Thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo dự báo sớm thiên tai

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/3/2024 | 2:26:07 PM

Việt Nam sẽ nghiên cứu bước đầu áp dụng công nghệ quan trắc bằng vệ tinh, camera, trí tuệ nhân tạo để quan trắc khí tượng thuỷ văn, hướng tới dự báo sớm và nâng cao độ tin cậy của các bản tin dự báo. Đây là kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện cụ thể Đề án Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030.

Việt Nam sẽ tăng dày mật độ radar thời tiết cho các khu vực trên đất liền, biên giới, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong ảnh là Trạm radar Quy Nhơn.
Việt Nam sẽ tăng dày mật độ radar thời tiết cho các khu vực trên đất liền, biên giới, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong ảnh là Trạm radar Quy Nhơn.

Trong quyết định vừa được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ký, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường và hiện đại hoá mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn bằng việc tăng thêm số trạm tự động, tăng dày mật độ radar thời tiết cho các khu vực trên đất liền, biên giới, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với mưa, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, nghiên cứu bước đầu áp dụng công nghệ quan trắc bằng vệ tinh, camera, trí tuệ nhân tạo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn bằng việc phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và nền tảng số. Hoàn thành cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tập trung, liên thông với các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, đầu tư mở rộng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, thiết bị thông tin lưu động, vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo đa thiên tai, kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.

Đề án cũng đặt mục tiêu, từng bước nghiên cứu làm chủ công nghệ phương tiện đo, thám sát bằng phương tiện bay, vệ tinh khí tượng, mô hình tính toán toàn cầu về khí tượng, mô hình thủy văn, hải văn hiện đại.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; tăng cường hợp tác quốc tế nghiên cứu quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; đào tạo, cử chuyên gia, đại diện của Việt Nam tham gia vào các cơ quan, tổ chức, diễn đàn điều hành của Tổ chức Khí tượng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác về khí tượng thủy văn.

Với định hướng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày.

Bên cạnh đó, tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 5-10% so với năm 2020, cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6 giờ, tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến một tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu sẽ nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được nhận định là một trong các quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo sớm được coi là chìa khóa quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

(Theo TPO)

Các tin khác
Miền Bắc sắp có mưa giông mạnh, đề phòng ngập úng. Ảnh minh họa

Khoảng đêm 18 và ngày 19/5, vùng hội tụ gió trên cao khả năng hoạt động mạnh trở lại. Do vậy, từ 19-23/5, miền Bắc mưa giông, có nơi mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Biển Đông khả năng đón 3-5 cơn bão trong thời gian từ nay đến tháng 8/2024. (Ảnh minh hoạ)

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, từ nay đến tháng 8/2024, Biển Đông xuất hiện 3-5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 1 cơn đổ bộ vào đất liền.

Tuyến đường thôn Khe Đâm đến trung tâm xã Mỏ Vàng thuộc tỉnh lộ 175 bị chia cắt do mưa lũ.

Từ khoảng 20h tối ngày 15/5 đến trưa 16/5, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều nơi mưa to đến rất to, mưa lớn kéo dài liên tục nhiều giờ. Đặc biệt, tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, lượng mưa đo được sáng 16/5 là 133 mm, gây sạt lở, cắt đứt giao thông một số tuyến đường, học sinh 3 điểm trường lẻ phải tạm thời nghỉ học. Xã Kiên Thành, Trấn Yên cũng thiệt hại gần 8 ha lúa, hoa màu và 80 con gia cầm.

Miền Bắc tiếp tục đón mưa lớn trong hôm nay.

Dự báo trong ngày và đêm nay, miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to. Bắc Trung Bộ cũng có mưa dông rải rác trong hôm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ đón mưa dông vào chiều và tối, cục bộ có mưa to.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục