Nữ sinh giành hai huy chương SEA Games chọn theo nghề IT

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2023 | 2:15:53 PM

Xác định sự nghiệp thể thao khó lâu dài, chủ nhân hai huy chương điền kinh ở SEA Games 32 Bùi Thị Ngân dành sức học chương trình cử nhân Công nghệ thông tin.

Bùi Thị Ngân tại lễ mừng công và khen thưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự SEA Games 32, ngày 17/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bùi Thị Ngân tại lễ mừng công và khen thưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự SEA Games 32, ngày 17/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trở về từ Campuchia hôm 13/5, ngay hôm sau, Bùi Thị Ngân, 22 tuổi, sinh viên năm thứ ba ngành Công nghệ thông tin đến trường Đại học Mở Hà Nội để hoàn thành bài thi hai môn.

"Dù vẫn còn hơi mệt, em không muốn bỏ lỡ việc học ở trường", Ngân nói.

Ngân giành tấm huy chương bạc trên đường chạy 1.500m với thời gian 4 phút 24 giây 57, kém đàn chị Nguyễn Thị Oanh khoảng 7 giây. Ở cự ly 800m, nữ sinh cũng về nhì với thời gian 2 phút 8 giây 96, sau đồng đội Nguyễn Thị Thu Hà (2 phút 8 giây 55).

Nữ sinh cho biết gặp chấn thương ở cổ chân trước ngày lên đường dự SEA Games gần hai tháng, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Khi còn 13 ngày, em mới quay lại tập nhẹ do chấn thương chưa hồi phục hoàn toàn.

"Em đã rất suy sụp vì nghĩ không thể tham dự SEA Games. Đến khi đủ sức khỏe thi đấu, em chỉ muốn cố gắng hết sức", Ngân nói.

Đây là lần đầu tiên Ngân có tên trong đội tuyển điền kinh dự SEA Games. Trước đó, nữ sinh vô địch 800m và huy chương bạc 1.500 m tại Đại hội thể thao toàn quốc hồi tháng 12/2022.

Ngân cho biết coi sự nghiệp thi đấu thể thao như cái duyên. Từ khi là học sinh THCS, em nhiều lần tham gia các giải chạy cấp trường rồi được chọn thi cấp huyện và tỉnh.

Đầu năm lớp 9, Ngân được chọn lên đội tuyển điền kinh của tỉnh Nam Định. Dù quyết định theo thể thao chuyên nghiệp, Ngân không bao giờ nghĩ đi học bổ túc văn hóa. Hết lớp 9, em trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Ngô Quyền (TP Nam Định). Theo học tại một trường công lập khiến Ngân gặp nhiều khó khăn để sắp xếp thời gian vừa tập luyện, vừa hoàn thành việc học.

Hàng ngày, nữ sinh học văn hóa vào buổi sáng, chiều đi tập, tối lại đi học thêm. Ngân nói nhiều hôm không kịp ăn uống, phải mua đồ mang theo ăn vội trước khi vào học. Giai đoạn thi tốt nghiệp THPT, em thường xuyên phải ôn luyện vào ban đêm và chỉ đi ngủ khi đồng hồ điểm sang ngày mới.

"Có những lúc tưởng chừng em không thể theo được nữa, nhưng rồi vẫn cố gắng. Em xác định sự nghiệp thể thao không thể lâu dài, mình vẫn cần học tập tốt để có thêm một hướng đi cho tương lai", Ngân nói.

Kết quả, Ngân đạt học sinh giỏi lớp 10 và 12, học sinh khá lớp 11. Em đăng ký xét tuyển bằng học bạ và trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở Hà Nội.

Thời điểm này, Ngân được chọn đưa vào Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng tập luyện. Do xa xôi, Ngân đăng ký hệ đào tạo từ xa.

Bùi Thị Ngân và đồng đội trên đường chạy 800m tại SEA Games 32, hôm 12/5.

Từ ngày vào đại học, Ngân tập luyện ở trung tâm huấn luyện 2-3 tiếng buổi sáng và 2-3 tiếng buổi chiều. Thời gian còn lại, em vào lớp học trực tuyến E-Learning trên hệ thống của trường.

Chọn Công nghệ thông tin do thích tìm tòi về máy tính từ nhỏ, Ngân xác định phải tự học là chủ yếu. Ngoài theo chương trình của trường, em lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức liên quan đến chuyên ngành. Hiện, kết quả học tập của Ngân đạt loại khá. Ngân nói hài lòng vì chưa phải thi lại bao giờ.

Trường Đại học Mở cho biết hệ thống trực tuyến ghi nhận Ngân chưa từng bỏ tiết hay nợ môn học nào. Chỉ có một lần gần đây, em phải xin hoãn thi để luyện tập chuẩn bị cho SEA Games 32. Tuy nhiên sau đó Ngân được thầy cô cho thi ghép với các lớp sau nên môn học được hoàn thành đúng thời gian quy định.

Với Ngân, sắp xếp thời gian ở đại học có phần dễ hơn thời cấp ba do có thể vào hệ thống học bất cứ lúc nào, qua máy tính hay điện thoại. Thầy cô ở trường cũng sẵn sàng hỗ trợ cho sinh viên. Điều quan trọng với hình thức học từ xa, theo Ngân là phải rèn sự chủ động và kỷ luật.

Khó khăn lớn nhất với Ngân là học online nhưng vẫn phải thi trực tiếp. Mỗi khi có lịch thi, Ngân bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội để làm bài.

"Tối thứ 7 em bay ra, thi ngày Chủ nhật rồi quay lại Đà Nẵng trong ngày để kịp buổi tập sáng thứ hai", Ngân kể. Một năm, nữ sinh di chuyển như vậy khoảng 6 lần.

Từng tập luyện cùng Ngân ở đội tuyển điền kinh tỉnh Nam Định, Trần Duyên, 22 tuổi, ấn tượng với vẻ thân thiện, hòa đồng của Ngân và khâm phục sự chăm học của bạn.

"Ngân chọn thi đấu thể thao chuyên nghiệp lại học một chuyên ngành khá khó. Điều đó khó khăn hơn so với việc chọn một trường thể dục thể thao để học tập. Phải thực sự chăm chỉ, bạn mới có thể theo được", Duyên nói. Dù cho rằng bạn vất vả hơn, nhưng Duyên cũng nhận định đó là lựa chọn thông minh của Ngân.

Còn một năm nữa là tốt nghiệp đại học, Ngân cho rằng có thể hoàn thành chương trình ngành Công nghệ thông tin đúng thời hạn. Với điền kinh, em vẫn sẽ tập luyện và thi đấu như hiện tại.

Nữ sinh nói thể thao mang đến cho mình nhiều kỷ niệm. Như ở SEA Games, em rất vui vì gặp nhiều vận động viên từng thi đấu cùng ở các giải dành cho học sinh, sinh viên Đông Nam Á những năm trước. Tuy chỉ giành huy chương bạc, Ngân vẫn được nghe Quốc ca Việt Nam vang lên do người chiến thắng là đồng đội của mình.

"Em sẽ cống hiến hết mình cho thể thao nhưng xác định sự nghiệp vận động viên khó có thể lâu dài. Đến khi không thể thi đấu nữa, em sẽ chuyển hướng sang lĩnh vực IT", Ngân chia sẻ.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục