Qua bài hát “Tiếng đàn” của cố nhạc sĩ - Thiếu tướng An Thuyên:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - "Tiếng đàn" vọng mãi nước non

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/4/2024 | 9:50:58 AM

YênBái - "Tiếng đàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tiếng đàn cuộc đời với những nốt thăng, nốt trầm, nốt trắng, nốt đen. Ông là người chơi đàn với cuộc đời giỏi nhất mà tôi từng gặp". Ca khúc "Tiếng đàn” đã được cất lên trên Truyền hình Việt Nam suốt từ ngày 7/10/2013 (tức chỉ sau 3 ngày Đại tướng mất) nhưng đến hôm nay khi được lắng lòng nghe lại ca từ, giai điệu ấy, dù đã 11 năm trôi qua, lòng tôi vẫn mênh mang, tràn đầy cảm xúc về người cầm quân huyền thoại của Chiến dịch Điện Biên lịch sử.

Tác phẩm Đại tướng chơi piano bên người vợ yêu quý. (Ảnh TTO)
Tác phẩm Đại tướng chơi piano bên người vợ yêu quý. (Ảnh TTO)

Nhân dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), lòng tôi ăm ắp cảm xúc nghĩ về vị Đại tướng đã chỉ huy một đội quân nông dân đương đầu và chiến thắng một đội quân được xem là hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là thực dân Pháp. Trong cảm xúc ấy, tôi muốn chia sẻ cảm nhận của mình về ca khúc "Tiếng đàn" của cố nhạc sĩ An Thuyên viết dành tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thời điểm dân tộc Việt Nam, nhân dân thế giới phải từ biệt Người.

Vị tướng lĩnh quân đội kiêm sử gia người Anh Peter MacDonald đã từng nhận định về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đại ý: Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng có rất nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng "những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử”. Và chiến thắng "lừng lẫy năm châu" Điện Biên Phủ 1954 chính là sự chuyển dòng lịch sử vĩ đại ấy.

Sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự: "Tôi mượn hình ảnh tiếng đàn để nói về một con người vĩ đại. Tiếng đàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tiếng đàn cuộc đời với những nốt thăng, nốt trầm, nốt trắng, nốt đen. Ông là người chơi đàn với cuộc đời giỏi nhất mà tôi từng gặp”.

Ca khúc "Tiếng đàn” đã được cất lên trên Truyền hình Việt Nam suốt từ ngày 7/10/ 2013 (tức chỉ sau 3 ngày Đại tướng mất) nhưng đến hôm nay khi được lắng lòng nghe lại ca từ, giai điệu ấy, dù đã 11 năm trôi qua, lòng tôi vẫn mênh mang, tràn đầy cảm xúc. Mỗi phím ngân vang, mỗi ca từ lay gọi là đồng thời cảm xúc cộng hưởng, lan thấm như lụa tơ, như vạt mây mỏng phả giăng nỗi niềm tưởng nhớ vị tướng huyền thoại của dân tộc bởi cách cấu trúc bài hát tài hoa, qua ngôn từ âm nhạc sâu nặng nghĩa tình của tác giả An Thuyên. 

Đồng điệu với tôi, giảng viên âm nhạc, thạc sĩ Trần Thế Hưng của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái cũng thổ lộ: Đây là bài hát về sự ra đi của Đại tướng, âm điệu có buồn thương, man mác, tiếc nhớ nhưng không gây ảo não, sầu lụy mà vẫn gợi ra sức sống tiềm tàng, thúc giục con người hướng về phía trước. Anh nhận định thêm: "Tiếng đàn” được viết ở giọng Đô thứ với cấu trúc hai đoạn đơn và kết ở bậc Sol. Chính cấu trúc âm nhạc đó nên khi khép lại ca khúc vẫn có sự bừng sáng trong nỗi buồn, vẫn có niềm tin mãnh liệt trong sự mất mát. 

"Lời 1:

Tiếng đàn vẫn ngân trên phố phường Hà nội

Một ngày ngừng gió, lá thu vàng rơi dương cầm buông lơi

Tiếng đàn vị tướng 10 ngón tay thô lướt trên thăng trầm trắng đen cuộc đời 

Vinh quang cay đắng cây đời vẫn xanh

Tiếng đàn đồng chí rạng rỡ non sông áo xanh bạc màu thủy chung đồng đội

Vào sinh ra tử ấm tình Anh ... Văn

Đàn ngân nhân nghĩa sáng ngời

Đàn ngân tri thức cao vời

Danh Tướng muôn đời rạng rỡ Việt Nam

Lời 2:

Tiếng đàn vẫn ngân trên phố phường Hà nội

Một ngày ngừng gió, lá thu vàng rơi dương cầm buông lơi

Tiếng đàn tổ quốc toàn thắng reo ca cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi 

Vẫn mơ ước sống lo nhiều cho dân

Tiếng đàn Đại tướng trời đất yêu thương khóc cho dân tộc khuất xa một người

Rạng danh trung hiếu sáng ngời muôn ... sau

Đàn ngân thương tiếc vô cùng

Đàn ơi nước mắt tuôn trào 

Đất nước nhớ người vì nước quên thân

Vinh quang Tổ quốc Việt Nam”

Thật ngạc nhiên và kính phục khi biết bài hát được sáng tác chỉ trong vòng 15 phút - đó là sự chuyển tải tất cả cảm xúc trong suốt từ niềm thành kính, tiếc thương vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Mặc dù vẫn biết, con người vĩ đại đến đâu, kiệt xuất đến chừng nào cũng không thể nằm ngoài quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Mặc dù vẫn biết ngọn đèn có cháy sáng, cháy đến mức quên cả mình là thân bấc trong một bình đèn vẫn rực cháy thì đến lúc nào đó, ngọn đèn cũng sẽ phải cạn dầu. 

Biết- vẫn biết, nhưng khi nghe tin Đại tướng qua đời, tất cả người dân Việt Nam, trong đó có thiếu tướng An Thuyên vẫn buồn đau và tiếc thương vô hạn. Tình cảm ấy dâng thành nguồn xúc cảm mạnh mẽ. Cứ thế, nhạc phẩm trào tuôn qua những dòng nước mắt tưởng niệm của nhạc sĩ và hòa vào lời ca nghẹn ngào của các nghệ sĩ, trở thành tiếng hát của non sông vĩnh biệt Người.

Nước mắt rơi đến bao nhiêu và cho biết đến bao ngày không thể có đơn vị đo lường vật chất nào đong đếm được kể từ lúc Đại tướng từ biệt cõi thế. Song, nhạc sĩ An Thuyên đã chưng cất dấu mốc lịch sử ấy thành khối lập thể có vị mặn tinh khiết đằm mãi trong cuộc sống của mỗi chúng ta, tác giả chỉ dùng đến 194 hạt muối để cấu trúc "Tiếng đàn" - dòng lệ bất tử kính dâng Người.

Toàn bài với 10 lần tiếng đàn được nhắc đến ở trong 19 câu của tổng số 194 âm tiết. Đó là sự luyến láy của chính bản thân hình tượng gợi ra nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đó là tiếng đàn của chính nhạc sĩ (thay mặt cho anh em văn nghệ sĩ- đặc biệt là các nghệ sĩ khoác áo lính vốn thường ngày được Người rất ưu ái, quan tâm). 

Từng âm thanh réo rắt nhưng không thê lương vì bản thân cấu trúc giai điệu không hề lạm dụng sự ngân dài não nuột, không lạm dụng thanh điệu gợi sự vỡ loang của những thanh ngang, thanh không (dấu huyền, không dấu trong tiếng Việt). Như đã nói, từng ca từ là từng tiếng thổn thức, buồn đau "thương tiếc vô cùng”  nhưng cũng vô cùng tự hào, vô cùng muốn được phô khoe với vũ trụ, non sông "trời đất yêu thương khóc cho dân tộc khuất xa một người”.

Tuy nhiên, linh hồn của bài hát không nằm ở chỗ đó, và bài hát cũng không phải là cái cớ để An Thuyên bộc lộ tình cảm riêng, mà sâu sắc, thiêng liêng và kết nối triệu triệu trái tim Việt Nam khi nghe ca khúc này tại thời điểm Đại tướng mất và trong suốt năm tháng qua - đó là sức biểu tượng của tiếng đàn mà nhạc sĩ gửi gắm. 

Qua: Tiếng đàn vị tướng; Tiếng đàn đồng chí; Tiếng đàn Tổ quốc; Tiếng đàn Đại tướng - đoạn điệp khúc mà trong âm nhạc người ta gọi là điệp nốt, nhắc nốt đến bốn lần khiến hình tượng người tổng tư lệnh tài ba, lỗi lạc hiện ra đầy ấm áp, gần gũi trong sự dung dị, đời thường. Với sự cứng cỏi, dõng dạc và tiên quyết trong lời thề khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong lời chỉ huy "kéo pháo vào” rồi lại "kéo pháo ra” trong chiến thuật tổ chức trận đánh Điện Biên Phủ, triển khai sắc lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa!” "Táo bạo, táo bạo hơn nữa!”…, chúng ta đã được biết về Đại tướng như một pho lịch sử tự hào; song với hình ảnh Đại tướng bên phím đàn Piano, "10 ngón tay thô lướt trên thăng trầm trắng đen cuộc đời” vào những phút giây thư giãn trong cuộc sống thường nhật lại gợi lên nhiều cảm xúc của người viết ở một sắc thái khác: mến yêu vô cùng - từ mà ít khi chúng ta dám dùng thay vì từ cùng trường hay dùng là kính trọng, kính yêu! Đặc biệt, tính từ đó chúng ta càng muốn được dùng lại như một phát ngôn mới được tạo lập khi được xem những hình ảnh về gia đình Đại tướng: tất cả các con đều là những bậc trí thức thực tài, trong đó có những học hàm, học vị cao nhất được Nhà nước Việt nam và Liên Xô ghi nhận. 

Với "hậu phương” của Đại tướng cũng vậy, người vợ đầu tiên là tấm gương tiêu biểu về lòng yêu nước kiên trung và tâm hồn phụ nữ Việt Nam vừa giàu truyền thống, vừa hiện đại - liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Còn người phụ nữ thứ hai đã và vẫn đang sống bên Người đến phút từ biệt sau cùng với sự chăm lo yêu thương và tôn kính chồng mình hết mực- đó là Phó Giáo sư Đặng Bích Hà, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai (một gia đình nhà ngoại với những nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam đều được phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư). 

Tại sao chúng ta lại tản mạn về "hậu phương”, về "tài sản riêng” duy nhất thuộc về Đại tướng. Đó là để mỗi chúng ta có thêm một điểm nhìn, một góc ngắm, một khoảng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đại tướng ở nhiều phương diện, để lí giải cách sử dụng ca từ của An Thuyên "Đất nước nhớ người”, "trời đất tiếc thương người” là hoàn toàn có cơ sở từ lẽ sống và cuộc đời cao đẹp của Đại tướng - một vẻ đẹp tự thân và nền tảng truyền thống gia đình hiếm có! 

Bài hát ra đời từ sự ra đi của một vì tinh tú. Cho nên, dù có muốn nói giảm nói tránh đến mấy thì nhiệm vụ của người nghệ sĩ vẫn không thể lảng đi thông tin biểu đạt của sự thật. Chật vật với dòng cảm xúc đau xót, hẫng hụt của bản thân, nhưng buộc lòng nhạc sĩ An Thuyên vẫn phải dùng đến 3 từ cùng trường nghĩa trong câu thứ 2: "Một ngày ngừng gió, lá thu vàng rơi dương cầm buông lơi” với giọng nhịp 4/4 mô thứ hòa thanh để nói về sự ra đi. Vậy nên, dường như lấy hết can đảm, An Thuyên dồn nghĩa mất mát liền một lúc vào 3 từ trong cùng một câu nhưmg cũng không làm cho giai điệu bị căng lên, bị vỡ ra. 

Để rồi, tất cả những dòng nhạc sau và ở cả đoạn 2 với 95 từ, chúng ta không thấy lặp lại từ hoặc nghĩa của từ mất mát mà chỉ có nghĩa của sự trường tồn, bất tử trong niềm kính trọng, tiếc thương của nhân dân, đất nước qua các từ chỉ trạng thái tồn tại "vẫn” được láy lại 4 lần các tính từ "ấm tình”, "muôn đời rạng rỡ”, "sáng ngời muôn sau” "đất nước nhớ người”, "vinh quang Tổ quốc”… Nội dung sâu sắc ấy vừa là kết quả của ngọn nguồn tình cảm nơi nhạc sĩ, vừa là sự tài hoa của một cây bút viết nhạc uy tín hàng đầu Việt Nam. 

Có thể nói, với giai điệu đi hình làn sóng: từ các bậc quãng 2, quãng 3 - mô típ tiết tấu chủ đạo tạo cảm giác khoan thai, bay bổng tựa như những ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn của Đại tướng lại được kết hợp với nhảy quãng xa 5, 6 ở phần cuối mỗi đoạn đã tạo sự linh hoạt, uyển chuyển cho ca khúc. Thực sự, âm hưởng chất liệu dân ca Nam Bộ mà cố nhạc sĩ An Thuyên đã chọn đầy tinh tế làm cho giai điệu được cất lên nhẹ nhàng, sâu lắng, đọng lại trong lòng người nghe nỗi nhớ, niềm xót thương vị tướng của dân tộc. Tất cả lặng yên tiễn biệt Đại tướng về với đất mẹ, từ biệt cõi hữu hạn trần gian. 

Mười một năm đã qua kể từ lúc một ngày mùa thu, tiếng đàn buông lơi, những giọt nắng cũng như ngừng rơi. Tiếng đàn ấy đã vững vàng lướt trên thăng trầm cuộc đời, để lại niềm tin yêu tuyệt đối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó là tiếng đàn của hồn thiêng sông núi chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" trận Điện Biên lịch sử. Đó là tiếng đàn thôi thúc thế hệ hậu sinh hôm nay sống trọn vẹn nghĩa tình với non sông, đất nước.

Trong thời điểm kỉ niệm mốc son 70 năm thời khắc lịch sử "Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng", lòng tôi đầy cảm xúc tưởng nhớ về người Đại tướng của nhân dân- vị Tổng Tư lệnh huyền thoại của Chiến dịch Điện Biên Phủ mà tài thao lược quân sự của Người đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Bài viết này được khơi mở bởi ca từ của cố nhạc sĩ An Thuyên nhưng cũng là cảm xúc rất thường trực khi dấu mốc thời gian luôn gợi nhắc về người con hùng anh, kiệt xuất của dân tộc. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong mười vị tướng xuất sắc nhất thế giới vẫn luôn là sự kính trọng tuyệt đối và là niềm thôi thúc cá nhân tôi sống như một đóa hoa bé nhỏ để biết ghim giữ, trân quý những giá trị linh thiêng bất tử. Bài viết giản dị hôm nay là một biểu hiện chân thành như thế. 

Lưu Khánh Linh (Trường THPT Cảm Ân, Yên Bình)

Tags Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếng đàn vọng mãi nước non

Các tin khác
Cán bộ Công an TP. Điện Biên Phủ dắt tay đưa du khách sang đường an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với Điện Biên Phủ, Công an TP. Điện Biên Phủ luôn thường trực tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ từ sáng sớm đến tận chiều tối để phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện vào bãi đỗ xe và duy trì ANTT.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đỗ Minh Huấn thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên hiện đang cư trú tại phường Yên Thịnh

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), thành phố Yên Bái tổ chức 8 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm trưởng đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang cư trú trên địa bàn.

Được biết, các tác phẩm thuộc nhiều thể loại gồm: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký, nhật ký, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đặc biệt với đa dạng hình thức.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và thị xã nghĩa lộ thăm, tặng quà gia đình cựu chiến binh Lê Văn Chiến - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên, thị xã Nghĩa Lộ.

Năm 1996, Ban Liên lạc (BLL) truyền thống Chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ được thành lập. Thành viên là cựu chiến binh (CCB) thuộc các đơn vị Đại đoàn 308, 304, 316, 312, 351 đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. BLL vừa là nơi gặp gỡ của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng nhau ôn lại những ký ức về năm tháng của một thời tuổi trẻ đầy gian khổ mà oai hùng, vừa là nơi để CCB được chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống; là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là “sợi dây” nối lịch sử với hiện tại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục