Nỗ lực thoát nghèo của Lý Văn Nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/3/2022 | 1:55:40 PM

YênBái - Trăn trở thoát nghèo, anh Lý Văn Nghiệp - dân tộc Dao ở thôn Ngòi Di, xã Yên Thành, huyện Yên Bình không những tìm được hướng đi cho gia đình mình mà còn giúp nhiều người khác có thu nhập ổn định.

Anh Lý Văn Nghiệp luôn chịu khó mày mò, học hỏi để nâng cao tay nghề và nhiều mẫu nhà sàn bê tông đẹp, hiện đại được anh thiết kế nhận được đơn đặt hàng của khách ngoại tỉnh.
Anh Lý Văn Nghiệp luôn chịu khó mày mò, học hỏi để nâng cao tay nghề và nhiều mẫu nhà sàn bê tông đẹp, hiện đại được anh thiết kế nhận được đơn đặt hàng của khách ngoại tỉnh.

Là con út trong gia đình nông dân nghèo có tới 9 người con ở Yên Thành - xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, anh Lý Văn Nghiệp cũng như các chị em khác của mình đều dang dở việc học hành. Năm 2013, khi lập gia đình, ra ở riêng, anh được bố mẹ và các anh chị dựng cho một căn nhà. 

"Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là cái lán dựng bằng bồ đề và tre. Cuộc sống gia đình chỉ trông vào nghề đánh rọ tôm hay làm thuê của tôi. Gia đình nằm trong diện hộ nghèo của thôn. Là trụ cột gia đình, nhiều đêm tôi trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo, để lo cho cuộc sống của con cái mình sau này bớt khó khăn, trong khi nguồn tôm, cá trên hồ Thác Bà ngày càng cạn kiệt” - anh Lý Văn Nghiệp không bao giờ quên những ngày tháng đầy khó khăn của gia đình mình. 

Cứ tìm là thấy” là điều rất đúng với anh Nghiệp. Suy nghĩ về cách thoát nghèo thường trực trong tâm can nên trong một lần về nhà người anh họ để tìm hiểu cách làm nhà sàn truyền thống của dân tộc Dao quần trắng, anh Nghiệp đã nghĩ đến một hướng đi cho mình. 

"Gỗ thì ngày càng khan hiếm, dịch vụ kinh doanh xi măng, cát sỏi thì ngày càng mở rộng. Tôi nghĩ làm nhà sàn bằng vật liệu xi măng sẽ là xu hướng được lựa chọn nhiều. Bởi vậy, tôi quyết tâm tìm tòi cách làm sàn bằng vật liệu xi măng” - anh Nghiệp chia sẻ.

Không có vốn, anh quyết định bàn với vợ vay vốn ngân hàng để mua sắt thép tự chế bộ khung đúc nhà sàn. "Anh em thấy tôi quyết chí như vậy có người ủng hộ nhưng cũng có người bày tỏ suy nghĩ hoài nghi. Bản thân vợ chồng tôi cũng rất lo lắng vì nếu không làm được thì không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Nhưng nếu sợ không dám làm thì cũng không lấy đâu ra cơ hội thay đổi cuộc sống” - anh Nghiệp nhắc lại sự quyết chí của mình thời điểm đó. 

Ngôi nhà đầu tiên anh Nghiệp làm tuy chưa được đẹp như ý muốn nhưng cũng được gia chủ chấp nhận. Chịu khó mày mò, học hỏi, càng làm càng rút kinh nghiệm, tay nghề của anh Nghiệp ngày một nâng cao. Anh nghiên cứu để hoàn thiện những mẫu nhà đẹp hơn với độ phức tạp ngày một nhiều hơn. Các mẫu nhà anh làm dần được nhiều người yêu thích. Các đơn hàng ngày một nhiều hơn, đến từ cả trong và ngoài tỉnh. Đến nay, anh Nghiệp đã hoàn thành gần 100 ngôi nhà sàn ở nhiều tỉnh: Nghệ An, Đắc Lắk, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai…

Anh em tin tưởng đi theo anh ngày một nhiều. Thời gian đầu chỉ có 4 - 5 người trong tổ thợ của anh, đến nay luôn duy trì khoảng 15 người. Với mong muốn giải quyết công ăn việc làm, tạo điều kiện cho nhiều người vươn lên trong cuộc sống, cứ người nào cứng tay nghề, anh khuyến khích và cho tách thành lập tổ thợ riêng để thu hút thêm lao động, tăng thêm thu nhập và phát triển nghề. Nhiều gia đình cả vợ, cả chồng đi làm trong cùng một tổ thợ. Đến nay, thôn Ngòi Di có tới 30 đội thợ chuyên làm nhà sàn bằng bê tông, thực hiện xây dựng các ngôi nhà trên khắp cả nước với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng đối với thợ thường. 

Gia đình anh Nghiệp giờ không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập ổn định bình quân 15 triệu đồng/tháng, là hộ gia đình có thu nhập khá ở địa phương. Nhìn lại quãng đường đã đi qua cho đến ngày hôm nay, người đàn ông dân tộc Dao này chia sẻ: "So với bạn bè cùng trang lứa, tôi lớn lên với nhiều thiệt thòi nhưng đó cũng là động lực để bản thân cố gắng, nỗ lực phấn đấu có được như bây giờ”. 

Giờ đây, anh Nghiệp còn mong sao thôn Ngòi Di được tạo điều kiện công nhận là làng nghề làm nhà sàn bê tông để có thể đưa những mẫu nhà sàn truyền thống đến mọi miền Tổ quốc, giải quyết được nhiều việc làm hơn nữa cho người dân địa phương.
Thu Hạnh

Tags Lý Văn Nghiệp dân tộc Dao nuôi cá trên hồ Thác Bà cá lồng

Các tin khác
Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục