Tết xưa Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/1/2015 | 10:11:04 AM

YBĐT - Xưa kia, dân Mường Lò chủ yếu người Thái, người Mường và cuộc sống còn nhiều vất vả nên một năm chỉ được nghỉ ngơi, vui chơi vào dịp tết, thành thử nhà nhà đều dồn cho một cái tết tươm tất, đủ đầy, vui tươi.

Bà con người Thái đồ xôi tết.
Bà con người Thái đồ xôi tết.

Những người cao niên kể rằng, không khí tết thường bắt đầu từ ngày hai lăm tháng Chạp. Từ mờ sáng đã tấp nập người, ngựa ở mọi nẻo đường đổ ra đường lớn đi về Nghĩa Lộ để dự phiên chợ tết cuối năm. Chợ tết thật náo nhiệt với cảnh mua sắm hàng tết. Người Mông lúc ấy còn ăn tết trước một tháng nên phiên chợ tết chỉ là dịp họ đi chơi tìm gặp bạn bè. Ngựa của họ buộc kín sân vận động, bên những gốc cây ven đường rồi họ quây quần bên mâm thắng cố, vừa uống rượu vừa vui múa khèn. Đám con trai thì đi kéo con gái để làm quen.

Sau phiên chợ tết, trai tráng trong bản của người Thái, người Mường đều bận bịu với công việc bổ củi, xếp thành những đống to đun trong dịp tết. Tiếp đó, trai Mường còn phải cố làm cho xong cội đu xuân, trai Thái thì làm sàn Hạn khuống. Đu Mường và sàn Hạn khuống là nơi dành cho trai gái chưa vợ, chưa chồng tụ tập ngày xuân vui hát giao duyên. Các cô gái lại tất bật với công việc rửa lá bánh, cọ rửa bát đĩa, nồi niêu, vật dụng, giặt giũ để mọi thứ bước vào năm mới đều sạch sẽ tinh tươm.

Đông vui nhất là bên các dòng suối Mường Lò vào buổi sáng 30 tết. Nhà khấm khá thì mổ riêng một con lợn, còn hầu hết là mổ đụng nhưng tất cả đều khiêng lợn ra suối để mổ, chia phần. Trẻ con tíu tít kéo nhau đi xem mổ lợn rồi xin những miếng mỡ vụn buộc vào dây nhử từng đàn cá đến đớp mồi thật thích mắt, khiến cho không khí ngày tết thật sôi động. Sau khi chia xong phần thịt lợn thì ai về nhà đấy để lo làm cỗ, làm bánh và lễ cúng tất niên.

Tối 30 tết, sau bữa tất niên, trai gái đổ dồn về những cội đu Mường, những sàn Hạn khuống. Người trung tuổi, người già ở nhà lo hoàn tất mọi công việc và chuẩn bị làm lễ đón giao thừa. Sáng mồng 1 tết, mọi người rủ nhau đi chúc tết bà con trong bản, họ hàng. Ngày mồng Hai trở đi, mọi người thường tụ tập vui chơi các trò chơi dân gian như: tó mắc lẹ, tát yến, đánh khăng, cướp cờ, đánh quay... Trẻ nhỏ trong các bản Thái ngày tết thường có trò đi hát đồng dao xin mưa.

Người Thái rất coi trọng trò chơi này vì theo quan niệm của họ, tết nào có nhiều đám trẻ con đi hát xin mưa thì năm ấy trời sẽ mưa thuận gió hòa để trồng cấy. Các bà mế thấy đám trẻ đến sân là đi lấy ngay những túi hạt bông đã kẹp lấy sợi tung xuống đám trẻ như thể cho mưa rồi lấy bánh, xôi, thịt cho bọn trẻ. Đêm về cũng là thời khắc vui nhất của ngày tết. Bà con thường tụ tập đến những gia đình có nhà sàn rộng để vui đánh cồng chiêng, múa xòe, hát dân ca, hát đối, đố vui có khi thâu đêm suốt sáng.

Mồng Ba tết, các gia đình người Mường thường tổ chức tết thầy. Trong ngày này, các cặp vợ chồng mang cỗ, quà đến mừng cha mẹ vợ. Có người thì đi lễ tết thầy dạy chữ, thầy mo trong năm đã cúng ma, giải hạn cho gia chủ có người khỏi bệnh, tránh được tà ma làm hại hoặc đi lễ tết thầy lang đã chữa bệnh cho người nhà. Những nhà chuyên làm thầy mo của người Mường, thầy then của người Thái thường mở tiệc thánh sư là nghi lễ tạ ơn tổ sư đã truyền nghề mo, then để hành lễ giúp dân.

Từ ngày mồng Bốn trở đi, bà con dành thời gian đi thăm họ hàng, thông gia ở xa vì đi có thể phải ngủ qua đêm mới về. Đến ngày mồng Bảy tết là ngày hạ cây nêu. Ngày này, các mường còn tổ chức lễ hội Lôồng tồng (nghĩa của tiếng Mường là trồng trọt). Nghi lễ này chính là lễ khai xuân như ở nhiều dân tộc khác. Bà con từng bản tập hợp nhau lại sắm lễ xôi, thịt, hoa quả, hạt giống mang đến chỗ đất rộng của Mường cùng lập đàn cúng tế trời đất, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho một năm mới người người sức khỏe dồi dào, không tai ách, bệnh dịch, làm ăn phát đạt.

Lễ hội Lôồng tồng được coi là lễ hội vui nhất vì ngoài phần lễ, các mường còn tổ chức thi múa hát, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, leo cột tre lấy thưởng, đi cầu khỉ, chọi gà... Nghi lễ này cũng đánh dấu một cái tết đã qua và bước vào một năm làm ăn mới.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục