Cặp đôi “then - tính” Làng Chùa

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/1/2015 | 10:02:22 AM

YBĐT - Trở lại Chấn Thịnh lần này, tôi được anh Dân - cán bộ văn hóa xã giới thiệu gặp gỡ hai nghệ nhân cao tuổi người Tày ở Làng Chùa. Làng Chùa nằm bên phải theo hướng xuôi dòng Ngòi Lao, từ thượng nguồn Văn Chấn chảy qua đất Chấn Thịnh.

“Cặp nghệ nhân” Hà Văn Long và Hoàng Thị Liền với cây đàn tính.
“Cặp nghệ nhân” Hà Văn Long và Hoàng Thị Liền với cây đàn tính.

Theo con đường bê tông phẳng lỳ, uốn lượn ven những thửa ruộng cánh đồng xóm dưới Làng Chùa, chúng tôi tới nhà của “cặp nghệ nhân” Hà Văn Long và Hoàng Thị Liền. Cụm từ “cặp nghệ nhân” là do người dân nơi đây yêu mến “phong” cho hai cụ, bởi niềm đam mê và tâm huyết gìn giữ những làn hát then và nghệ thuật nôm tính của người Tày ở đất này. Hai cụ trò chuyện với chúng tôi thật rôm rả, dưới mái nhà đơn sơ nhưng ngập tràn niềm vui tuổi già và niềm say mê vốn văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào mình.

Qua câu chuyện bên ấm trà nồng ấm dư vị thôn quê, tôi được biết, trước đây, gia đình cụ từng có một ngôi nhà sàn năm gian, vững chãi lợp tới cả nửa vạn lá cọ. Chẳng may hỏa hoạn xảy ra, tất cả chẳng còn gì ngoài cây đàn tính cùng những bài then mà hai cụ từng  hát trong những ngày hội của làng. Các con của hai cụ nay cũng đã trưởng thành ra ở riêng, lập nghiệp. Tuy đều đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, cuộc sống đạm bạc, vô tư, vui cùng điệu then, tiếng tính nên hai cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, dựng căn nhà nhỏ trên nền đất cũ, tự chăm sóc tuổi già. Gian giữa của mái tranh nghèo là nơi hai cụ dành để trưng bày những kỷ vật, giấy khen và tấm hình có được sau mỗi lần tham gia hội diễn văn nghệ của huyện và của xã, đặc biệt là những chiếc tính tẩu do chính bàn tay cụ ông làm ra để đệm cho cụ bà hát trong các cuộc vui của làng.

Theo lời kể say sưa, như trở về miền ký ức đầy xốn xang thời tuổi trẻ của hai cụ, tôi được biết thêm đất Làng Chùa này vốn là nơi có ruộng đồng màu mỡ, chủ yếu là đồng bào người Tày sinh sống qua nhiều thế hệ. Trước đây, làng hay tổ chức các cuộc thi giã cốm vào độ cuối thu và vui văn nghệ mừng lễ Bươn chiêng (mừng xuân mới). Vào độ tháng Mười, lúa nếp trên đồng bắt đầu đỏ đuôi, cũng là lúc Làng Chùa vào mùa “quéng loỏng” (mùa giã cốm). Côông côông  thụp, côông côông thụp…côông cắc côông  cắc thụp… nhịp chày giã cốm đua nhau vang vọng cả đất trời. Mùi hương cốm mới lan tỏa trong không gian, gợi niềm cảm xúc ngọt ngào, xao xuyến nơi thôn quê thanh bình và yên ấm.

Khi hoa mơ, hoa mận bừng nở trong vườn cùng những chùm hoa dó rung rinh bên sườn đồi, ven suối và từng đàn chim tết đủ sắc màu từ đỉnh núi Nả, núi Đỗng bay về hót vang khắp lòng thung, ấy là lúc người Tày ở mảnh đất này vui hội bươn chiêng. Ban ngày, dân làng tổ chức chơi đu trên chân ruộng cạn đầu làng đã xong mùa gặt hái. Tối đến, cả làng lại vui văn nghệ mừng đón xuân mới. Dậm khăn, lăn tính, múa chai… cứ rộn ràng, lung linh trong ánh sáng của những ngọn đèn măng sông nơi sân kho hợp tác. Tiếng đàn tính hòa cùng những điệu then nồng nàn và da diết đắm say cho tới tận đêm khuya.

Khi được hỏi, hát then và chơi tính tẩu các cụ biết từ khi nào, cụ ông sôi nổi: “Khi mười hai, mười ba tuổi, tôi đã hát được một số bài mà ông then Quỳnh làng này truyền cho rồi. Ngoài ra, ông ấy còn dạy cho tôi biết dậm khăn, lăn tính và đệm đàn cho hát then, chơi tính tẩu cho dậm vi (múa quạt), dậm hương, dậm hoa… đặc biệt là cách  làm ra cây tính tẩu vốn đã trở thành biểu tượng của văn hóa Tày…”.

Cụ ông đứng dậy, lấy cây tính tẩu treo trên vách nhà, nâng niu đặt bầu đàn vào giữa lòng mình, một tay vuốt nhẹ cần đàn bóng láng ánh thời gian, hào hứng chia sẻ: “Nguyên thủy, tính tẩu xưa chỉ có hai dây trầm và bổng. Sau, để phù hợp đệm cho hát ứng với ba quãng âm, đàn có thêm một dây nữa. Khi đệm âm thanh phong phú và sing động hơn… ”.

Theo cụ Hà Văn Long, để có được chiếc bầu đàn tròn xinh, âm thanh vang ấm thì phải chọn những quả bầu nước già (gọi là mắc ké) đem sấy trên rựa bếp cho khô, sau đó khoét bỏ ruột, cắt bỏ một phần ba phía cuống để làm thành bầu đàn - gọi là “mắc tính tẩu”. Có bầu đàn rồi, phải tìm được loại gỗ chuyên làm mặt bầu đàn, sao cho nhẹ mà lại dẻo dai, không nứt vỡ và phải có độ cộng hưởng âm thanh tốt. Người Tày chúng tôi thường chọn cây xổ, hay mọc ở ven suối, thớ gỗ xốp lại dẻo dai và thanh nhẹ để làm mặt bầu đàn. Tiếng Tày gọi đó là “mạy thản”. Còn cần đàn thì được làm bằng gỗ quế hoặc cây dâu rừng càng tốt và dài khoảng bảy mươi lăm phân. “Khau tính” có nghĩa là  đầu cần đàn được trang trí hình trăng lưỡi liềm cách điệu. Dây đàn xưa kia thường se bằng tơ tằm (ngân roại). Bởi vậy còn gọi là “tiếng tơ”. Rồi ông đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ của người xưa dạy cách làm đàn tính.

  “Tép tính, tép mạy thản
  Cản tính, cản mạy que
  Thai tính, thai ngân roại…”
Có nghĩa:
  “Mặt bầu đàn bằng gỗ xổ
  Cây cần đàn bằng gỗ quế
  Dây đàn làm bằng sợi tơ…”

Cụ bà ngồi bên cạnh, mắt ánh lên niềm hân hoan, như muốn hát luôn một bài then, để họa cho ngón đàn của cụ ông, từng làm bà say mê ngay từ  mùa “Kin chiêng” (tết Nguyên đán) đầu tiên, hai người cùng song diễn  tiết mục “Bươn chiêng” (mừng xuân mới) trong lễ hội của làng.
Tôi háo hức đề nghị hai cụ đàn và hát tặng một bài then. Cụ ông lập tức lên dây tính và vuốt nhẹ đường tơ. Âm thanh xao xuyến, trầm bổng cất lên như mê hoặc lòng người. “Từn tứn dơ - từn tứn dơ… Như được sống  lại không khí lễ hội của làng những mùa xuân xưa, nồng nàn và vời vợi trong ký ức, cụ bà cất giọng, họa theo tiếng đàn như “không có tuổi” của cụ ông.

 “Hỡi các chàng trai trên sông mường Trời
 Xuống dương gian chơi xuân cùng em
 Xuống nơi này vui hội cùng em!
 Trai trẻ đánh trống bé, rao binh
 Trai lớn đánh trống to, rao ngựa
 Lính đánh xe, quan cưỡi ngựa
 Ngựa chân thấp đi chậm
 Ngựa chân cao đi  nhanh
 Dậy đi thôi - nào dậy đi !
 Đi theo gió, đi trên mây
 Xuống dương gian để cùng em vui hội…
 …Múa hương thì múa bên phải với cô
 Múa hoa hãy múa bên trái cùng em …”

Lời hát da diết, thánh thót hòa cùng tiếng đàn trầm bổng xao xuyến như bừng dậy không khí mùa hội “Bươn chiêng” trong căn nhà nhỏ của hai nghệ nhân cao tuổi Làng Chùa.

Lật giở cuốn sách hát chép tay đã cũ, có cả những dòng lời ca phiên âm tiếng Tày, hai cụ hào hứng giới thiệu, đây là những bài then hay nhất mà cụ ông và cụ bà thuộc từ ngày xưa và sưu tầm thêm, chép lại. Cùng với những bài hát cổ, cụ ông còn đặt thêm một số lời hát mới ca ngợi mảnh đất, con người và cuộc sống đang từng ngày đổi thay trên quê hương Chấn Thịnh. Đây cũng là những tiết mục hai cụ thường hát trong các dịp lễ tết, các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi và biểu diễn ở sân khấu hội diễn văn nghệ của xã nhà.

Đàn tính và hát then đã trở thành máu thịt và niềm vui say của hai cụ  hơn sáu mươi năm qua, như dòng Ngòi Lao chảy qua đất này chưa bao giờ vơi cạn. Giờ đây, hai cụ luôn tâm niệm tiếp tục sưu tầm được nhiều bài then cổ cùng những làn hát ru… truyền lại cho thế hệ trẻ và cả nghệ thuật nôm tính, các điệu dậm khăn, dậm thuông, dậm vi, lăn tính để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Tày đã bao đời gắn bó ở đất Làng Chùa này.

Chuẩn bị đón mùa xuân mới đang về, hai cụ cũng dành thời gian ôn lại một vài bài hát then, điệu tính và hướng dẫn cho tốp múa Chi hội Phụ nữ thôn Làng Chùa  tiết mục “Bươn chiêng ” và “Dậm mơi lẩu” độc đáo  bởi sự khéo léo giữ thăng bằng cho những chiếc chai đội trên đầu mà vẫn uyển chuyển, sinh động trong từng bước múa. Đây sẽ là những tiết mục mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, góp thêm không khí vui tươi, tràn đầy niềm lạc quan trong đêm văn nghệ chào xuân mới của xã  trong dịp tết Ất Mùi này.

Chia tay hai “nghệ nhân” cao tuổi Làng Chùa, lòng tôi còn xốn xang mãi lời then quyện trong tiếng tính trầm bổng và da diết dưới mái tranh nghèo nhưng luôn tràn đầy niềm say mê và tự hào về bản sắc văn hóa của người Tày nơi mảnh đất này. Thoảng trong gió đồng, mùi hương hoa dó từ phía đồi xa gợi lên niềm cảm xúc thân thương và nồng ấm. Mận trong vườn nhà ai đã lấm tấm khai hoa báo hiệu mùa “bươn chiêng” mới đang về mang theo tin yêu và hy vọng về cuộc sống đổi thay cùng những giá trị truyền thống sẽ tiếp tục được phát huy mà người khơi nguồn, giữ lửa chính là hai cụ Hà Văn Long và Hoàng Thị Liền - vốn được người dân nơi đây yêu mến gọi là “cặp đôi then - tính Làng Chùa”.

Thanh Tửu

Các tin khác
Các em học sinh thăm Di tích nhà ông Trần Đình Khánh tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh tọa lạc tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là 1 trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu.

Sáng nay - 4/5, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tổ chức khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi. Đây là công trình tiêu biểu của xã lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 79 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7/5/1945 - 7/5/2024).

(Ảnh: tuyengiao)

Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục