Những bức tường thành Tổ quốc giữa Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/4/2025 | 8:52:55 AM

Ở quần đảo Trường Sa, mỗi viên gạch, mỗi mảnh gốm đều mang sứ mệnh về chủ quyền Tổ quốc. Những viên gạch đỏ in biểu tượng Quốc huy làm nền móng cho mọi công trình; những mảng gốm trang trí... đều được nung từ đất mẹ, vượt hải trình sóng gió ra đảo trở thành hồn cốt lịch sử, văn hóa Việt giữa biển trời xa thẳm.

Cờ Tổ quốc bằng gốm ở đảo Trường Sa.
Cờ Tổ quốc bằng gốm ở đảo Trường Sa.

Có lẽ, với những công trình nơi đất liền, hiếm khi ta chú ý nhiều đến từng viên gạch. Nhưng ở Trường Sa, mỗi viên gạch đều biểu tượng cho ý chí giữ nước, khẳng định chủ quyền thiêng liêng. Bởi lẽ đó, viên gạch đỏ nào cũng in biểu tượng Quốc huy.


Gạch ở Trường Sa in hình Quốc huy và có mẫu mã, chất liệu rất đặc biệt.

Được thiết kế riêng cho các công trình trên quần đảo Trường Sa, những viên gạch kết hợp giữa kỹ thuật xây dựng và tình cảm, lòng tự hào dân tộc. Bởi lẽ đó, gạch đưa ra Trường Sa mang vẻ đẹp rất lạ. Dường như, không thể có dáng vẻ nào mộc mạc hơn và cũng không có hình hài nào vững vàng.

Trong từng viên gạch là sự tính toán của kỹ thuật nhưng trên hết là tấm lòng son của đất liền gửi tới Trường Sa: Tha thiết và không bao giờ lay chuyển.


Trong quá trình xây dựng, Quốc huy trên gạch luôn được giữ gìn.

Gạch cùng nhiều vật liệu khác vận chuyển từ đất liền, vượt sóng gió ra đảo xa. Các ngôi chùa, như: chùa Song Tử Tây, chùa Linh Sơn, chùa Sinh Tồn, chùa Trường Sa, chùa Đá Tây… đều uy nghi mà ấm áp với những bức tường gạch đỏ.

Khi đứng giữa cái nắng chang chang ở Trường Sa, chạm tay vào bức tường gạch đỏ, nhiều người không khỏi khắc khoải nghĩ về câu chuyện đông lạnh giá ở xứ người, trong căn gác nhỏ, Bác Hồ đã sưởi ấm bằng một viên gạch hồng. Viên gạch sưởi ấm cho cả một giấc mơ vĩ đại để Người tìm ra con đường cứu nước, giành độc lập cho dân tộc. Viên gạch trong cái lạnh thấu thịt da của đất khách quê người lại chứa đựng hơi ấm của lòng tin, của ngọn lửa yêu nước không bao giờ tắt.


Hình Quốc huy đầy thiêng liêng in dấu trên những bức tường gạch đỏ.

Giờ đây, giữa Trường Sa nắng gió, đã có biết bao viên gạch in hình Quốc huy lặng lẽ, vững vàng trong từng bức tường chùa, từng công trình dân sự và quốc phòng, không chỉ sưởi ấm niềm tin mà còn chống chọi bão giông, nâng đỡ bao niềm thương nỗi nhớ với đất liền và dựng nên những bức tường thành Tổ quốc giữa trùng khơi.


Rưng rưng xúc động khi được nâng niu viên gạch nung từ đất mẹ.

Nơi đầu sóng, hình ảnh những viên gạch đỏ vô cùng thân thuộc và gần gũi. Khách ở đất liền ra thăm đảo, khi về lại tàu rồi, ai cũng đứng thật lâu trên boong, ngoái nhìn bóng dáng ngôi chùa lấp lánh trong nắng sớm, bức tường gạch đỏ như rực lên giữa trời biển xanh ngắt.

Lòng người vững chãi một niềm tin: Dù năm tháng trôi qua, dù lớp bụi thời gian phủ mờ bao công trình thành rêu phong cổ kính, thì những viên gạch in biểu tượng Quốc huy vẫn mãi là biểu tượng trường tồn của lòng yêu nước âm thầm mà sâu sắc.


Bức tranh gốm ở đảo Trường Sa.

Cùng với gạch, những công trình gốm nghệ thuật trên đảo Trường Sa cũng rực rỡ, đầy xúc cảm. Cờ Tổ quốc Việt Nam bằng gốm với kích thước khổng lồ 12mx20m (312m²) được ghép công phu từ hàng ngàn mảnh gốm men đỏ hiện diện uy nghiêm giữa đảo Trường Sa. Đây vừa là công trình nghệ thuật, cũng là tuyên ngôn về chủ quyền của Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió.


Các tác phẩm tranh gốm nổi bật tình nghĩa quân dân đoàn kết, sum vầy.

Ở đảo Trường Sa còn có bốn bức tranh gốm lớn mang dấu ấn văn hóa sâu sắc, phản ánh lịch sử, con người và khát vọng hòa bình của dân tộc ta. Từng mảnh gốm mang men màu truyền thống, được sắp đặt khéo léo thành hình ảnh của Bác Hồ, chiến sĩ hải quân, ngư dân bám biển và hình ảnh các em nhỏ nơi đảo xa…


Hình ảnh Bác Hồ bên thiếu nhi.

Công trình nghệ thuật gốm sứ này do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khởi xướng và thực hiện ý tưởng, chị cũng là tác giả của Con đường gốm sứ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình ở đảo xa khẳng định sự tiếp nối một dự án mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, đánh dấu tình yêu, lòng tự hào sâu sắc đã vươn tận đảo xa.


Những dấu mốc lịch sử về chủ quyền biển đảo Tổ quốc in đậm trên nền gốm.

Giữa bốn bề nắng nung, gió mặn, gốm như thách thức gian lao, trong ánh nắng bình minh, hoàng hôn đều ánh lên như hoa, như ngọc. Các sư thầy trụ trì khi quét chùa mỗi sáng vẫn lặng lẽ đưa tay vuốt nhẹ lên từng bức tường gạch đỏ. Một vị sư thầy từng ngỏ với khách: "Tường gạch này như da thịt của đất liền. Đặt tay vào, thấy lòng mình tĩnh lại, thấy quê hương không xa..."


Bản đồ Việt Nam được thể hiện bằng chất liệu gốm.

Những người lính đảo trong giờ nghỉ sau ca gác dài, nhiều khi lại ngồi tựa vào bức tường gạch in Quốc huy, lấy trong túi áo một cuốn sổ nhỏ, viết đôi dòng nhật ký. Với họ, đó còn là chỗ dựa tinh thần. Đã có người lính ở đảo Trường Sa kể: "Mỗi khi nhớ quê, tôi ra ngồi gần bức tường gạch, có lúc ngắm tranh gốm, tự nhủ mình đang tựa vào Tổ quốc. Ở đây, cũng là nhà..."


Hình ảnh bộ đội Hải quân và chim hải âu.

Những công dân nhỏ sinh ra và lớn lên giữa bốn bề sóng gió, sớm chiều chạy chơi quanh những bức tranh gốm đầy màu sắc. Có bé ngồi học cạnh cờ gốm đỏ rực, chỉ vào tranh tường rồi líu lo: "Đây là Bác Hồ kính yêu! Đây là biển đảo của mình đó!" Với các em, từng viên gạch, từng mảnh gốm là lớp học đầu đời dạy về tình yêu đất nước bằng hình ảnh gần gũi nhất.

Gạch và gốm nung từ đất mẹ. Trong sự vững vàng, thinh lặng như chứa đựng những trái tim cùng nhịp đập khiến từng bước chân thêm vững vàng, từng tâm tư có nơi chốn gửi gắm và nương náu. Chạm tay vào gạch, vào gốm ở Trường Sa, như thêm lần chạm vào lịch sử, vào tình yêu nước đã được nung lên từ lửa thiêng và niềm tin vĩnh cửu muôn đời.

(Theo NDO)

Các tin khác

Sáng ngày 19/4, Tàu KN 491 đã đưa đoàn công tác số 9 gồm hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, bộ, ban, ngành, các tỉnh thành, doanh nghiệp trên cả nước trở về Cảng Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái có 19 thành viên do đồng chí Vũ Quỳnh Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.

Kiểm tra đăng ký lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh Cam Ranh.

Ngày 17-4, các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Tiểu đoàn 458 phối hợp với lực lượng liên ngành của TP. Cam Ranh tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực vùng nước cấm Căn cứ quân sự Cam Ranh.

Đội hình Hải quân hai nước tham dự báo cáo trực tuyến với Bộ trưởng Bộ quốc phòng hai nước.

Sáng 16/4, Biên đội Tàu 015-Trần Hưng Đạo và Tàu 016-Quang Trung (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) cùng đoàn công tác Hải quân Việt Nam đã rời Quân cảng Bắc Hải (Trung Quốc), tham gia tuần tra liên hợp lần thứ 38 trên vịnh Bắc Bộ với Hải quân Trung Quốc.

Một góc đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa

Giữa muôn trùng biển khơi, âu tàu tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa là một trong những công trình quan trọng, không chỉ là nơi tránh trú bão an toàn, vững chắc cho tàu thuyền mà còn là điểm đến tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân vươn khơi bám biển, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục