Mù Cang Chải sẵn sàng cho du lịch “Mùa nước đổ”

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/4/2024 | 7:31:18 AM

YênBái - Thời gian này, huyện Mù Cang Chải đang chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động mang đậm nét riêng có; khai thác hiệu quả lợi thế tại chỗ từng địa phương để thu hút du khách trong mùa nước đổ.

Khung cảnh thơ mộng mùa nước đổ khiến nhiều người mê đắm. (Ảnh: Thanh Miền)
Khung cảnh thơ mộng mùa nước đổ khiến nhiều người mê đắm. (Ảnh: Thanh Miền)

Việc xây dựng, duy trì các hoạt động, sản phẩm du lịch nhằm tạo thương hiệu riêng cho Mù Cang Chải vào mùa nước đổ để thu hút khách du lịch, đặc biệt là cụ thể hóa Đề án xây dựng Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới xây dựng địa phương trở thành huyện du lịch "Xanh - Bản sắc - An toàn - Thân thiện”,

Là nơi có đèo Khau Phạ- một trong "tứ đại đỉnh đèo" Tây Bắc, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải đang tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị cho hoạt động Festival Dù lượn "Bay trên miền danh thắng”  vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới đây và phát động Phong trào "Du lịch xanh cùng Mù Cang Chải” với hoạt động trồng cây xanh ở các điểm du lịch của xã. 

Ông Giàng A Thênh - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phạ cho biết:  Xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể, cán bộ để tổ chức thực hiện các hoạt động du lịch "Mùa nước đổ” năm nay hiệu quả cao nhất. Ngay sau khi phối hợp tổ chức khai mạc Festival Dù lượn "Bay trên miền danh thắng”, xã sẽ phát động Phong trào "Du lịch xanh cùng Mù Cang Chải” tại bản Tà Sung và điểm cắm trại Hoong Hill bản Tà Dông để du khách tham gia trồng trên 200 cây đào rừng cùng nhiều hoạt động phụ trợ khác. 

Ông Thênh cũng nhấn mạnh yêu cầu, các hoạt động phải bảo đảm trang trọng, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu, có trọng tâm, tránh phô trương hình thức, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với tính chất, ý nghĩa của sự kiện; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm du lịch có tính đặc trưng riêng. Đồng thời, phản ánh được những giá trị, tinh hoa đặc trưng về đời sống, văn hóa, lao động của con người, vùng đất Cao Phạ; tình yêu quê hương, đất nước; quảng bá, giới thiệu tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của xã nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. 

Ngoài Cao Phạ, các xã, thị trấn trên địa bàn còn tổ chức nhiều hoạt động: hội thi múa khèn, múa khăn của các em học sinh các trường phổ thông chuẩn bị; hoạt động tham quan, trải nghiệm thêu thổ cẩm của người Mông, dệt vải bằng sợi lanh và vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải tại xã Chế Cu Nha do Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông Chế Cu Nha chuẩn bị khung dệt, bàn vẽ, bút vẽ để phục vụ du khách; trải nghiệm nghệ thuật chế tác và biểu diễn khèn Mông tại xã Khao Mang và Mồ Dề; trải nghiệm canh tác ruộng bậc thang như: nghệ thuật đắp bờ, làm đất, cấy lúa tại các xã có ruộng bậc thang đẹp, điển hình là khu đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn, võng lúa Móng Ngựa, xã Mồ Dề... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị làm dịch vụ chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, kết nối tour trong và ngoài huyện để bảo đảm đưa đón khách tham quan trải nghiệm, khám phá các hoạt động văn hóa, điểm check in, leo núi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của địa phương... 


Du khách trải nghiệm làm bờ ruộng bậc thang tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. 

Để du lịch "Mùa nước đổ” thành công, huyện cũng chú trọng phối hợp với các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương, mạng xã hội, trang thông tin điện tử... đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về cảnh quan, vẻ đẹp, con người Mù Cang Chải, các hoạt động văn hóa, sản phẩm du lịch diễn ra trong mùa nước đổ; treo băng rôn, khẩu hiệu tại trung tâm các xã, thị trấn, điểm du lịch... 

Với mục tiêu hướng tới xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch "Xanh - Bản sắc - An toàn - Thân thiện”, du lịch "Mùa nước đổ” năm 2024, cùng với các chương trình, hoạt động, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, an ninh trật tự... cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc theo chức trách, nhiệm vụ của mình, nhất là tại các nơi thường xuyên tập trung đông người như: các địa điểm tổ chức sự kiện, hộ gia đình cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn, uống, ngủ nghỉ, homestay, buôn bán hàng hóa phải chấp hành thực hiện nghiêm theo quy định, để bảo đảm an toàn về mọi mặt cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm mang đến một môi trường du lịch thực sự an toàn, lành mạnh cho mỗi du khách khi đến với Mù Cang Chải.  

A Mua

Tags du lịch mùa nước đổ Mù Cang Chải

Các tin khác
Chiếc tàu cao tốc này cũng du khách xuất bên từ Cảng khách quốc tế Ao Tiên, Vân Đồn từ 8h sáng 29.4 nhưng đến trưa nay vẫn chưa thể cập cảng Quan Lạn.

Hàng nghìn du khách tham quan đảo du lịch Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sáng nay (29.4) bị mắc kẹt cả ở trên bờ lẫn trên tàu cao tốc do cảng Quan Lạn cạn trơ đáy, các tàu du lịch không thể cập bến. Dự kiến, tình hình đưa đón khách ra - vào đảo du lịch nổi tiếng này bị ảnh hưởng thêm vài ngày nữa.

Du khách thỏa sức ngắm biển mây tại Lau Camping Phình Hồ.

Từ một địa phương được biết đến là huyện nghèo, nay Trạm Tấu đã tưng bước được định vị trên bản đồ du lịch với dấu ấn rất riêng như: suối khoáng nóng Trạm Tấu, săn mây Tà Chì Nhù, Lau Camping Phình Hồ... thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần phát tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Nằm trong chuỗi các sự kiện hoạt động du lịch “Mùa nước đổ”, ngày 28/4, Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải đã khai mạc Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng" và phát động phong trào "Du lịch xanh cùng Mù Cang Chải" năm 2024.

Một tiết mục đặc sắc tại Lễ khai mạc.

Tối 27/4, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã khai mạc Hội thi “Lung linh vòng xòe” lần thứ II năm 2024 với 14 đội thi đại diện 14 xã, phường với hơn 1.400 diễn viên, nghệ nhân tham gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục