Chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh Panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/4/2024 | 3:56:39 PM

YênBái - Bức tranh Paranoma tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được tái hiện một cách sinh động, ví như một câu chuyện kể trận chiến với trường đoạn, bi tráng, hào hùng... khắc họa chân dung của hơn 4.500 nhân vật giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và chiến trường Điện Biên khốc liệt.

Trường đoạn 4 - “Chiến thắng Điện Biên”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Trường đoạn 4 - “Chiến thắng Điện Biên”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Những ngày tháng 4 lịch sử, dù thời tiết nắng nóng vẫn không ngăn được bước chân của hàng vạn du khách trên mọi miền đất nước và du khách quốc tế đổ về Điện Biên, nơi tròn 70 năm trước quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".


Một trong những địa chỉ "đi là phải đến" là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, nơi đặt bức tranh tròn Panorama có nội dung tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là bức tranh tròn đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á, là bức tranh lớn thứ 3 trên thế giới, được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2022)

Đây là một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng, tái hiện "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”,  không chỉ mang giá trị về lịch sử  mà còn là thông điệp về khát vọng hòa bình và được coi là tài sản vô giá, lưu lại những giá trị về lịch sử và truyền thống cho các thế hệ mai sau.  

Với chất liệu acrylic trên nền vải toan, được vẽ liên hoàn theo một vòng tròn trong không gian 360 độ, kết hợp nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật, tác phẩm hội họa khổng lồ có chiều dài 132m, cao hơn 20,5m, với phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời đã tạo ra một bức tranh có diện tích bề mặt lên đến 3.225m². Tranh được được thể hiện lên toàn bộ bề mặt phía trong của Bảo tàng - tòa nhà hình trụ có đường kính 42m.  Bức tranh được giới hội họa trong nước đánh giá là một trong những tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh.  Nội dung bức tranh Trận chiến Điện Biên Phủ  được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.


Trường đoạn 1- "Toàn dân ra trận” là hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch.


Trường đoạn 2- "Khúc dạo đầu hùng tráng  với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta.


Hình ảnh bộ đội ta kéo pháo vào trận địa.

Ở trường đoạn 1: "Toàn dân ra trận”  là hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo đèo lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Kế tiếp là trường đoạn "Khúc dạo đầu hùng tráng”  với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. Trường đoạn thứ 3 là "Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, dây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả "bộc phá ngàn cân" phát nổ trên đồi A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trận. Trường đoạn 4 là khung cảnh hào hùng về "Chiến thắng Điện Biên” với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. 


Trường đoạn 3 - "Cuộc đối đầu lịch sử”: Những hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà… phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột lửa phụt lên từ quả "bộc phá ngàn cân" trong lòng đồi A1.


Đông đảo nhân dân và du khách tham qua chiêm ngưỡng Trường đoạn 4 "Chiến thắng Điện Biên”.

Tất cả những du khách đến tham quan đều cảm nhận rõ, bức tranh đã mô tả, khắc họa rõ nét chiến dịch "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để làm nên Chiến thắng Điện Biên "chấn động địa cầu”, gửi đến cả thế giới thông điệp về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do; dù đội quân xâm lược có hùng mạnh đến như thế nào cũng thất bại trước ý chí và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta.

Chị Lê Hoàng Yến - du khách Hà Nội chia sẻ: "Tôi rất choáng ngợp về độ hoành tráng của bức tranh, rất khâm phục các hoạ sỹ đã có ý tưởng vẽ bức tranh mô tả lại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 làm chấn động toàn cầu. Chúng tôi rất xúc động và tự hào lại một lần nữa thấy được cảm giác chiến thắng của dân tộc như ngày ấy".


Hai phóng viên Hoài Văn và Thu Trang (Báo Yên Bái) bên bức tranh Panorama trong chuyến đi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Phạm Đức Cư - cựu chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ở phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên chia sẻ: "Khi nhìn thấy bức tranh, cảm xúc thật dạt dào như mình mới tham dự chiến dịch gần đây chứ không phải cách đây 70 năm. Toàn bộ nội dung bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ như làm sống lại thời kỳ chiến đấu hào hùng ấy, rất nhiều anh em, đồng chí, đồng đội đã hy sinh mới có được như ngày hôm nay”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã lùi xa 70 năm, song thông qua bức tranh Panorama, du khách vẫn hình dung và cảm nhận rõ về cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của thế hệ cha ông. Đây là kho dữ liệu quý giá lưu giữ lại những hình ảnh chân thực, sống động về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và trở thành điểm nhấn cho du lịch Điện Biên hôm nay.
Thu Trang






Tags chiêm ngưỡng bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các tin khác
Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch.

Gần 21.000 xe đạp cải tiến, mỗi chiếc chở 200-300 kg, đã góp phần giải quyết bài toán vận tải quân lương, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đúng 7h45 phút, các khối lần lượt tiến qua lễ đài.

Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.

Ông Lò Văn Nụi cũng như nhiều người dân Mường Phăng luôn nhớ về Đại tướng bằng tình cảm trân quý nhất

Với mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Bắc, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi. Đó không chỉ là câu chuyện về vị Tổng tư lệnh kiệt xuất gắn với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", mà còn là những khoảnh khắc gần gũi, sự quan tâm, yêu thương mà Đại tướng dành cho đồng bào nơi đây.

Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Đỗ Đức Hoàng.

Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Đỗ Đức Hoàng giới thiệu các chương trình trọng điểm trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bao gồm cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết thắng", VTV đặc biệt "Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp" và hai chương trình tường thuật trực tiếp ngày 6, 7/5 trên kênh VTV1.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục