“Thổ cẩm” của Văn Thà: Bình dị mà sâu lắng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2014 | 9:59:26 AM

YBĐT - Phải biết nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều này chỉ những người trong cuộc mới có thể cất lên được, chính vì vậy mà dù lời thơ có bình dị nhưng nó vẫn lắng sâu trong tâm hồn người đọc.

Thổ cẩm

Em ngồi bên khung dệt
Tay đan sợi chỉ hồng
Con thoi đưa theo nhịp
Nắng trời tràn mênh mông

Thổ cẩm dài thêm mãi
In vầng trăng lưỡi liềm
Cánh hoa văn mầu tím
Núi giăng thành mờ xanh

Suối Thia trào dâng lên
Lúa mượt mà lượn sóng
Đất Mường Lò nghìn năm
Điệu xòe mời tha thiết

Tay nâng tấm thổ cẩm
Thầm nhớ về cha ông
Ơn đất trời nhân hậu
Ơn tình người bao dung

Văn Thà

Văn Thà đã nhiều năm dạy học tại Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Cuộc đời dạy học và sáng tác thơ làm cho anh gắn bó máu thịt với xứ Mường Lò này. Anh yêu Văn Chấn, Nghĩa Lộ không phải bằng tình yêu của người lữ khách đắm say một vùng đất lạ mà là tình yêu của người như được sinh ra lớn lên trên mảnh đất này. Có lẽ vì thế mà thơ Văn Thà viết về Văn Chấn, Nghĩa Lộ có một xúc cảm riêng, bình dị mà lắng sâu. Bài thơ "Thổ cẩm" trong tập thơ "Cô gái Mường Lò" (Nhà xuất bản Văn học dân tộc) là một trong những bài thơ như thế.

Ba khổ thơ đầu, Văn Thà diễn tả hình ảnh người con gái Thái đang dệt lên những vuông thổ cẩm (một loại vải có nhiều hoa văn, họa tiết, màu sắc khác nhau, dùng để làm khăn piêu, trang phục, chăn đệm). Tục ngữ Thái có câu nói về người con gái: "Mười một tuổi biết độn tóc/ Mười hai tuổi biết ngồi khung dệt vải". Có thể nói, mọi đức tính của người phụ nữ Thái, như: kiên trì, cần cù, khéo léo, sáng tạo; mọi nét đẹp tâm hồn, tính cách, như: duyên dáng, thủy chung, nồng hậu, bao dung đều được thể hiện qua những vuông thổ cẩm mà họ đã dệt lên. Cô gái đang yêu không giấu niềm vui, hy vọng qua những gam màu tươi sáng; những phụ nữ lớn tuổi lại thiên về những gam màu trầm, đậm nét suy tư…

Theo nhịp thoi đưa của cô gái Mường Lò, dần hiện lên nắng trời bừng sáng, vầng trăng vàng dịu, núi trập trùng trong hoàng hôn tím biếc, suối Thia bọt tung trắng xóa, cánh đồng xứ Mường Lò mượt mà sóng lúa, điệu xòe Thái duyên dáng, thiết tha mời gọi… trên vuông thổ cẩm.
Cũng như nhiều dân tộc khác, các họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm đều lấy tự nhiên làm chuẩn mực, đều là sự cách điệu hóa thế giới tự nhiên. Song họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm Thái Tây Bắc rất phong phú, có tới trên 30 loại khác nhau, nó không khác nào là thiên nhiên thu nhỏ.

Thế giới thực vật có loại hoa, quả, búp cây, dây leo… trong đó có hai loại cây chính là cây rau bợ và búp cây guột. Đó là hai loại rau dân dã, quen thuộc với người Thái. Thế giới động vật cũng rất đa dạng, có vật sống trên cạn như chú khỉ tinh nhanh, lanh lợi, hiếu động, có vật sống dưới nước như con rái cá, con thuồng luồng…

Nhưng không chỉ phản ánh thế giới tự nhiên, hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm còn diễn tả những suy nghĩ, tình cảm, khát vọng của con người về cuộc sống. Nói khác đi, nó đều mang ý nghĩa nhân sinh. Họa tiết, hoa văn ở gấu váy Thái là chim, thú, cỏ cây… Phải chăng đó cũng là sự ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Thái, đến cỏ cây, hoa lá, chim muông… cũng phải ngắm nhìn và theo từng bước chân cô gái. Về kết cấu, các họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm luôn có sự đối xứng. Là hoa thì phải có hoa đực, hoa cái; là vật thì phải có con trống, con mái, đối xứng nhau. Điều đó cũng ngầm nói lên quan niệm về sự hòa hợp âm dương và khát khao chung sống thuận hòa, ước mong sự sinh sôi, nảy nở của thiên nhiên, con người. Ý thức được điều này nên Văn Thà đã viết:

"Con thoi đưa theo nhịp
Nắng trời tràn mênh mông

Thổ cẩm dài thêm mãi
In vầng trăng lưỡi liềm
Cánh hoa văn mầu tím
Núi giăng thành mờ xanh

Suối Thia trào dâng lên
Lúa mượt mà lượn sóng"

Bên cạnh hình dáng, đường nét thì màu sắc cũng hết sức quan trọng. Nó được coi là linh hồn của mỗi hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm. Màu chủ đạo là màu xanh của cây cối, màu đỏ, hồng, trắng của các loài hoa rừng, màu vàng rực của ánh nắng mặt trời, của cánh đồng lúa chín… Các màu sắc này đều được các cô gái Thái tạo bởi các chất liệu thực vật trong tự nhiên. Muốn có màu đỏ sẫm thì nhuộm sợi trong nước cánh kiến, màu đỏ tươi nhuộm trong nước quả "xổm xét", màu vàng nhuộm trong nước nghệ, vàng da cam nhuộm từ nước rễ cây "ken", màu tím nhuộm trong nước lá "khẩu cắm", màu đen được tạo nên bởi hai lần nhuộm chàm, một lần nhuộm nâu sau đó nhúng lại nước chàm. Sự tạo màu, phối màu khéo léo đã tạo nên vuông thổ cẩm nhìn không bao giờ chán mắt. Đúng như câu tục ngữ Thái: "Úp bàn tay thành hình muôn sắc/Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu".

Văn  Thà kết bài bằng cảm xúc:

 "Tay nâng tấm thổ cẩm
Thầm nhớ về cha ông
Ơn đất trời nhân hậu
Ơn tình người bao dung"

Phải chăng đây mới là chủ đề chính của bài thơ: "Uống nước nhớ nguồn". Phải biết nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều này chỉ những người trong cuộc mới có thể cất lên được, chính vì vậy mà dù lời thơ có bình dị nhưng nó vẫn lắng sâu trong tâm hồn người đọc.

 Hiền Lương

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục