Người giữ “hồn” văn hóa Tày vùng Đông hồ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/5/2016 | 10:24:36 AM

YBĐT - Trong số 600 nghệ nhân dân gian trên khắp cả nước được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" vào cuối năm 2015, tỉnh Yên Bái vinh dự có 10 nghệ nhân dân gian được phong tặng danh hiệu cao quý này. Nghệ nhân Hoàng Tương Lai - người giữ hồn văn hóa Tày vùng Đông Hồ (Yên Bình) là một trong số đó.

Nghệ nhân Hoàng Tương Lai truyền dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Hoàng Tương Lai truyền dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ.

Có thể gọi Hoàng Tương Lai là một nhà văn, bởi ông đã có tới hơn chục đầu sách được xuất bản với nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện ký, thơ, sưu tầm dịch thuật… và nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) của trung ương và địa phương; cũng có thể gọi Hoàng Tương Lai là nghệ nhân dân ca Tày bởi ông rất am hiểu và hát được nhiều làn điệu dân ca dân tộc mình như Then, Coọi, Khảm hải, Quan làng, Phong slư… và đã giành không ít giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi dân ca từ huyện, tỉnh đến toàn quốc.

Nhưng dù ở cương vị nào thì Hoàng Tương Lai cũng là một người hết lòng yêu quê hương và luôn trăn trở phải làm thế nào để gìn giữ và phát huy được vốn tinh hoa văn hóa dân tộc mình trong đời sống mới, để bà con dân tộc Tày vùng sông Chảy - Đông hồ có tiếng nói riêng đậm nét trong dòng chảy văn hóa các dân tộc.

Hoàng Tương Lai sinh ra và lớn lên nơi vùng quê sơn thủy hữu tình, giàu bản sắc văn hóa bên tả ngạn con sông Chảy hiền hòa; nơi sinh sống, quần tụ bao đời nay của cộng đồng dân tộc Tày với nhiều nét đặc trưng còn lưu giữ; được đắm mình trong những điệu Khắp, Coọi, Phong slư, Khảm hải… của mẹ từ thuở ấu thơ.

Một điều may mắn nữa là Hoàng Tương Lai được thừa hưởng máu văn chương từ cha - cố nhà văn Hoàng Hạc (nhà văn đầu tiên của đất Hoàng Liên Sơn đã có công lớn đặt nền móng gây dựng Hội Văn học nghệ thuật( VHNT) Yên Bái). Tất cả những yếu tố đó đã vun đắp trong tâm hồn Hoàng Tương Lai từ thuở thơ bé một tình yêu cháy bỏng với hồn văn hóa dân tộc Tày và niềm đam mê những trang viết cứ tự nhiên thấm sâu vào cơ thể ông như ngọn lửa âm ỉ cháy.

Để rồi, sau thành công của tác phẩm đầu tay - tập truyện ký “Những ngày chiến đấu ở cánh đồng Chum” được giải Khuyến khích trong cuộc thi viết về “Những kỷ niệm sâu sắc về tình hữu nghị Việt - Lào” do Hội Nhà văn Việt Nam và đại sứ quán hai nước tổ chức, từ đây Hoàng Tương Lai dần bước vào con đường văn chương và càng viết ông càng say.

Thành công nhỏ bước đầu như luồng gió mát lành thổi bùng lên ngọn lửa đam mê văn hóa dân gian Tày sẵn có và đam mê văn chương người cha truyền lại, để từ đó trang viết nào của Hoàng Tương Lai cũng thấm đẫm những mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Đến nay, ông đã có hơn chục đầu sách được xuất bản như: “Cây sẹt trổ hoa” - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc 2006; “Chõ xôi trưa ấy” - tập truyện ký Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc 2000; tập truyện ngắn “Quà quê núi”; tập truyện thiếu nhi miền núi “Cô Ve sầu cho ruột”; “Sông Chảy, những nét hoa văn” - ghi lại những nét đẹp văn hóa dân tộc Tày; “Bảy vía”- tuyển tập thơ…

Ông hiện là hội viên Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; đồng thời, còn là một cộng tác viên rất tích cực của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh với các bài viết về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trong vùng.

Không chỉ gìn giữ, lưu truyền vốn văn hoá dân tộc qua những trang viết, bản thân Hoàng Tương Lai còn là một “quan làng” rất có uy tín. “Quan làng” là người được nhà trai tin tưởng, nhờ cậy đi đón dâu nên để đối đáp với nhà gái suôn sẻ, thuận tai thì “quan làng” phải là người nhanh nhẹn, hoạt bát trong ứng khẩu; có chất giọng tốt, am hiểu phong tục tập quán. Không phải ai cũng có thể làm “quan làng” nhưng Hoàng Tương Lai thì luôn nhận được vinh dự ấy. Cũng bởi một lẽ ông yêu đến say mê những làn điệu dân ca của dân tộc mình và thể hiện chúng bằng cả tâm hồn, tình yêu.

Cũng nhờ chất giọng tốt và thể hiện rất có hồn các làn điệu dân tộc nên Hoàng Tương Lai đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan dân ca. Năm 2007, ông đã giành giải C tại Liên hoan dân ca toàn quốc với tiết mục “Khảm hải”; giải B với bài Then “Roọng khoăn” tại Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc. Ông cũng đã giành huy chương tại các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh và được ghi nhận là “nghệ nhân dân gian”.

Nhưng với Hoàng Tương Lai, không giải thưởng nào ý nghĩa bằng việc được hát, được làm sống lại những làn điệu dân ca thấm đẫm hồn dân tộc mình ngay trên chính mảnh đất quê hương. Bởi là một người gắn bó máu thịt với quê hương; được quê hương, gia đình bồi đắp cho một tâm hồn biết yêu thương nên hơn ai hết, Hoàng Tương Lai thấu hiểu sâu sắc rằng: “Phải biết nhớ về cội nguồn mình sinh ra, lớn lên và hơn nữa là biết trân trọng, gìn giữ nó”.

Chính ý nghĩ ấy, đã giúp Hoàng Tương Lai cùng các nghệ nhân cao tuổi xã Xuân Lai (Yên Bình) thành lập và duy trì “Câu lạc bộ dân ca” để khơi dậy trong lớp trẻ niềm đam mê văn hóa dân tộc mình. Nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo của Hoàng Tương Lai và các cụ cao niên, nhiều bạn trẻ đã dần quay lại với dân ca quê mình. Tuy còn ngượng nghịu trong lời ca, tiếng hát, trong cách thể hiện nhưng sự cố gắng đó là một điều rất đáng mừng trong việc gìn giữ, lưu truyền vốn văn hóa quý báu của dân tộc.

Ngày ngày, nghệ nhân Hoàng Tương Lai vẫn lặng lẽ, cần mẫn tìm đến với các cụ cao niên để ghi lại những tinh hoa văn hóa dân tộc mình rồi đưa lên trang viết, truyền dạy lại cho lớp trẻ với mong muốn những nét đẹp ấy sẽ luôn toả sáng và có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của bà con nơi quê núi thân thương. Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao tấm lòng sâu nặng của Hoàng Tương Lai.

Tin rằng, những việc làm của ông không chỉ góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào Tày vùng sông Chảy - Đông Hồ mà còn đánh thức nhiều tấm lòng cùng chung tay làm cho nét đẹp ấy có một tiếng nói và vị trí vững chắc trong dòng chảy văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Anh Thư (Đài PT - TH tỉnh)

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục