Giới phân tích nhận định, ông Lawrence Wong tiếp nhận cương vị Thủ tướng trong bối cảnh Singapore đang tiến những bước dài vững chắc trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Theo tờ The Economist, vào thời điểm giành được độc lập cách đây gần 60 năm, Singapore có điều kiện kinh tế khó khăn hơn nhiều nước châu Phi. Tuy nhiên, sau gần 60 năm, Đảo quốc Sư tử trở thành ngọn hải đăng trong phát triển kinh tế, xã hội.
20 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore tăng hơn gấp đôi. Mức thu nhập trung bình hằng tháng của người dân được cải thiện rõ rệt, trong khi tỷ lệ bất bình đẳng được thu hẹp, với hệ số Gini, thước đo về bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, giảm từ 0,42 xuống 0,37. Lĩnh vực giáo dục đặc biệt được chú trọng, với mức chi thường xuyên hằng năm tăng từ 5 tỷ đô-la Singapore lên tới 12,9 tỷ đô-la Singapore trong giai đoạn 2004-2022.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Singapore được hưởng lợi từ việc mở rộng mạng lưới Hiệp định Thương mại tự do (FTA), từ con số khiêm tốn 5 hiệp định năm 2004 lên 27 FTA hiện nay. Đảo quốc này cũng trở thành điểm du lịch được yêu thích trên thế giới với lượng du khách quốc tế năm 2023 lên đến 13,6 triệu lượt.
Giám đốc điều hành Công ty tư vấn BowerGroupAsia tại Singapore Nydia Ngiow nhận định, Singapore đã khẳng định vị thế là một trung tâm kinh doanh, thương mại và du lịch toàn cầu. Vị thế đó ngày càng được củng cố vững chắc thông qua hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược. Mạng lưới tàu điện ngầm tăng gấp đôi trong 2 thập niên qua, từ 128 km lên 259 km. Hệ thống cảng biển hiện đại và nhộn nhịp hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, Chính phủ Thủ tướng Lawrence Wong cũng đối mặt nhiều thách thức. Trước hết là bài toán nan giải đến từ thực trạng dân số già. Ước tính, đến năm 2030, cứ bốn công dân Singapore sẽ có một người từ 65 tuổi trở lên.
Trong khi đó, năm 2023, tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục, còn trung bình 0,97 con/phụ nữ, đánh dấu lần đầu giảm xuống dưới ngưỡng 1, đồng thời nối tiếp đà giảm liên tục trong hai năm trước đó. Giới phân tích nhận định, tình trạng dân số già không chỉ khiến thị trường lao động Singapore bị thu hẹp, trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo gánh nặng đáng kể lên hệ thống phúc lợi xã hội. Cùng với vấn đề dân số già, tạo thêm việc làm và giảm chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là những thách thức đáng kể đối với các nhà lãnh đạo tại đảo quốc này.
Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị và suy giảm kinh tế toàn cầu gây ra nhiều trở ngại đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Singapore. Năm 2023, kinh tế Singapore chỉ tăng trưởng 1,1%, thấp hơn nhiều so mức 3,8% năm 2022 và 8,9% năm 2021. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhận định, tăng trưởng kinh tế rơi vào tình trạng ảm đạm do nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Singapore giảm mạnh.
Cơ quan này cũng cảnh báo, nguy cơ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và tình hình địa chính trị toàn cầu bất ổn, khi những điểm nóng xung đột tại Trung Đông và Ukraine chưa hạ nhiệt, sẽ tiếp tục là những cơn gió ngược cản đà phát triển của kinh tế Singapore.
Để đưa con tàu Singapore tiếp tục vững bước và gặt hái thêm nhiều thành công, tân Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong đặt mục tiêu củng cố vị thế của nước này là một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực, đồng thời tăng cường các chương trình an sinh xã hội. Cho rằng tăng trưởng là điều kiện tiên quyết để tạo ra việc làm và nâng cao mức sống cho tất cả người dân, nhà lãnh đạo Singapore khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Lawrence Wong nhấn mạnh, sự chuyển đổi của Singapore trong gần 60 năm qua là một điều kỳ diệu. Người dân Singapore kỳ vọng, Chính phủ Thủ tướng Lawrence Wong sẽ tiếp tục duy trì điều kỳ diệu đó để Đảo quốc Sư tử tiếp tục ghi dấu ấn là một quốc gia thịnh vượng với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và có mức sống cao.
(Theo NDO)