Tuổi trẻ là lực lượng chủ chốt trong công cuộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự năng động, sáng tạo, khả năng tiếp thu cái mới, thế hệ trẻ có thể làm sống lại và phát triển những giá trị truyền thống. Tuổi trẻ cần hiểu được tầm quan trọng của di sản văn hóa mà cha ông để lại - từ phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, đến các lễ hội truyền thống.
Những giá trị này không chỉ thể hiện niềm tự hào dân tộc mà còn giúp mỗi cá nhân gắn kết với cội nguồn, cộng đồng. Việc học hỏi và truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống cần được tích hợp trong giáo dục và đời sống hàng ngày của thế hệ trẻ để tạo nên sự gắn bó bền chặt với văn hóa dân tộc. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Do vậy, vấn đề đặt ra là cần xác định và định hướng giá trị văn hóa phù hợp với những điều kiện mới của đất nước và thời đại cho thế hệ trẻ, nhằm giúp họ vừa giữ gìn vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc trong thời kỳ mới, qua đó rèn luyện ý chí, bản lĩnh, khơi dậy sức sáng tạo và những năng lực tiềm ẩn trong xây dựng, phát triển đất nước.
Đại hội XIII của Đảng cũng xác định cần: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII). Yên Bái là tỉnh miền núi đa dân tộc với nền văn hóa đa dạng và đặc trưng riêng biệt.
Sự giao thoa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa, các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phong cách sống hiện đại đôi khi tạo sức hút mạnh mẽ với giới trẻ, khiến nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ mai một hoặc bị quên lãng.
Một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hóa truyền thống, có hành vi lệch chuẩn, hoặc bị cuốn theo các trào lưu phản văn hóa, phi giá trị trên mạng xã hội. Việc bảo tồn và phát huy cần dựa trên nền tảng khoa học, vừa giữ gìn những giá trị cốt lõi, vừa tiếp nhận có chọn lọc những giá trị văn hóa mới phù hợp với điều kiện hiện đại và yêu cầu phát triển bền vững.
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 33 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”, tuổi trẻ Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ được Tỉnh đoàn triển khai dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú. 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức trên 450 diễn đàn "Thanh niên làm theo lời Bác” với sự tham gia của trên 40.000 đoàn viên thanh niên; tổ chức 70 hoạt động tuyên dương 1.690 thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Các cấp bộ Đoàn đã phối hợp đồng loạt triển khai Công trình thanh niên "Tổ quốc trong trái tim tuổi trẻ”; duy trì 3 trang mạng xã hội chính thống tuyên truyền về các hoạt động của Đoàn, chuyên mục "Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp”. Qua các kênh truyền thông xã hội như fanpage, nhóm trao đổi trên Facebook để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến thanh niên, đặc biệt, tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, tích cực phát triển mô hình câu lạc bộ (CLB) và tổ hợp tác.
Kết quả, thành lập hơn 200 đội thanh niên tình nguyện bảo tồn văn hóa, tổ chức lễ hội; các CLB như: CLB giới thiệu quảng bá đất và người Mù Cang Chải, tổ hợp tác du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lợi, mô hình "Tuổi trẻ quê hương Trấn Yên”... Đồng thời, mô hình "Thôn (bản) văn hóa thanh niên” với rất nhiều mô hình đã được ra mắt tại 9 huyện, thị, thành phố với hàng trăm đoàn viên thanh niên tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.
Trong các trường học tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống như tổ chức các hoạt động múa xòe, múa khèn, võ cổ truyền, dân vũ… trong giờ ra chơi để giáo dục và lan tỏa văn hóa dân tộc đến thế hệ học sinh. Các trường học xây dựng những không gian trải nghiệm văn hóa, tổ chức các CLB văn hoá dân gian, các trò chơi dân gian truyền thống, tạo môi trường văn hóa sinh động, hấp dẫn cho học sinh…
Những hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đáng lo ngại như: sự ảnh hưởng của văn hoá toàn cầu hóa đã khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một; sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã khiến cho thế hệ trẻ của tỉnh bị thu hút vào thế giới ảo mà bỏ qua thế giới thực; nhiều người trẻ còn thiếu hiểu biết về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như lòng yêu nước, tinh thần tự lập, sự cần cù, tính ham học hỏi, "tôn sư trọng đạo”… đã được tôi luyện qua hàng nghìn năm lịch sử, góp phần tạo nên bản lĩnh và sức mạnh dân tộc. Tuy nhiên, quá khứ không phải là điểm dừng. Thế hệ trẻ cần kế thừa có chọn lọc những giá trị tốt đẹp, đồng thời phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới để thích nghi và phát triển trong thời đại mới.
Trong quá trình giao lưu văn hóa sâu rộng, thế hệ trẻ cần trang bị cho mình khả năng phân tích, lựa chọn và tiếp thu những giá trị văn hóa mới phù hợp, đồng thời có ý thức bảo vệ bản sắc dân tộc. Việc này đòi hỏi sự tỉnh táo, ý chí mạnh mẽ và khả năng phê phán khoa học để không bị cuốn theo các trào lưu phản văn hóa, phi giá trị, đồng thời nuôi dưỡng những giá trị nhân văn, tiến bộ.
Đặc biệt là vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị văn hoá. Gia đình là môi trường đầu tiên truyền đạt giá trị văn hóa, giáo dục đạo đức, xây dựng niềm tự hào về dòng họ, quê hương. Nhà trường cung cấp kiến thức, giáo dục định hướng, uốn nắn hành vi, tổ chức các hoạt động văn hóa, ngoại khóa để học sinh trải nghiệm và hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống.
Mô hình du lịch homestay gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của anh Thào A Su, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.
Xã hội và các tổ chức đoàn thể tạo môi trường lành mạnh, đa dạng hóa các chương trình tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển. Đổi mới phương thức giáo dục và tuyên truyền sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại sẽ giúp truyền tải thông điệp văn hóa một cách sinh động, hấp dẫn.
Tăng cường các mô hình CLB, tổ chức hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa sẽ khơi dậy niềm yêu thích và tự hào của thanh thiếu niên đối với bản sắc văn hóa dân tộc. Cần tiếp tục khuyến khích thanh niên chủ động tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa qua các phong trào, chiến dịch tình nguyện; tăng cường vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội trong định hướng dư luận, giáo dục cư dân mạng, xây dựng "bộ lọc” thông tin khoa học, lành mạnh cho thanh niên.
Bên cạnh đó, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng giá trị cho thế hệ trẻ. Cần đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền, giáo dục, trong đó tập trung nhấn mạnh vào các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp, lối sống lành mạnh, theo chuẩn mực đạo đức xã hội và phù hợp với sự phát triển của đất nước; từ đó làm nền tảng để thế hệ trẻ hình thành những giá trị cốt lõi, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Định hướng giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu mà còn thúc đẩy sáng tạo, đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa phù hợp, khoa học, thiết thực cho thế hệ trẻ ở Yên Bái sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh nhà theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Mai Linh