Chiến dịch Điện Biên Phủ: Tiêu diệt cứ điểm 105 phía bắc Sân bay Mường Thanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/4/2024 | 9:06:52 AM

Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Tổng Quân ủy quyết định sử dụng một số trung đoàn của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 tiến công Cứ điểm 105 (Huguette 6) ở phía bắc Sân bay Mường Thanh.

Quân ta tấn công vị trí phía Bắc sân bay Mường Thanh, tiêu diệt một đại đội của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Quân ta tấn công vị trí phía Bắc sân bay Mường Thanh, tiêu diệt một đại đội của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cứ điểm 105 (Huguette 6) là một trong những cứ điểm quan trọng, được Pháp bố trí ở phía bắc Sân bay Mường Thanh, bảo vệ và khống chế khu vực tương đối rộng nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của ta.

Mục tiêu đánh chiếm cứ điểm 105 đã được quán triệt trước đó. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, Tổng Quân ủy quyết định sử dụng một số trung đoàn của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm.

Đêm 18/4/1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm 105. Ta vừa liên tục tiến công, vừa tổ chức đánh bại các đợt phản kích của địch.

Về phía địch, nhận thấy Sân bay Mường Thanh có nguy cơ bị cắt làm đôi và Huguette 6 ở đầu Bắc sân bay sắp bị tiêu diệt, một nửa Sân bay Mường Thanh, chiếm một phần năm diện tích tập đoàn cứ điểm, sẽ lọt vào tay đối phương, De Castries ra lệnh Langlais lập tức tiến hành giải tỏa sân bay, trước hết là tiếp tế cho Huguette 6 ở xa đã bị bao vây chặt chẽ.

Liền trong ba ngày 15, 16, 17/4, Langlais huy động ba tiểu đoàn dù số 1, số 2 và số 6 mở cuộc hành binh giải tỏa và tiếp tế cho Huguette 6 ở đầu Bắc sân bay. Binh lính lê dương ở cứ điểm này không chỉ thiếu đạn dược mà còn thiếu cả nước uống.

Thế nhưng cuộc hành binh tiếp tế cho Huguette 6 đã khiến cho Langlais tổn thất về lực lượng ứng chiến lớn hơn cả những đợt phản kích giành lại đồi C1. Hết ngày thứ ba, Đờ Cát ra lệnh cho viên quan ba Bizard, chỉ huy tại Huguette 6, rút quân khỏi đây vào đêm 18/4.

Bigeard, phó chỉ huy khu trung tâm, gom được một lực lượng gồm phần lớn là lính dù và lê dương, cùng với hai chiến xa mở đường, đi đón quân ở Huguette 6 rút lui. Nhưng cả cánh quân này đã mất sức chiến đấu trước trận địa chiến hào của ta sau không đầy nửa giờ đọ súng.

Bigeard đành ra lệnh cho viên chỉ huy Huguette 6 "có thể bỏ lại tất cả thương binh, mở một đường tháo chạy về Mường Thanh hoặc đầu hàng."


Các đơn vị xung kích tấn công Sân bay Mường Thanh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Về phía ta, quán triệt tư tưởng tích cực tiến công, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi tiến tới tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch chủ trương tiếp tục củng cố và xây dựng trận địa, siết chặt vòng vây bóp nghẹt dần quân địch, đánh chiếm sân bay, tích cực đánh máy bay, triệt tiếp tế, tích cực đánh địch phản kích, bao vây đánh lấn, bắn tỉa làm cho phạm vi phòng ngự của địch bị thu hẹp, tiếp tế khó khăn, thương vong ngày càng tăng, lực lượng hao mòn, ý chí ngày càng suy sụp.

Căn cứ vào nhiệm vụ Bộ Tham mưu chiến dịch giao, các đại đoàn bắt tay vào công việc, trước hết là xây dựng trận địa.

Việc xây dựng trận địa là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch. Ta càng đào sát cứ điểm càng uy hiếp sự sống còn của chúng, nên chúng ra sức cản phá ta. Chúng cho pháo bắn đạn nổ trên không, dùng máy bay ném bom, bắn phá, cho quân ra lấp hào…

Ban ngày địch lấp, ban đêm ta mọi lên, đào tiếp. Các chiến sỹ đã nghĩ ra nhiều cách đào. Ban đầu ta đào trườn trên mặt đất có "hồ lô" rơm che đỡ phía trước, sau chuyển sang đào dũi, đào một hố rồi moi dần lên phía trước. Cuối cùng ta vận dụng cách đào ngầm từng quãng rồi đánh sập xuống, trên hào có nắp rơm che mảnh đạn.


Quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật 'đánh dúi,' đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch đến quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như 'từ dưới đất chui lên' ngay giữa đồn địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhờ có cuộc đấu tranh bền bỉ và những sáng tạo đó, các hầm hào ngày càng tiến gần cứ điểm địch. Ngày 10/4, Trung đoàn 57 đào cắt ngang Sân bay Hồng Cúm.

Ngày 15/4, trận địa của Trung đoàn 165 tiến sát cứ điểm 105, có nơi cách hàng rào 15m. Ngày 17/4, nhiều quãng hàng rào xung quanh cứ điểm bị cắt. Địch bị vây chặt không được tiếp tế lương thực, không có nước uống.

Phát huy kinh nghiệm đánh lấn, đêm 18/4, Trung đoàn 165 tiêu diệt cứ điểm 105 bảo vệ phía Bắc sân bay. Cứ điểm cuối cùng ở đầu Bắc sân bay không còn tồn tại.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Cán bộ Công an TP. Điện Biên Phủ dắt tay đưa du khách sang đường an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với Điện Biên Phủ, Công an TP. Điện Biên Phủ luôn thường trực tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ từ sáng sớm đến tận chiều tối để phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện vào bãi đỗ xe và duy trì ANTT.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đỗ Minh Huấn thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên hiện đang cư trú tại phường Yên Thịnh

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), thành phố Yên Bái tổ chức 8 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm trưởng đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang cư trú trên địa bàn.

Được biết, các tác phẩm thuộc nhiều thể loại gồm: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký, nhật ký, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đặc biệt với đa dạng hình thức.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và thị xã nghĩa lộ thăm, tặng quà gia đình cựu chiến binh Lê Văn Chiến - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên, thị xã Nghĩa Lộ.

Năm 1996, Ban Liên lạc (BLL) truyền thống Chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ được thành lập. Thành viên là cựu chiến binh (CCB) thuộc các đơn vị Đại đoàn 308, 304, 316, 312, 351 đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. BLL vừa là nơi gặp gỡ của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng nhau ôn lại những ký ức về năm tháng của một thời tuổi trẻ đầy gian khổ mà oai hùng, vừa là nơi để CCB được chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống; là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là “sợi dây” nối lịch sử với hiện tại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục