Người “giữ lửa” tình yêu với sách

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/4/2015 | 4:41:31 PM

YênBái - YBĐT - Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo viên Văn, yêu sách và ham mê đọc sách, rời bục giảng trở về với cuộc sống đời thường, niềm đam mê đọc sách của cô giáo Lưu Thị Nguyệt Minh ngày nào càng lớn dần lên theo năm tháng, theo số lượng đầu sách mà cô và chồng sưu tầm. Chính từ tình yêu và đam mê sách, cô và gia đình đã lập nên thư viện sách miễn phí mang tên Minh Ân.

Ban đầu, thư viện chỉ có 2 cái bàn và mấy cái ghế nhựa cùng 500 cuốn sách, đến nay đã đầy lên khoảng 13.000 cuốn sách với đầy đủ các đầu sách như: pháp luật, văn học, truyện cho thiếu nhi.
Ban đầu, thư viện chỉ có 2 cái bàn và mấy cái ghế nhựa cùng 500 cuốn sách, đến nay đã đầy lên khoảng 13.000 cuốn sách với đầy đủ các đầu sách như: pháp luật, văn học, truyện cho thiếu nhi.

Với tấm lòng thương yêu con trẻ, bà giáo Lưu Thị Nguyệt Minh luôn thấy không yên lòng khi trẻ em do thiếu sân chơi nên thường xuyên đá bóng dưới lòng đường hay mải mê với những trò chơi điện tử trên mạng. Cùng với suy nghĩ đó, bà nhận thấy nhiều người ham đọc nhưng thiếu thời gian, hay chưa đủ điều kiện để mua những cuốn sách mình yêu  thích, ý định thành lập một thư viện miễn phí để có chỗ cho các em nhỏ và người dân vừa có một nơi sinh hoạt lành mạnh vừa nâng cao kiến thức đã thôi thúc bà.

Ban đầu ý tưởng đó không được gia đình đồng thuận, qua thời gian mọi người trong gia đình, nhất là ông Minh chồng bà nhận thấy những điều tốt đẹp mà thư viện của bà đem đến cho mọi người, ông không những ủng hộ mà còn động viên, giúp bà để bà yên tâm dốc tâm sức làm điều mà mình mong muốn. Ấp ủ về một thư viện miễn phí đến tháng 10/2009 mới thành hiện thực. Tháng 4/2010, thư viện gia đình bà chính thức được UBND thành phố Yên Bái công nhận. Từ đó đến nay, địa chỉ số nhà 18, phố Ngô Gia Tự, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã trở thành thư viện sách miễn phí có tên Thư viện Minh Ân (tên ghép giữa bà Minh với ông Ân - chồng bà).

Bà Minh chia sẻ: “Thấy các cháu thiếu nhi không có chỗ chơi, có cháu mải mê chơi điện tử, học hành sa sút, đang ngoan trở thành hư, có cháu trốn học, nhịn ăn sáng để lấy tiền chơi điện tử..., vợ chồng tôi quyết tâm mở phòng đọc sách miễn phí, tạo cho các cháu có chỗ vui chơi lành mạnh, tu bổ thêm kiến thức...”.

Song để thực hiện tâm nguyện cũng không phải dễ dàng gì. Để có được nhiều đầu sách như ngày hôm nay, bà đã rút tiền tiết kiệm, vốn được chắt chiu từ những đồng lương hưu, từ chăn nuôi, tăng gia của gia đình. Ban đầu bỏ ra 13 triệu đồng để mua mấy chục bộ sách thiếu nhi về phục vụ trẻ em.

Để tránh cho các cháu không phải đọc những cuốn có nội dung không lành mạnh, bà nhờ cán bộ Phòng Văn hoá thành phố thẩm định lại nội dung. Ban đầu, thư viện chỉ có 2 cái bàn và mấy cái ghế nhựa cùng 500 cuốn sách, đến nay đã đầy lên khoảng 13.000 cuốn sách với đầy đủ các đầu sách như: pháp luật, văn học, truyện cho thiếu nhi. Các đầu sách được sắp xếp khoa học theo từng lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của từng độc giả. Trẻ em đến với thư viện Minh Ân ngày càng đông. Với các em, việc được đọc và học những điều hay qua trang sách tại thư viện bà Minh đã trở nên quen thuộc. Thư viện của bà ngày càng đông hơn, người trẻ, người già lui tới thường xuyên. Với những người không có thời gian, bà cho mượn sách về nhà. Rồi lại có cả những độc giả đem sách cũ đến tặng lại thư viện.

Nhận thấy lợi ích từ phòng đọc miễn phí, thư viện gia đình bà Minh được UBND thành phố Yên Bái quan tâm và ủng hộ, Thư viện tỉnh cũng giúp đỡ về chuyên môn và một số đầu sách.

Ngoài việc mở thư viện đọc sách miễn phí cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, bà Minh còn tích cực tham gia công tác từ thiện. Hàng năm, vào thời điểm khai giảng năm học mới, bà cùng gia đình vận động, quyên góp các tổ chức, cá  nhân, người thân... ủng hộ sách giáo khoa, vở, quần, áo... tặng các cháu học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, các cháu tàn tật, mồ côi, không nơi nương tựa.

Việc làm, tấm lòng từ tâm của ông, bà đã được đền đáp bằng những sự động viên của các cấp chính quyền, người dân, nhất là các cháu học sinh. Em Nguyễn Khánh Vân - học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Yên Bái cho biết: “Ngoài giờ học, em và các bạn cùng lớp thường xuyên đến đây đọc sách, ở đây có rất nhiều thể loại cho em lựa chọn. Bà Minh rất nhiệt tình. Bên cạnh việc hướng dẫn chúng em đọc loại sách nào cho phù hợp với lứa tuổi của mình, bà Minh còn dạy bảo chúng em những điều hay lẽ phải để chúng em trưởng thành hơn, Đến đây, em có được những giây phút giải trí và gặp được nhiều bạn mới”.

Bà Trần Thị Cẩm Lan - tổ phó tổ nhân dân 57, phố Ngô Gia Tự, phường Đồng Tâm cũng chia sẻ: “Khu phố chúng tôi rất vui mừng, tự hào vì có thư viện miễn phí của bà Minh. Tôi nghĩ việc làm của bà Minh cần được ủng hộ và nhân rộng. Theo tôi biết thì cả tỉnh Yên Bái chắc mới chỉ có bà Minh làm được việc này”.

Niềm đam mê sách và lòng từ tâm của bà Minh được hiện diện qua cuốn sách “Những người giữ lửa tình yêu với sách” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản. Năm 2010, gia đình bà dự thi Tủ sách gia đình toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt giải ba. Thư viện đọc sách miễn phí Minh Ân được tặng bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Khuyến học, khuyến tài” giai đoạn 2009 – 2012.

Qua những việc làm từ tâm, giàu lòng nhân ái của mình, năm 2012 gia đình bà Minh vinh dự được tỉnh Yên Bái bầu chọn là gia đình văn hoá tiêu biểu đi dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” toàn quốc tại Hà Nội và được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhiều danh hiệu, bằng khen của các cấp, các ngành.

Ngọn lửa tình yêu với sách và niềm nhiệt huyết của bà giáo Lưu Thị Nguyệt Minh đã giúp người với người gần lại với nhau qua nhịp cầu tri thức và qau đó cũng dùng tri thức làm giàu thêm những giá trị nhân văn cao cả, vốn đang rất cần giữa những nhộn nhịp, xô bồ của cuộc sống hiện đại.

Hải Hà

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục