Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961- 10/8/2016)

Nỗ lực vượt lên nỗi đau da cam

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2016 | 8:28:28 AM

YBĐT - Là người nhiễm CĐDC, mất 81% sức khỏe, nhưng ông Dũng không cam chịu số phận, hàng ngày, ông vẫn chăm sóc 8.000 m vuông chè, chăn nuôi lợn, gà, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình...

Bà Nguyễn Thị Tâm, chăm sóc chồng khi bệnh tật tái phát.
Bà Nguyễn Thị Tâm, chăm sóc chồng khi bệnh tật tái phát.

>>Nỗi đau da cam - "cuộc chiến" chưa bao giờ kết thúc

"Là người có công với cách mạng, là tấm gương sáng trong cộng đồng và xã hội, luôn nỗ lực vượt qua bệnh tật tích cực phát triển kinh tế…”. Đó là lời nhận xét của đồng chí Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn về ông Phạm Tiến Dũng, trú tại tổ dân phố 5A của thị trấn, người bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

ông Phạm Tiến Dũng là con cả trong một gia đình có 3 anh em ở xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tháng 7/1968, khi vừa tròn 18 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Dũng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Được biên chế vào đơn vị đặc công thuộc Đại đội C22, Tiểu đoàn D8, Trung đoàn 61 thuộc Sư đoàn 355, đóng quân ở Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Sau thời gian huấn luyện, đầu năm 1970, ông Dũng nhận lệnh điều động vào chiến trường miền Nam, và trực tiếp tham gia chiến đấu với nhiệm vụ chính là đặt mìn, thuốc nổ, đặt bom xe, đánh phục kích… ở Đà Nẵng.

Ông Dũng nhớ lại: “Thời điểm đó, hàng ngày tại sân bay thường có trên 100 máy bay các loại và trên 200 giặc lái, nhân viên kỹ thuật, sỹ quan cao cấp hoạt động. Cấp trên lệnh cho Đại đội tìm mọi cách để tiếp cận để vừa đánh sân bay,  tiêu diệt địch và phá hỏng phương tiện".

"Thời gian chiến đấu ở Đà Nẵng, tôi còn tham gia nhiều trận đánh tại sân bay Nước Mặn, kho xăng Liên Chiểu… và bị thương cùng 3 đồng chí khác trong một lần tác chiến theo nhóm tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Tôi được chuyển về điều trị tại Hà Tây, đến tháng 10/1977, được ra quân. Sau hơn 4 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi bị nhiễm CĐDC tại Đà Nẵng, bản thân được tặng thưởng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang…” - ông Dũng kể.

Về với địa phương, năm 1977, Nhà nước có cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới, ông Dũng cùng nhiều người của thôn, xã lên Yên Bái, vào làm công nhân ở Công ty Chè Nghĩa Lộ. Năm 1978, ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Tâm, người cùng huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Rồi 3 đứa con 1 gái, 2 trai lần lượt ra đời, nhưng cả 3 người con đều bị nhiễm CĐDC từ cha. Con gái cả Phạm Thị Hoài, bị bệnh tim từ nhỏ, con trai thứ hai  Phạm Ngọc Quỳnh và con trai út là Phạm Ngọc Quyền, đều thường xuyên bị đau đầu, mất trí nhớ. Cuộc sống gia đình có thời điểm vô cùng khó khăn, nhiều khi phải ăn ngô, sắn cho qua ngày.

Vợ chồng ông ngoài thời gian làm việc ở Công ty, về nhà lại tích cực chăn nuôi lợn, gà, trồng rau để cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày. Nhưng do bệnh tật thường xuyên tái phát, đau đầu, tức ngực và đau toàn cơ thể khi trái gió trở trời, tháng 12/1995, sau hơn 18 năm gắn bó với Công ty Chè Nghĩa Lộ, ông đành phải về nghỉ, hưởng chế độ chi trả một lần.

Là người nhiễm CĐDC, mất 81% sức khỏe, nhưng ông Dũng không cam chịu số phận, hàng ngày, ông vẫn chăm sóc 8.000 m2 chè, chăn nuôi lợn, gà, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình. Tiền dành dụm, vợ chồng ông nuôi 3 người con học hết THPT.

Không thuộc diện hộ nghèo của thị trấn, nhưng ông Dũng vẫn sống ở căn nhà mái cọ. Năm 2014, gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ. Cùng với vốn liếng tiết kiệm và sự hỗ trợ giúp đỡ của anh em, làng xóm, ông đã hoàn thành ngôi nhà mái bằng rộng trên 100 m2 khang trang.

Bà Nguyễn Thị Tâm, vợ ông tâm sự: “Ông ấy được hưởng chế độ của nạn nhân CĐDC trên 3 triệu đồng/tháng, lương hưu của tôi gần 3 triệu đồng/tháng. Mấy năm trước đây còn hăng hái trồng trọt, chăn nuôi, chứ mấy năm gần đây, ông ấy đau ốm luôn, tiền thuốc men cũng tốn kém lắm. Được cái ốm đau là cứ cắn răng chịu đựng, không kêu than, to tiếng bao giờ. Gia đình cũng thường xuyên được cấp ủy, chính quyền địa phương đến động viên, thăm hỏi, tặng quà, tình nghĩa lắm…”.

Luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ với địa phương, được nhân dân nơi cư trú tin yêu, kính trọng ông Phạm Tiến Dũng xứng đáng là tấm gương khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống để mọi người học tập noi theo.

Thái Hưng

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục