Lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái tại Yên Bái: Chu đáo, an toàn, ấn tượng, thành công

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/10/2022 | 8:34:27 AM

YênBái - Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.
Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra sâu sát 


Căn cứ các nội dung chỉ đạo, thống nhất chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái, ý kiến tham gia của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các tỉnh có di sản, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương triển khai thực hiện công tác chuẩn bị các nội dung cho sự kiện quan trọng diễn ra vào ngày 24/9/2022 tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ. 

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh (thứ 3, trái sang) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Ban Tổ chức Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội kiểm tra công tác chuẩn bị tại thị xã Nghĩa Lộ. 

UBND tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 11/7/2022 về tổ chức Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức; Ban Tổ chức thành lập 4 tiểu ban giúp việc và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, chi tiết cho các thành viên. 

Ban Chỉ đạo tổ chức hội nghị với sự tham gia của các đại biểu Trung ương, các tỉnh bạn, các sở, ngành trong tỉnh nhằm thống nhất các nội dung tổ chức Lễ đón nhận. Ban Tổ chức đã tổ chức nhiều cuộc họp để thống nhất, bàn bạc, rà soát tiến độ triển khai các nhiệm vụ có liên quan và khảo sát các địa điểm để tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Lễ đón nhận. 

Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng trên 50 hoạt động, sự kiện hưởng ứng nhân dịp này. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã luôn chủ động, sâu sát, trực tiếp kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị của 2 địa phương để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh một cách hiệu quả... 

Ngày 7/9/2022, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 401-KL/TU yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân liên quan bám sát các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 11/7/2022 của UBND tỉnh, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. 

Trước đó, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong cuộc họp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã đề nghị tất cả các sở, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan nêu cao tinh thần chủ động, nỗ lực, quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, đảm bảo công tác tổ chức Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, chu đáo và thành công tốt đẹp nhất.

Phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả

Quán triệt sâu sắc chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, tổ giúp việc đã vào cuộc triển khai nhiệm vụ rất trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. 

Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng chuỗi hoạt động, sự kiện hưởng ứng phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đều chủ động, khẩn trương, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và xử lý kịp thời, hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ thực tế. 

Đối với thị xã Nghĩa Lộ là địa phương giữ vai trò quan trọng nhất, là địa điểm chính diễn ra sự kiện, công tác chuẩn bị mọi điều kiện càng được chú trọng, yêu cầu đặt ra cao hơn, chu đáo hơn. Ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Nỗ lực, quyết tâm chuẩn bị cho sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, thị xã đã tăng cường cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú đảm bảo các điều kiện phục vụ, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, y tế và phòng chống dịch bệnh Covid-19, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn điện sáng…”. 

Đặc biệt, giữ hình ảnh đẹp với du khách, thị xã miền Tây thật sự sâu sát trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội về việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng ăn uống… phải công khai niêm yết giá; nghiêm cấm các hành vi không niêm yết giá, tăng giá, ép giá du khách; phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát; niêm yết số điện thoại đường dây nóng để du khách có thể kịp thời phản ánh khi phát hiện vi phạm. 


Một nội dung rất quan trọng của Lễ đón nhận là Chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam với Chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”. Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã chia sẻ tại buổi họp báo của UBND tỉnh Yên Bái: "Chương trình nghệ thuật là một vở đại nhạc kịch dân gian mang đậm sắc màu Tây Bắc và màn đại xòe có 2.022 diễn viên, nghệ nhân của 4 tỉnh có di sản”. 

Vị đạo diễn trẻ này quyết tâm với sứ mệnh "Làm sao để thế giới không chỉ tò mò mà còn phải trầm trồ về di sản văn hóa Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam”. Trong khuôn khổ của sự kiện này, các hoạt động thuộc Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh cũng được các bên phối hợp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.


Du khách tham gia trò chơi "tó mắc lẹ” của đồng bào dân tộc Thái trắng tỉnh Lai Châu.

Đồng thuận, chung sức tạo nên thành công

Yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho sự kiện đáng nhớ còn là sự đồng thuận, chung sức của quần chúng nhân dân. Ở từng vị trí và vai trò khác nhau, mỗi người dân Yên Bái nói chung, nhất là mỗi người dân Mường Lò - Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải nói riêng đều thể hiện tinh thần, trách nhiệm với công việc của mình, với công việc chung. 

Những diễn viên tham gia màn đại xòe đã gác lại việc riêng tư, đồng áng để tích cực tập luyện. Những chủ homestay, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch, người chở xe ôm đã nghiêm túc chấp hành các quy định của địa phương về giá cả, về tinh thần và thái độ phục vụ du khách. Những người âm thầm đảm bảo dòng điện sáng, nguồn nước sạch, môi trường xanh, cảnh quan đẹp... 

Bà Hoàng Thị Loan - chủ homestay Loan Khang ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Cơ sở đã ký cam kết không tăng giá; dán công khai số điện thoại đường dây nóng tại nơi dễ nhìn; in bảng giá phòng, món ăn, nước uống, hoạt động trải nghiệm đặt tại quầy lễ tân, bàn ăn để du khách tham khảo trước khi sử dụng dịch vụ. Dịp lễ hội vừa qua, chúng tôi đón 10 đoàn, chủ yếu là khách nước ngoài”. 

Anh Giàng A Páo ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải nói rằng: "Tham gia đội xe ôm chở khách, tôi rất vui vì có thêm thu nhập lại được giới thiệu cảnh đẹp của quê hương mình. Mọi người trong đội xe đều vui vẻ chấp hành về giá cả và thái độ phục vụ du khách”. 

Có mặt tại đêm hội, bà Nguyễn Thị Huyền đến từ tỉnh Tuyên Quang hào hứng: "Lễ vinh danh xòe Thái rất trang trọng, chương trình nghệ thuật thì rất hoành tráng!”. 

Lần thứ 2 trở lại với Mường Lò, với Mù Cang Chải, anh John Zacher là du khách người Afghanistan rất vui: "Tôi biết lễ hội năm nay gắn với sự kiện vinh danh "Nghệ thuật Xòe Thái” qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Lễ hội gây ấn tượng sâu sắc cả về quy mô tổ chức, nội dung với nhiều hoạt động mới, hấp dẫn như Không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc, trải nghiệm ngắm lúa chín bằng xe địa hình ATV. Thích nữa là dịp lễ hội mà giá cả vẫn ổn định, người dân địa phương thân thiện và dễ mến!”. 

Từng đến đây không ít lần nhưng du khách Nguyễn Đình Việt ở quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng thực sự choáng ngợp, bất ngờ với Chương trình nghệ thuật vinh danh xòe Thái mãn nhãn, hoành tráng, công phu. Anh Việt quả quyết: "Nhất định tôi sẽ còn trở lại. Tôi thích hơn cả là được đi Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, ẩm thực đặc sắc của Tây Bắc thật sự hiếm có khó tìm ở dưới xuôi mà chất lượng lại tốt, giá phải chăng”.

Thước đo đánh giá chính xác nhất về thành công của sự kiện, về hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện là sự hài lòng của du khách. Nụ cười tươi rói trong những khoảnh khắc thư giãn, khám phá thú vị, trải nghiệm tuyệt vời, ấn tượng tốt đẹp của du khách với mùa lễ hội năm nay đã đền đáp vô cùng xứng đáng cho tất cả nỗ lực, quyết tâm, công sức chuẩn bị cho sự kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái. 

Chia sẻ của ông Lê Ngọc Cương, du khách ở thành phố Hà Nội dành tặng Mường Lò - Nghĩa Lộ, dành tặng Yên Bái chính là niềm tự hào: "Nói về xòe Thái thì tôi chỉ có thể dùng từ "tuyệt vời”. Không khí vô cùng náo nhiệt, mọi người vô cùng phấn khởi. Các không gian tổ chức lễ hội đều chu đáo, cảnh quan sạch đẹp, giá cả dịch vụ hợp lý. Tôi đã từng đi nhiều nơi nhưng công tác tổ chức của Nghĩa Lộ, của Yên Bái thật sự quá tuyệt, nhiều địa phương có kinh tế tốt hơn nhưng chưa làm được như vậy!”.


Vòng xòe đêm hội.

Nhóm phóng viên Kinh tế - Văn xã

Tags Lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái Yên Bái

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Những màn xòe vẫn rực rỡ trong mưa.

Đêm hội Nghĩa Lộ - Mường Lò tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 khép lại để tiếp tục một niềm tin mạnh mẽ về sự trường tồn của xòe Thái được nuôi dưỡng bởi tình yêu với di sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục