Thỏa thuận ngừng bắn lịch sử tại Cô-lôm-bi-a

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2016 | 9:19:52 AM

Lệnh ngừng bắn mang tính lịch sử có hiệu lực từ 0 giờ ngày 29-8 (giờ địa phương) giữa Chính phủ Cô-lôm-bi-a và phe nổi dậy Lực lượng Vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) đã mở ra cơ hội chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột kéo dài 52 năm qua giữa Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC.

Người dân tại thủ đô Bô-gô-ta (Cô-lôm-bi-a) đang vẽ một bức tranh thể hiện khát vọng hòa bình.
Người dân tại thủ đô Bô-gô-ta (Cô-lôm-bi-a) đang vẽ một bức tranh thể hiện khát vọng hòa bình.

Các bên nghiêm chỉnh thực thi lệnh ngừng bắn

Trong một tuyên bố trước truyền thông, lãnh đạo hàng đầu FARC Ti-mô-lê-ông Hi-mê-nết (Timoleon Jimenez) đã yêu cầu các chỉ huy và tay súng FARC ngừng bắn một cách dứt khoát, cũng như ngừng các hành động đối địch nhằm vào Chính phủ Cô-lôm-bi-a, áp dụng từ 0 giờ ngày 29-8 (giờ địa phương). “Tôi ra lệnh cho tất cả các chỉ huy, các đơn vị và từng binh sĩ của chúng tôi phải ngừng bắn và chấm dứt hành động thù địch một cách dứt khoát với nhà nước Cô-lôm-bi-a từ giữa đêm nay”, ông Ti-mô-lê-ông Hi-mê-nết nói.

Trước đó, hôm 25-8, Tổng thống Cô-lôm-bi-a Hoan Ma-nu-ên Xan-tốt (Juan Manuel Santos) đã chỉ thị quân đội nước này thực thi một lệnh ngừng bắn dứt khoát với FARC, cũng bắt đầu từ 0 giờ ngày 29-8. “Thời điểm chấm dứt cuộc xung đột đã tới”, Tổng thống Cô-lôm-bi-a viết trên mạng xã hội Twitter.

Sau thỏa thuận lịch sử này, Tổng thống Cô-lôm-bi-a và thủ lĩnh FARC dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận ngừng bắn toàn diện cuối cùng vào khoảng ngày 20-9 đến 26-9. Tổng thống Cô-lôm-bi-a nói rằng buổi lễ ký kết có thể diễn ra ở trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở Niu Y-oóc (Mỹ), hoặc tại La Ha-ba-na (Cu-ba) hay thủ đô Bô-gô-ta của nước này.

Ngày 25-8, Tổng thống Hoan Ma-nu-ên Xan-tốt cũng đã trình Quốc hội thỏa thuận chính thức dài 297 trang. Quốc hội Cô-lôm-bi-a sẽ có 30 ngày để xem xét văn bản này trước khi thỏa thuận được công bố trước người dân để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân dự kiến tiến hành vào ngày 2-10 về thỏa thuận hòa bình với FARC. Tổng thống Hoan Ma-nu-ên Xan-tốt hy vọng đa số sẽ ủng hộ việc thông qua thỏa thuận này. Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp hồi tháng 7-2016, việc phê chuẩn thỏa thuận này cần tới số phiếu ủng hộ của ít nhất 4,4 triệu người, tương đương 13% cử tri Cô-lôm-bi-a.

Trước đó, hai phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC ký kết thỏa thuận hòa bình cuối cùng, toàn diện và vĩnh viễn, kết thúc thành công quá trình thương lượng kéo dài gần 4 năm qua tại La Ha-ba-na.

Hành trình “trắc trở” 52 năm…

Nhìn lại những con số thiệt hại mà Cô-lôm-bi-a phải gánh chịu mới thấy rõ ý nghĩa của thỏa thuận ngừng bắn lịch sử. Cuộc xung đột bắt đầu từ năm 1964 đã khiến khoảng 260.000 người thiệt mạng, 45.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Thượng viện Cô-lôm-bi-a ước tính phí tổn của việc thực thi thỏa thuận hòa bình là khoảng 31 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Đây được coi là cuộc nội chiến dân sự lớn cuối cùng ở Mỹ La-tinh.

FARC đã đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn vào tháng 7-2015. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn vừa qua đánh dấu lần đầu tiên hai bên cam kết dứt khoát ngừng giao tranh. C.A.Vê-la-két (Carlos Alfonso Velazquez), chuyên gia về an ninh tại Đại học La Sabana, nói: “Lệnh ngừng bắn này thực sự là một dấu hiệu bảo đảm khác cho việc chấm dứt cuộc xung đột”.

Lệnh ngừng bắn và chấm dứt hoàn toàn các hoạt động thù địch sẽ được thực thi sau tiến trình giải giáp vũ khí kéo dài 6 tháng. Các tay súng du kích sẽ tập hợp tại các trại giải trừ quân bị và giao nộp vũ khí dưới sự giám sát của LHQ. Bộ trưởng Quốc phòng Cô-lôm-bi-a L.C.Vi-lê-gát (Luis Carlos Villegas) cho biết, bắt đầu từ ngày 29-8, “các hành lang” sẽ được thiết lập cho khoảng 7.500 tay súng du kích FARC di chuyển tới các vùng giải trừ quân bị.

Cuộc xung đột tại Cô-lôm-bi-a đã lôi kéo sự tham gia của nhiều nhóm vũ trang cánh tả và cánh hữu. Với việc nhóm nổi dậy lớn nhất Cô-lôm-bi-a - FARC, ra lệnh ngừng bắn dứt khoát, cuộc xung đột dường như đang đến hồi kết.

(Theo QĐND)

Các tin khác

Ngày 29-8, Bộ Y tế và Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore cho biết đã phát hiện thêm 15 trường hợp nhiễm virus Zika, nâng tổng số người nhiễm lên 56.

Lực lượng cứu hỏa, cứu hộ làm việc tại hiện trường đổ nát sau động đất tại Amatrice.

Bộ trưởng Xây dựng và Giao thông Italy Graziano Delrio ngày 29/8 cho biết Chính phủ Italy sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp với chính quyền các địa phương, thị trưởng các thành phố lớn và các chuyên gia hàng đầu nhằm đưa ra một kế hoạch hiệu quả và hợp lý về chống động đất nhằm giảm thiểu thiệt hại trong các trận động đất tiếp theo.

Hãng JetBlue sẽ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ Mỹ tới Cuba.

Giới chức Cuba tuyên bố, hãng JetBlue sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên của Mỹ thực hiện chuyến bay lịch sử tới Cuba.

Các binh sĩ quân đội Yemen ở gần hiện trường vụ đánh bom.

Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ngày 29/8 đã nhận thực hiện vụ đánh bom liều chết đẫm máu nhằm vào trung tâm tuyển quân tại thành phố cảng Aden của Yemen trước đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục