như các bạn trong trường đều sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc Mông hàng ngày. Lý A Khua chia sẻ: "Mỗi lần mặc trang phục của dân tộc mình, em rất tự hào. Khi em tham gia hoạt động lễ hội, em thấy du khách rất yêu thích trang phục của dân tộc Mông nên em càng tự hào. Em sẽ sử dụng trang phục thường xuyên, cùng các bạn gìn giữ”.

Còn với Sùng Thị Hà, em đang là thành viên Câu lạc bộ khâu, thêu truyền thống của trường. Hà chia sẻ: "Em được cô giáo hướng dẫn, nhà trường mời nghệ nhân đến truyền dạy cho chúng em. Những ngày nghỉ, em cũng học thêu từ mẹ, từ bà. Chắc chắn, em sẽ tự làm được bộ trang phục truyền thống của dân tộc”. 

Trang phục truyền thống không chỉ là biểu tượng của bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử và nghệ thuật. Mỗi bộ trang phục đều mang trong mình câu chuyện về phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lối sống của từng dân tộc. 

Người trẻ Yên Bái đang dần nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ trang phục truyền thống. Họ không chỉ là những người thừa kế văn hóa mà còn là những người sáng tạo, mang đến những cách tiếp cận mới mẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Nhiều bạn trẻ đã tham gia vào các câu lạc bộ văn hóa, nơi họ được học hỏi và thực hành các kỹ năng dệt, thêu, may mặc từ những nghệ nhân trong cộng đồng. 

Bà Đặng Thị Thanh - Nghệ nhân dân gian ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên cho biết: "Tôi luôn tìm cách giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào, đặc biệt là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ". Những hoạt động như tổ chức các lớp học dạy dệt thổ cẩm, thêu thùa không chỉ giúp người trẻ hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của trang phục mà còn tạo ra cơ hội để họ thể hiện bản thân qua những sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

Trong khi đó, một số bạn trẻ đã sáng tạo ra những mẫu trang phục mới, kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống, nhằm thu hút sự chú ý của giới trẻ và du khách. Điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương. Chẳng hạn, tại huyện Mù Cang Chải, phụ nữ Mông đã thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, nơi sản xuất các sản phẩm đa dạng từ trang phục truyền thống đến các loại túi xách, khăn, mũ... Những sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân mà còn thu hút du khách, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.

Tuy có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn trang phục truyền thống nhưng người trẻ Yên Bái vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự phát triển của công nghệ và sự phổ biến của trang phục công nghiệp đã khiến nhiều người trẻ không còn mặn mà với việc tự tay làm trang phục truyền thống. Để khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền và tổ chức xã hội cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trẻ tham gia vào các hoạt động gìn giữ văn hóa. Đặc biệt, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động gìn giữ trang phục truyền thống. 100% trường học trên địa bàn tỉnh khuyến khích học sinh sử dụng trang phục truyền thống vào giờ chào cờ, các hoạt động ngoại khóa, kỷ niệm… Cùng với đó, các địa phương tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống, đó là cơ hội để người trẻ thể hiện tài năng và niềm tự hào về văn hóa dân tộc.

Người trẻ Yên Bái đang đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của trang phục truyền thống. Họ không chỉ là những người thừa kế mà còn là những người sáng tạo, mang đến những cách tiếp cận mới mẻ trong việc bảo tồn văn hóa. 

Thanh Ba

Tags Yên Bái người trẻ trang phục truyền thống

Các tin khác
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trạm Tấu kiểm tra, giám sát hộ dân vay vốn chương trình tín dụng chính sách phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Từng là huyện vùng cao với đa số đồng bào Mông sinh sống, đối diện với nhiều khó khăn như hạ tầng lạc hậu và đời sống nghèo khó, Trạm Tấu giờ đây đang khoác lên mình một diện mạo tươi sáng. Những nếp nhà xiêu vẹo, tạm bợ đã dần lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những mái ấm kiên cố, khang trang. Tiếng gió rít lạnh lẽo qua khe vách năm nào đã tan trong tiếng cười nói rộn ràng của cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn. “Đòn bẩy” mạnh mẽ, mang đến luồng sinh khí mới ấy chính là dòng chảy tín dụng chính sách (TDCS) - nguồn vốn như mạch nước ngầm bền bỉ, đang âm thầm tưới mát, hồi sinh và kiến tạo nên một Trạm Tấu đầy sức sống hôm nay.

Thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật Trường Sơn trong một buổi biểu diễn.

Những năm tháng chiến tranh, đã có hàng nghìn nam, nữ thanh niên của Yên Bái xung phong, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, kiên cường bám đường, vượt núi băng rừng, làm nhiệm vụ trên con đường Trường Sơn, góp phần làm nên những kỳ tích huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cựu binh Trần Văn Thanh cùng tư trang trên hành trình từ TP Vinh (Nghệ An) vào TP HCM xem diễu binh dịp 30/4.

5 ngày sau khi khởi hành từ Nghệ An, ông Trần Văn Thanh, 76 tuổi, đã đi qua 10 tỉnh, dự tính sẽ đến TP HCM trước ngày 30/4, kịp xem lễ diễu binh.

Ban Giám hiệu và đội viên Liên đội Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái tổ chức hoạt động thăm cựu chiến binh trên địa bàn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh.

Hoạt động Đội và các phong trào thiếu nhi có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ. Đây là môi trường lý tưởng để thiếu niên, nhi đồng được vui chơi, rèn luyện, phát triển nhân cách, từ đó đạt kết quả cao hơn trong học tập và các hoạt động xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục