Yên Bái nỗ lực giảm thiểu suy dinh dưỡng trẻ em

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/3/2024 | 7:40:57 AM

YênBái - Những năm qua, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng, chống và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em, nhất là trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trẻ em cần được cha mẹ thường xuyên đưa đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe và phòng chống suy dinh dưỡng.
Trẻ em cần được cha mẹ thường xuyên đưa đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe và phòng chống suy dinh dưỡng.


Chị Nguyễn Thị Cúc ở Bản Phạ, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên đưa con tới khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã, chia sẻ: con trai chị đã hơn 3 tuổi và điều lo ngại nhất của chị là con bị SDD hoặc chậm lớn. Vì vậy, chị luôn chú trọng cho con ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng để con phát triển khỏe mạnh. Cùng đó, chị thường xuyên đưa con qua trạm y tế thăm khám để được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc con đạt tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao so với độ tuổi và không bị SDD. 

Tại Trạm Y tế xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, chị Hoàng Thị Chung ở thôn Hồng Bàng cũng cho biết: "Tôi chú trọng lựa chọn các loại thức ăn cho con phải bảo đảm tươi, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), khi nấu phải nấu chín, vệ sinh sạch sẽ và đủ chất đạm, chất xơ từ rau xanh trong mỗi suất ăn. Ngoài ra, bổ sung thêm chất sắt, kẽm, can - xi bằng thuốc mua tại hiệu thuốc uy tín. Nhờ đó, con tôi 2 tuổi và cân nặng đạt hơn 10 kg, chiều cao 85 cm. Theo cán bộ y tế của Trạm Y tế xã thì đây là cân nặng, chiều cao đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cho trẻ em”.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm dần qua từng năm và nếu như năm 2021, tỷ lệ SDD cân nặng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 15,6%, tỷ lệ SDD chiều cao chiếm 24% thì hết năm 2023 tỷ lệ SDD cân nặng đã giảm còn 14%; tỷ lệ SDD cân nặng giảm còn 21,9%. Để đạt được kết quả đó, các cấp chính quyền tỉnh đã đưa chỉ tiêu giảm SDD trẻ em vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và triển khai đồng bộ các giải pháp và từng bước thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình dinh dưỡng.

Cụ thể, ngành y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, duy trì, củng cố hệ thống cán bộ làm công tác dinh dưỡng từ tỉnh đến xã và mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng đến thôn, bản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến cáo người dân về dinh dưỡng. Cùng đó, hằng năm phối hợp với huyện, thị, thành phố tổ chức chiến dịch cân trẻ dưới 5 tuổi vào tháng 6. Đối với trẻ từ 0 - 60 tháng tuổi duy trì thực hiện cân đo 1 năm 2 lần vào tháng 6, tháng 12 và đối với trẻ 0 - 60 tháng tuổi SDD thực hiện cân đo 1 tháng/lần. 

Mặt khác, tổ chức chiến dịch triển khai uống Vitamin A và thuốc tẩy giun vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm; phối hợp với Viện Dinh dưỡng cấp hơn 750.000 viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai của các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Đối với các huyện không được cấp viên đa vi chất, cán bộ trạm y tế, cộng tác viên thường xuyên truyền thông về phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, khuyến khích phụ nữ mang thai tự mua viên sắt để bổ sung. Cùng đó, cấp 22.000 biểu đồ theo dõi tăng trưởng cho trẻ dưới 5 tuổi; cấp 7.996 sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho phụ nữ có thai trong toàn tỉnh; cấp 114 thước đo chiều dài nằm và chiều cao đứng của trẻ dưới 5 tuổi cho 9 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố trong tỉnh. 

Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi đối tượng, 100% bệnh nhân đến điều trị tại các bệnh viện đều được khám tư vấn dinh dưỡng; xây dựng chế độ ăn và thực hành khẩu phần ăn bệnh lý; tổ chức hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tại các trạm y tế xã cho đối tượng phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi và trẻ SDD dưới 5 tuổi; hướng dẫn các bà mẹ cho trẻ được ăn bổ sung đúng và đủ. 

Đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ, tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Cụ thể là triển khai các dự án: "Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các địa bàn khó khăn” ở huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ; "Lồng ghép cải thiện dinh dưỡng trẻ em ở khu vực miền núi phía Bắc” tại các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu; "Cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 3”…

Nhằm cho trẻ em được phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, ngành y tế rất cần sự chung tay hơn nữa của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Có như vậy, công tác phòng, chống SDD trẻ em trên địa bàn tỉnh mới đạt được hiệu quả bền vững.

Trần Minh 

Tags suy dinh dưỡng trẻ em chất lượng dân số SDD

Các tin khác
Hình minh họa.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục