Bến Âu Lâu trong tiểu thuyết Trần Cao Đàm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2018 | 7:53:08 AM

YBĐT - Bến Âu Lâu (thuộc xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc - thành phố Yên Bái) là nơi ghi dấu một thời đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cũng như của dân tộc Việt Nam.

Bến Âu Lâu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Là người làm báo, quá trình đi viết, Trần Cao Đàm được tiếp cận với nhiều tài liệu và nhân chứng. Ý nghĩa và giá trị lịch sử của Bến Âu Lâu đã thôi thúc tác giả sớm cho ra mắt hai tập tiểu thuyết "Bến Ngòi" - năm 1999 và "Âu Lâu bến lửa" - năm 2006 (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân).

Ở "Bến Ngòi", tác giả đưa bạn đọc về với cuộc sống cơ cực "một cổ hai tròng" của người dân thị xã Yên Bái dưới thời Pháp - Nhật. Tiêu biểu là Bái, nhân vật trung tâm xuyên suốt quá trình. Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở làng Yên Bái, thị xã Yên Bái, bố mất sớm, mẹ ốm đau, chị gái Hàn buộc phải đi làm lẽ cho một gã lính lớn gấp đôi tuổi: thằng Min mang số Tây đi sết (Dix Sept) vừa vũ phu vừa hay đánh bạc, ăn chơi trác táng. 

Rồi mẹ chết, Bái ở với anh chị, chứng kiến cảnh anh rể hàng ngày hành hạ chị mình khổ sở, bản thân Bái phải đi chăn trâu, lấy củi vất vả. Sau khi chị chết, Bái mất chỗ dựa trở thành "con bé ăn mày ngoắc ngoải gần chợ trâu". 

Được bác Quý có họ xa đưa về nuôi, lại bị anh rể Min đến bắt về đem gả bán cho nhà bác Trọng buôn dó ở làng Vạn Lâu, xã Âu Lâu bên kia sông Hồng với giá 50 đồng để lấy tiền giả nợ cờ bạc. May mắn gặp bác Trọng là người tốt mà Bái từ bỏ ý định chạy trốn, yên phận ở lại lấy Tài và trở thành cô gái lái đò trên bến Âu Lâu. 

Còn Tài - chồng Bái đi đánh xe ngựa chở khách, chở hàng trên tuyến đường Âu Lâu – Nghĩa Lộ. Cuộc sống tưởng như yên bình, ổn định nhưng có bao sự kiện bên ngoài xã hội đang diễn ra luôn tác động đến bến sông quê, đến gia đình họ: nào là phong trào Việt Minh đang nổi lên từ Chiến khu Vần – Hiền Lương; nào là bọn giặc tăng cường đi lùng bắt cán bộ Việt Minh dưới bến đò. 

Trong khi chở những người tù cộng sản bị giặc đưa đi đày ở Căng Nghĩa Lộ qua sông, Bái vô cùng cảm phục lòng yêu nước và khí phách hiên ngang của họ "Đoàn tù xuống phà áng chừng đến trăm người. Hai người một, tay bị xích chung với nhau, chân cũng bị xích. Xích sắt to, lòng thòng, nặng nề kéo lê trên mặt đường. Đoàn tù có cả đàn ông, đàn bà. Họ gầy gò mà chững chạc. 

Đi giữa những hàng lính súng lăm lăm, có quan Tây to lớn đi kèm mà họ vẫn đi theo hàng lối, ngẩng cao đầu. Ai cũng mực thước... Họ đứng bên nhau, bừng bừng nhiệt huyết. Họ quay mặt về hướng mặt trời. Tiếng hát sục sôi của họ vang lên, bay đi....". 

Có lần nể lời lý trưởng Đợi, đang đêm Bái chở đò cho một người khách lạ, sau này mới biết anh là cán bộ Việt Minh. 

Cũng từ chỗ anh bận việc vẫn nhớ gửi tặng chiếc khăn với lời cảm ơn khiến Bái rất cảm động, giúp chị hiểu thêm bản chất tốt đẹp của Việt Minh. Từng chứng kiến cảnh quan quân Pháp thất bại, thua chạy thảm hại khi Nhật đảo chính; cảnh lính Nhật giết tên quan Tây tàn bạo, dã man; cảnh nạn đói xô đẩy người miền xuôi lên mạn ngược xin ăn, chết đói đầy đường; rồi lệnh cấm tích trữ gạo làm cho dân bến Ngòi điêu đứng, ông bố chồng vì thương con cháu lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tìm mua gạo, được một túi nhỏ mang về gần nhà thì bị bọn lính bắt, quy tội "tiếp tế cho Việt Minh" và cướp hết. Rồi Tài bị bọn Nhật bắt đi chở lính, chở gạo vào kho cho chúng, đã không được trả công còn bị đánh đập khổ sở, đau ốm. 

Con Thương bị ốm, Bái sang sông mua thuốc thì bị thằng Đọn chỉ điểm vu cho tội là "người Âu Lâu, đất Việt Minh", thế là bị bọn Nhật bắt giam trên đồn nhờ có bác Quý xin chúng mới tha, mua được thuốc về đến nhà thì con đã chết. Bấy nhiêu cảnh huống, bi kịch tang thương trong nhà, ngoài xã hội tác động vào người lao động để họ chuyển hóa đi theo cách mạng từ tự phát đến tự giác. 

Không chỉ Bái, các nhân vật bác Quý, ông Trọng, anh Tài, Thân, Khánh, lý trưởng Đợi cùng dân làng Vạn Lâu và những binh sĩ của giặc quay súng về với cách mạng… là hình ảnh minh chứng cho công cuộc vận động nhân dân của Việt Minh thắng lợi, tập hợp đông đảo quần chúng công, nông, binh tham gia giành chính quyền trên đất Yên Bái. 

 Tiểu thuyết "Âu Lâu bến lửa" là sự nối tiếp của "Bến Ngòi" với ba phần "Bến vắng", "Lửa đạn", "Hội non sông" tương ứng với những chặng đường của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra bền bỉ, gian khổ, ác liệt ở xã Âu Lâu và trên bến Âu Lâu. Bọn giặc đã chiếm miền Tây và tràn xuống hữu ngạn sông Hồng, lập nên phòng tuyến sông Hồng với hệ thống đồn bốt dày đặc. 

Chúng càn quét, xây đồn Đồng Bằng, gây bao cảnh tang tóc đau thương "Phố quê, bến nước, rừng núi vốn hiền lành, yên ả thành biển lửa, bão lửa. Lửa gặp gió bốc ù ù, lốp bốp nổ. Giặc tàn bạo kéo về, đốt phố, còn đì đoàng bắn tứ tung, bắn vào chỗ nào chúng muốn". 

Chúng còn lập hội tề thực hiện âm mưu thâm độc dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Trong hoàn cảnh ấy, Bái vẫn ở lại bến sông, chở đò giúp đồng bào sơ tán. Thế rồi cảnh tan đàn xẻ nghé diễn ra. Chồng hoạt động trong vùng hậu địch, Bái đi chở đò, giặc đến càn quét đốt nhà, hai con trốn chạy lên rừng bị lạc, bố chồng bị giặc bắt đưa về đồn Đồng Bằng làm phu và bị bắn chết. Căm thù giặc, có lúc Bái như điên dại đã manh động một mình rình đánh giặc, suýt đánh nhầm người của ta. 

Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Chủ tịch Bùi và tiểu đội du kích, Bái thấy được hành động nông nổi của mình, thay đổi hẳn tính nết, nhận thức được rằng: "Căm thù giặc bao nhiêu, ta càng phải bình tĩnh, sáng suốt tìm cách đánh chắc thắng mà giữ được mình. Có như thế ta yếu mới thắng được địch mạnh, giành được thắng lợi mà vẫn còn người để kiến thiết đất nước, kiến thiết lại quê mình". 

Chiến thắng Đồng Bằng tạo điều kiện cho dân trở về, gia đình Bái đoàn tụ, lực lượng du kích lớn mạnh, phong trào kháng chiến dâng cao. 

Cùng với miêu tả sự trưởng thành của quân chủ lực và du kích địa phương, tác giả Trần Cao Đàm còn dựng lên được bức tranh toàn cảnh của công trường mở đường 13A và không khí phấn khởi, lạc quan trong những ngày bộ đội, dân công hành quân qua bến Âu Lâu, tiến vào giải phóng Điện Biên Phủ. 

Bến Âu Lâu không chỉ là bến đò nữa mà trở thành bến phà đông vui, đầu mối giao thông chi viện cho chiến trường. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, Âu Lâu trở thành bến lửa "Trong lửa đạn, Âu Lâu cũng rạng lên màu lửa từ nguồn nóng riêng. Lửa đó đỏ rực từ trái tim mình, những người không cam sống nhục. Họ bám lấy quê hương như cây rừng bám đất. Tiếp nối tiếp, phà sang sông. Đò càng tới tấp. Thêm người buông tay cuốc chuyển sang bơi đò. Đò còn đi lập thêm bến trên, bến dưới. Bom phá đường, bao tay cuốc tay xẻng lao vào khói bom, san lấp". 

Có thể thấy ở tiểu thuyết "Âu Lâu bến lửa" hiện lên hình ảnh gia đình Bái thật tiêu biểu cho một gia đình yêu nước, dày dạn và trưởng thành trong kháng chiến. Tác phẩm cũng khắc họa được từng chặng đường kháng chiến gian nan thông qua vai trò lãnh đạo của Chủ tịch xã Bùi, qua sự trưởng thành của tiểu đội du kích từ lúc ít người, thiếu thốn mọi thứ đến lúc trở thành một đội du kích mạnh đủ khả năng phối hợp với bộ đội chủ lực đánh giặc bảo vệ dân làng. 

Và hình ảnh Thái, Thân, Khánh trưởng thành trong quân đội, cậu Ngoạn từ lái đò ngang trở thành người thợ lái phà trên bến Âu Lâu, bà mế trên rừng cưu mang hai đứa con của Bái bị lạc, anh Kiểu chuyên việc hậu cần cho anh em thuyền phà ăn đêm, ông Thực dỡ chuồng trâu nhà mình đi lấp hố bom để thông xe, cùng với bà con Âu Lâu không tiếc gì công sức, máu xương phục vụ chiến dịch... 

Tất cả như hòa chung vào ngày hội non sông cùng với bộ đội, dân công đổ vào chiến trường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Ngày đoàn quân chiến thắng trở về trong khúc hát Hành quân xa "Đoàn quân mũ nan, bụi bặm đường xa, hùng dũng, tươi vui, mắt long lanh tay vẫy chào người, chào bến phà gian lao, anh dũng".

Đọc hai cuốn tiểu thuyết, bến Âu Lâu một thời máu lửa như được khắc họa sâu thêm qua ngòi bút Trần Cao Đàm. Giúp ta thêm tự hào về truyền thống đánh giặc cứu nước của quê hương, để được sống lại không khí hào hùng ngày ấy "Phố Âu Lâu như bừng tỉnh. Dân ta reo hò. Dân ta cầm tay nhau, ôm lấy nhau mà sung sướng. Vui mừng mà mọi người cười reo ra nước mắt". 

Thế Quynh

Các tin khác
Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục