Đám cưới thổi kèn của người Dao đỏ Tân Phượng

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2024 | 1:53:34 PM

YênBái - "Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.
Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

Ông Triệu Tiến Tiên là người Dao đỏ sinh ra và lớn lên ở Tân Phượng cho biết: "Trong đám cưới của người Dao đỏ Tân Phượng không thể thiếu tiếng kèn. Khi tiếng kèn cất lên là báo hiệu của hạnh phúc lứa đôi. Đây là nét văn hóa rất độc đáo và riêng có của người Dao đỏ”.

Đối với đám cưới dân tộc Dao đỏ phía nhà trai sẽ không tổ chức đi đón dâu như một số dân tộc anh em khác, mà nhà gái sẽ cử người đại diện cùng toàn thể gia đình nhà gái và anh em họ hàng đưa dâu về nhà trai, thường khoảng 30 đến 60 người, tùy thuộc vào gia đình nhà gái đông anh em không. Tiếng kèn, trống, chiêng, xèng (chom tìa) nổi lên sôi động cũng là thúc giục nhà gái khẩn trương chuẩn bị y phục cho cô dâu. Nhà gái đến, ban nhạc hỷ nổi nhạc tiến ra đón dâu và phái đoàn nhà gái.

 Lời tiếng kèn rằng: "Đón nàng về, đón vợ về; đón mẹ cha, đón thân quyến; em về với anh thành đôi lứa; ngày dài tháng rộng ta có nhau; uyên ương một cặp song long phượng; bình minh đồng hành cùng một hướng; tối trời chung gối giấc nồng say; rừng sâu thăm thẳm chung một lối; biển rộng mênh mông cùng một thuyền; nhà mái lá trái tim cùng nhịp đập; rau cháo qua ngày cũng có nhau; cùng nhau vun đắp xây tổ ấm…”. 

Khi đưa dâu về nhà trai, phái đoàn nhà gái đã quy tụ thành vòng tròn trước cửa gia đình nhà trai, sẽ có ba hồi kèn trống để trưởng đoàn nhà gái quàng thêm vải đỏ cho cô dâu nhằm chúc cô dâu luôn được hồng son mãi mãi và cài đôi hoa bằng bạc trắng cho cô dâu chúc cô dâu luôn xinh tươi như hoa và đi đâu cũng sánh đôi cùng chồng, hạnh phúc trăm năm. 

Sau đó, người thổi kèn đưa hai chén rượu mời trưởng đoàn nhà gái và hỏi thủ tục trước khi vào nhà sẽ làm thế nào. Trưởng đoàn nhà gái trả lời rằng, theo phong tục tập quán cũng như bản sắc văn hóa chúng ta không được bỏ, nên nhà trai vẫn nên làm đủ thủ tục nhưng rút ngắn lại. Sau những chuyện trò ý tứ ấy, đội kèn trống tiếp tục thổi kèn và đi vòng quanh phái đoàn nhà gái với ý nghĩa lưu giữ đoàn nhà gái ở lại làm các thủ tục để chúc phúc cho cô dâu và chú rể đến khi kết thúc đám cưới. 

Thầy cúng Triệu Hữu Phúc ở xã Tân Phượng cho biết: "Trước khi cô dâu vào nhà phải thổi kèn, đánh trống để làm lễ cúng nhập khẩu, nội dung bài cúng là báo cáo ông bà, tổ tiên hôm nay gia đình chính thức đón nhận thành viên mới. Đây hai chén rượu thể hiện tình yêu của hai con, xin được dâng lên ông bà tổ tiên chứng giám cho hai con thành vợ thành chồng, các con đã nguyện yêu thương nhau trọn đời, cho dù cuộc sống có khó khăn vất vả cũng sẽ cố gắng vượt qua, sống hạnh phúc bên nhau như hai chén rượu đầy...”.

Từ tiếng kèn đầu tiên báo hiệu cô dâu về nhà chồng, trong suốt lễ cưới kèn  tiếp tục được thổi nhiều lần nữa với các giai điệu khác nhau như: điệu kèn rước dâu vào nhà chồng; điệu kèn cô dâu chú rể làm lễ bái đường; điệu kèn cảm ơn tấm lòng cha mẹ hai bên; rồi kèn chào đón khách quý và tiễn đoàn đưa dâu khi kết thúc lễ cưới… 

Nhưng hay và ý nghĩa hơn cả là điệu kèn dành cho cha mẹ hai bên. Tiếng kèn được thổi với tiết tấu chậm rãi, nghe cảm nhận rõ sự trầm lắng, có chút buồn của người con gái sắp phải xa nơi mình sinh ra, lớn lên để đến nhà chồng. Tiếng kèn này cũng như thay lời cô dâu cảm ơn cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ con gái để trở thành người vợ hiền, dâu thảo khi bước chân về nhà chồng. 

Lời căn dặn cho cả cô dâu và chú rể, ông chủ hôn nói rằng: Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp; đừng ví gà rừng như phượng hoàng, đừng ví gà nhà như con quạ, gà nhà như quạ cũng vào chuồng, gà rừng như phượng cũng bay đi; đường rẽ ngõ cụt đừng có đi, đường đường chính chính ta vững bước; gạo sẵn ngoài kia đừng có đong, về nhà xay thóc trộm nhau nhìn, cơm nắm người ta đừng có mở, về nhà đại tiệc mặc sức vui...

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống, năm 2023, lần đầu tiên xã Tân Phượng tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc Dao thu hút hàng nghìn người dân, du khách đến tham quan, giao lưu văn hóa. Trong ngày hội, xã Tân Phượng đã tái hiện một phần lễ cưới thổi kèn của người Dao đỏ. Đây là cách để địa phương tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc ở địa phương và phát triển du lịch ở vùng đất Ngọc.

Anh Dũng

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.

Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", Trung ương Đoàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thành phố Yên Bái dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tưng bừng các hoạt động văn hoá văn nghệ khắp địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phầndần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố tỉnh lỵ.

Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục