Người giữ “kho báu” của người Xá Phó

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ thành phố Yên Bái, vượt chặng đường đầy khúc khuỷu, chúng tôi đến được với đỉnh Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Mùa này, núi rừng vùng cao Yên Bái đang trải thảm xanh mướt, hòa lẫn vào trong đó là sắc màu của những bông hoa rừng dịu dàng và trên đỉnh Châu Quế Thượng, tiếng sáo “cúc kẹ” thánh thót của nghệ nhân Đặng Thị Thanh đang vang lên hòa với không gian kỳ bí và quyến rũ của thiên nhiên tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi vùng cao Yên Bái.

Sáo “cúc kẹ” – nghe tên đã thấy lạ bởi đây là loại sáo chỉ có một lỗ, không thổi bằng mồm mà lại được thổi bằng… “mũi”, đó chính là một trong những nét văn hóa độc đáo riêng có của người Xá Phó ở Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do, sáo cúc kẹ là loại nhạc cụ độc đáo bởi nó được thổi bằng mũi và không phải ai cũng có thể sử dụng chúng một cách thành thạo. Hiện, chị Đặng Thị Thanh, người ở thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng là người duy nhất có thể thổi được loại sáo này. Với sứ mệnh được giao phó, chị đã trở thành người giữ “hồn” nhạc cụ của dân tộc Xá Phó, chị cũng là một trong ba người đầu tiên của cả nước được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu: Nghệ nhân dân gian.

 

Không giống với tưởng tượng của chúng tôi, cuộc sống của người nghệ nhân dân gian này tương đối khó khăn. Gian nhà của chị đơn sơ với vài trăm mét đất, trong nhà cũng chẳng có vật gì đáng giá, thứ nhiều nhất được treo trong gian nhà của chị đó là bằng khen, giấy khen và giấy chứng nhận ở những nơi chị đã từng biểu diễn với cây sáo “cúc kẹ”.

 

Con đường đến với cây sáo của chị Thanh cũng thật tình cờ. Ngay từ lúc còn nhỏ, thi thoảng chị Thanh ở lại lều trông coi nương rẫy, trong những đêm thanh vắng ấy, có tiếng sáo lạ giữa núi rừng vang lên. Chị Thanh nghe thấy mê đắm và rồi theo tiếng sáo chị đã đến với một bà lão đang “ngửi” ống nứa, bà là Bơ Thị Bà. Tò mò, chị Thanh xin bà cho thổi thử.  Lạ thay, âm thanh từ cây sáo chị thổi cứ khẽ khàng như hơi thở, như lời thủ thỉ tâm tình… Thấy chị Thanh có năng khiếu, bà lão đã truyền dạy cho chị cả cách thổi khèn ma nhí – cũng là một loại nhạc cụ độc đáo chỉ có ở người Xá Phó. Từ đó, không một lễ hội nào trong bản, ngoài xã mà không có tiếng sáo của chị. Tiếng sáo của chị đã bay cao, bay xa tới các tỉnh và lan ra cả Tây Bắc… Chị đã tham gia rất nhiều liên hoan văn hóa văn nghệ và đoạt được nhiều giải thưởng cao: giải nhất ngày hội VH – TT các dân tộc Tây Bắc năm 2003, giải A Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam do Đài PTTH Việt Nam với tiết mục hát “Mời trăng” năm 2005, Huy chương bạc tiết mục sáo “Cúc kẹ” và Khèn “ma nhí” năm 2000 do Bộ VH-TT tặng, Huy chương vàng tiết mục tấu sáo mũi ‘cúc kẹ” năm 1997 do Sở VH-TT tỉnh Yên Bái tặng… Tháng 11 – 2004, khi tròn 45 tuổi, chị Thanh đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. ]

 

 

Nghệ nhân dân gian Việt Nam Đặng Thị Thanh đang truyền dạy cách thổi sáo mũi cho các thiếu nữ trong bản.

 

Thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng nay chỉ còn duy nhất chị Thanh là biết thổi hai loại nhạc cụ độc đáo là sáo mũi và khèn ma nhí, và cũng chỉ còn duy nhất mình chị biết lên rừng tìm cây nứa kẹ để tự làm ra cây sáo mũi. Nguyên liệu để làm nhạc cụ này được lấy từ núi rừng thiên nhiên, chị Thanh phải luồn rừng cả ngày đường, ôm về một bó nứa và chọn mỏi mắt mới tìm được cây nứa ưng ý dùng làm sáo. Thân sáo lấy từ cây nứa nhỏ mọc chẹt trong những bụi nứa, chỉ cây nhỏ, già và thân mỏng mới được dùng làm sáo. Và chính lớp màng mỏng ở trong cây nứa đã gây nên âm thanh riêng biệt của cây sáo mũi. Khi tiếng sáo cất lên âm thanh hoà quyện với hương sắc thiên nhiên làm say đắm lòng người.

 

Biết rằng cả nước chỉ có rất ít người biết thổi sáo mũi, chị Thanh đã cất công truyền dạy cho nhiều người. Đội văn nghệ của bản luôn được chị hướng dẫn cách thổi sáo mũi, khèn ma nhí, hát ru, múa xoè truyền thống… nhưng do thổi sáo mũi khó, người học phải biết điều chỉnh hơi thở của mũi để tạo ra những âm thanh réo rắt như suối chảy, ngân nga như gió… nên các em trong đội văn nghệ cũng chỉ mới thổi được những bài đơn giản. Nhưng dù khó khăn đến đâu, người nghệ nhân dân gian này cũng quyết tâm truyền tiếng sáo cho thế hệ con cháu để “cúc kẹ” sẽ không bao giờ bị mai một mà luôn ngân nga trên đỉnh Châu Quế Thượng.

 

Chia tay chị Thanh khi mặt trời dần khuất sau đỉnh Châu Quế Thượng, những câu hát “Đêm khuya trăng tàn, tiếng gió vi vu đã im lặng, chỉ còn tiếng sáo cất lên trong như mạch suối rừng. Những con chim và thú rừng hãy im lặng…” trong bài “Mời trăng” mà chị hát tặng chúng tôi vẫn vang vọng sau từng khe núi. Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh là niềm tự hào của người Xá Phó – người góp phần lưu giữ một trong những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Việt Nam.

 

Thanh Chi

(Tác phẩm dự thi Gìn giữ và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc)

Các tin khác
Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục