Là huyện miền núi của tỉnh, Văn Yên được thiên nhiên ban tặng cho vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây quế nổi tiếng cả nước. Những năm gần đây, ngoài cây quế huyện còn phát huy lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Cùng với tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư xây dựng các điểm, dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, huyện cũng đã chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn tại các địa phương có điểm, cảnh quan đẹp để phục vụ tốt du khách khi đến tham quan.
Những năm gần đây, cùng với khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ, kêu gọi nguồn lực, thu hút đầu tư trong phát triển du lịch, xã Nà Hẩu còn quan tâm khuyến khích các hộ dân phát triển mô hình du lịch homestay trải nghiệm, các dịch vụ ngày càng hiện đại, chất lượng, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của du khách khi đến xã.
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đến nay, xã Nà Hẩu đã phát triển được 5 mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Các mô hình tập trung khai thác thế mạnh tại chỗ, bảo đảm phục vụ tốt cho du khách khi đến lưu trú, tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, các hoạt động cũng được quan tâm tổ chức quy mô hơn để thu hút du khách. Điển hình là Lễ Cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng tạo đà thu hút du khách đến với địa phương. Riêng trong năm 2024, xã Nà Hẩu đón gần 8.000 lượt du khách, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương...”.
Còn ở xã Phong Dụ Thượng ngoài đa dạng, phong phú về văn hóa truyền thống, xã cũng đã đầu tư phát triển các mô hình du lịch mới như: Hợp tác xã Hùng Định nuôi cá tầm thương phẩm ở thôn Khe Mạng; Hợp tác xã Hoàng Khoa và Hợp tác xã cá tầm Khe Dẹt ở thôn Khe Dẹt; Hợp tác xã Du lịch Phong Dụ Thượng, khai thác du lịch tham quan ruộng bậc thang thôn Khe Táu, tắm suối khoáng nóng ở thôn Cao Sơn; Hợp tác xã Du lịch Quỳnh Thiệp phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ lưu trú, ẩm thực... tạo triển vọng lớn cho xã phát triển du lịch.
Ông Lù A Dờ - Bí thư Chi bộ Khe Táu chia sẻ: "Phát huy thế mạnh về khu ruộng bậc thang đẹp, hiện đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, để tiếp tục phục vụ và thu hút thêm nhiều du khách hơn, thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền vận động bà con duy trì, bảo vệ ruộng bậc thang, gieo cấy đúng lịch thời vụ để có cảnh quan đẹp mùa nước đổ, mùa lúa chín phục vụ du khách check in, trải nghiệm thì những năm gần đây hệ thống giao thông, điện, nước, công tác vệ sinh môi trường tại khu ruộng bậc thang của thôn Khe Táu cũng được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, hàng năm xã còn tổ chức Lễ hội Cơm mới của người Mông thôn Khe Táu tại khu ruộng bậc thang thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm”.
Văn Yên còn nhiều điểm tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng khác, điển hình như: du lịch tâm linh có đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn hay du lịch nghỉ dưỡng có các điểm Du lịch sinh thái - Cộng đồng thôn Khe Cam, xã Ngòi A; Khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Đại Phú An, thị trấn Mậu A...
Đây là các điểm du lịch được huyện quan tâm chỉ đạo các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ chú trọng quan tâm đầu tư nâng cấp, đổi mới phương pháp quản lý, đón tiếp, chăm sóc, phục vụ du khách cũng như công tác bảo đảm về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, giúp du lịch của huyện ngày càng phát triển theo hướng bền vững...
Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các điểm, cảnh quan đẹp, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện cũng như công tác quảng bá đã giúp du lịch Văn Yên có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô dịch vụ, hoạt động và doanh số.
Năm 2024, huyện đã đón trên 235.000 lượt khách lưu trú, doanh thu đạt 255 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch. Đây là động lực để các tổ chức, cá nhân làm du lịch trong huyện tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các điểm du lịch phục vụ du khách được tốt hơn.
Châu Á