Tạo thêm cơ hội để phụ nữ độc lập và tự chủ

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/5/2025 | 6:55:43 AM

YênBái - Qua 9 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939), hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp đã tạo nên các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, hội viên, giúp phụ nữ tự tin hơn trong khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế; tạo cơ hội để phụ nữ thêm độc lập và tự chủ trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đứng giữa) trao đổi với chị em phụ nữ về quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản do chị em làm ra.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đứng giữa) trao đổi với chị em phụ nữ về quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản do chị em làm ra.


Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh có những đánh giá, chia sẻ để thấy rõ hơn hiệu quả, tác động của Đề án qua cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Yên Bái.

P.V: Là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã tập trung vào những hoạt động nào để đạt được mục tiêu Đề án đặt ra, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Trên cơ sở Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 được Chính phủ phê duyệt, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, triển khai tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo, phát huy thế mạnh, sở trường của chị em phụ nữ và tạo cơ hội tốt nhất để phụ nữ phát huy nội lực, tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. 

Hàng năm, UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí để Hội LHPN tỉnh triển khai các hoạt động Đề án, tổng nguồn kinh phí đến năm 2025 của tỉnh cấp là 2,2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đã được sử dụng đúng mục đích, mục tiêu của Đề án, cụ thể: tập trung tuyên truyền, tổ chức tư vấn, hướng dẫn tại cơ sở về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, cách thức thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; tuyên truyền giúp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. 

Theo đó, đã biên soạn và phát hành 2.000 cuốn tài liệu và 1.000 tờ rơi tuyên truyền về khởi nghiệp, cấp phát tới 100% cơ sở Hội trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức 32 lớp tập huấn cho trên 1.500 phụ nữ là quản lý, thành viên doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. 

Các cấp Hội đã hỗ trợ 2.230 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; trên 3.570 lượt phụ nữ tham gia tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập mới 55 hợp tác xã, 1.027 tổ hợp tác, 32 doanh nghiệp do nữ làm chủ; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 251 lớp đào tạo nghề về sản xuất rau an toàn, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp, chăn  nuôi thú y, chăm sóc sắc đẹp… cho hơn 7.000 học viên và sau học nghề, học viên tự tạo việc làm tại gia đình và địa phương. 

Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố lựa chọn giới thiệu 121 ý tưởng tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội tổ chức. Đã có 10 ý tưởng được chọn vào vòng thi cấp vùng, trong đó có 3 ý tưởng lọt vào vòng chung kết tôn vinh và trao giải với tổng trị giá trên 500 triệu đồng để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. 

Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ 32 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công. Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với Hội Nữ doanh nhân của tỉnh tổ chức Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp; tổ chức 2 cuộc tọa đàm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại; trưng bày 115 gian hàng giới thiệu sản phẩm của nữ doanh nhân và hội viên phụ nữ, thu hút trên 7.000 người tham gia.

Có thể nói, Đề án đã tạo ra bước đột phá trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh trong giai đoạn mới. Đề án 939 cơ bản đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.  


Hội LHPN tỉnh biểu dương các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 939. 

P.V: Với những hiệu quả đạt được, Đề án 939 đã có những tác động như thế nào đối với phụ nữ nói riêng và với địa phương nói chung, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Có thể thấy, Đề án 939 đã mang lại nhiều tác động tích cực không chỉ đối với phụ nữ mà còn đối với nhiều lĩnh vực của địa phương. 

Đề án khuyến khích phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giúp họ trở nên độc lập và tự chủ hơn trong cuộc sống. Thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ, phụ nữ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, từ đó nâng cao khả năng ra quyết định và tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, giúp họ tự tin hơn trong khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. 

Nhiều mô hình kinh doanh đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy họ tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế - xã hội, từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng. Nâng cao quyền năng của phụ nữ, khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của các tầng lớp, đối tượng phụ nữ tại địa phương chính là ý nghĩa, tác động rất rõ nét của Đề án.

Đề án còn mang lại những tác động tích cực đối với việc nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cho cán bộ Hội chuyên trách các cấp và cán bộ các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tham gia triển khai Đề án. 

Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án giúp cán bộ Hội LHPN các cấp có kiến thức tốt hơn về khởi nghiệp, giúp họ tư vấn, định hướng và hỗ trợ hội viên nhận thức rõ hơn về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong cộng đồng, giúp triển khai các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản, hiệu quả. 

Đối với các sở, ban, ngành, việc phối hợp triển khai thực hiện Đề án đã thúc đẩy và lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng, giúp đề xuất các chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong phụ nữ, tạo nền tảng vững chắc để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Đối với địa phương nói chung, Đề án có những tác động tích cực đến các lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến môi trường. Đối với kinh tế, Đề án khuyến khích phụ nữ tham gia khởi nghiệp, giúp thúc đẩy sản xuất và dịch vụ, tăng số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. 

Khi phụ nữ khởi nghiệp, họ không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người khác, đặc biệt là lao động nữ. Phụ nữ thường mang đến những ý tưởng sáng tạo, đổi mới, góp phần đa dạng hóa thị trường, giúp phụ nữ tiếp cận tài chính, hỗ trợ đào tạo kỹ năng quản lý tài chính, giúp họ vận hành doanh nghiệp, hợp tác xã bền vững. 

Đối với xã hội, thông qua các cuộc thi, hội thảo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề... đã giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp… góp phần nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Các nữ doanh nhân tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra đã luôn tích cực đi đầu trong công tác vận động, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. 

Đối với môi trường, Đề án khuyến khích phụ nữ thực hiện các ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thực phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường phát triển bền vững, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng.

P.V: Theo bà, với những kết quả, ý nghĩa đã đạt được, để bảo đảm tính bền vững của Đề án, cần quan tâm tới những yếu tố nào trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Giai đoạn 2017 - 2025, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững của những kết quả này việc tiếp cận nguồn vốn là điều cần được quan tâm nhất. Nhiều phụ nữ khởi nghiệp vẫn cần nguồn vốn lớn hơn để mở rộng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Do đó, cần tăng cường các chương trình hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn đa dạng và phù hợp, nhất là đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới thành lập cần có chính sách ưu đãi hơn. 

Đồng thời, cần chú trọng đào tạo kỹ năng quản lý, marketing, quản lý chất lượng và tài chính để bảo đảm phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; chú trọng việc hỗ trợ thủ tục pháp lý và quản lý nhân sự để bảo đảm các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ lãnh đạo, quản lý hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật; cần thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh. 

Để đồng hành cùng chị em, cần phát huy tốt hơn vai trò của tổ chức Hội trong vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống. 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thu Hạnh (thực hiện)

Tags Yên Bái Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi nghiệp phụ nữ

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Chương Phát - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn Khu Công nghiệp Minh Quân nhân “Tết sum vầy” Xuân 2025.

Trải qua nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, các cấp công đoàn tỉnh Yên Bái luôn chú trọng xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, là điểm tựa tin cậy của đoàn viên, người lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và huyện Yên Bình trao hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” cho cô giáo Nông Thị Hồng Chuyên, đoàn viên công đoàn Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên.

Gia đình cô giáo Nông Thị Hồng Chuyên, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên vừa được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Yên Bình trao hỗ trợ nhà “Mái ấm công đoàn” với trị giá 40 triệu đồng.

Người dân vẫy cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam khi chụp ảnh trước Dinh Độc Lập ngày 29/4.

Sự kiện Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được rất nhiều báo chí quốc tế đưa tin đậm nét trong những ngày vừa qua, với điểm nhấn là không khí lễ hội hân hoan cũng như những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được trong những năm qua.

Đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái thăm hỏi, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Hao tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên

Chiều 29/4, Đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái do Đại tá Hoàng Văn Toàn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Yên Bái làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Trấn Yên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); tham gia đoàn có lãnh đạo Ban CHQS huyện và địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục