Triệu phú trẻ ở làng nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/8/2016 | 3:59:51 PM

YênBái - YBĐT - Tại thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên, anh Vũ Thanh Tùng nổi tiếng với biệt danh “Triệu phú ở làng nghèo” bởi ý chí vượt khó trở thành ông chủ một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn.

Trang trại gà cho hiệu quả kinh tế cao của anh Vũ Thanh Tùng.
Trang trại gà cho hiệu quả kinh tế cao của anh Vũ Thanh Tùng.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo khó, từ thuở bé anh Tùng luôn nung nấu trong mình suy nghĩ phải làm sao để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Mới hơn 30 tuổi nhưng so với làng quê còn nhiều khó khăn này khi có trong tay trang trại gần 20.000 m2 lúc nào cũng có hàng nghìn con gà, hàng trăm con ngan và hàng chục con lợn thịt, số lãi thu về hàng năm khoảng gần 500 triệu đồng như anh Tùng quả là sự mong ước của bà con làng trên xóm dưới. Theo anh Tùng, để có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân anh và gia đình đã phải bươn chải vật lộn với nhiều ngành, nghề và cũng đã không ít lần thất bại gần như tay trắng.

Năm 2003, ngay sau khi học hết cấp ba, trong tay không một đồng vốn, Vũ Thanh Tùng không theo học chuyên nghiệp mà quyết định đi làm ăn xa mong muốn tích cóp một số tiền nhất định rồi trở về quê hương lập nghiệp. Ở nơi đất khách quê người, để có tiền, ai thuê gì anh làm nấy, đủ thứ nghề từ học rồi sửa chữa điện lạnh, lái xe ô tô, đi đóng gạch thuê…

Tuy nhiên, những công việc này cũng chỉ giúp anh đủ để trang trải cuộc sống những ngày xa quê vất vả. Trong lúc khó khăn nhất, con đường phía trước chưa biết đi hướng nào thì năm 2011, Dự án Đường cao tốc Nội  Bài - Lào Cai đi qua địa bàn xã Y Can được mở ra. Gia đình anh Tùng được bồi thường số tiền gần 100 triệu đồng - số tiền quá lớn mà anh chưa bao giờ có trong tay. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở đồng thời lên mạng Internet tìm hiểu thêm các mô hình phát triển kinh tế để Tùng quyết định phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Bước đầu khởi nghiệp vơi rất nhiều khó khăn, anh Tùng chia sẻ: “Sau khi dành tiền mua đất làm trang trại tôi tìm hiểu được một địa chỉ cung cấp gà giống trên mạng Internet tại tỉnh Bình Định và mua về 1.000 con gà giống. Những tưởng sẽ thuận lợi vì ban đầu nhập được con giống tốt lại được chuyển giao kỹ lưỡng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hiện đại, nhưng năm 2011, cũng là năm dịch cúm gia cầm bùng phát, thị trường gia cầm ế ẩm. Bài toán khó nữa đặt ra là biết tiêu thụ gà ở đâu? Tìm mối nào bên thị trấn hay thành phố họ cũng e ngại và trả giá quá thấp không đủ chi phí”.

Và rồi, loay hoay tìm đầu ra cho chăn nuôi, anh Tùng đã đánh liều cùng bố chở từng xe gà về các chợ đầu mối lớn như Hà Vỹ (Hà Tây), Nam Thăng Long, Long Biên (Hà Nội) … tiêu thụ. Sau nhiều lần đi lại bán lẻ, lang thang nhiều nơi anh Tùng đã chọn chợ Hà Vỹ (Hà Tây) là đầu mối để bán hàng lâu dài, gây dựng thương hiệu vì anh cho rằng ở đây có nhiều mối tiêu thụ lớn.

Đầu ra cho sản phẩm gà sạch đã có chỗ tiêu thụ lâu dài, những ngày khó khăn cũng qua đi, đến nay, gia đình anh Tùng đã gây dựng cho mình một thương hiệu cung cấp gà uy tín, chất lượng. Từ thành công ban đầu cùng với khát vọng tuổi trẻ anh Tùng tiếp tục đầu tư thêm hàng chục triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngan và lợn. Để thuận lợi trong việc chăn nuôi anh còn đăng ký làm đại lý cấp I vừa bảo đảm nguồn thức ăn chăn nuôi trong trang trại vừa cung cấp thức ăn chăn nuôi cho bà con trên địa bàn toàn xã. Ngoài doanh thu từ nuôi gà, hàng năm, anh còn xuất ra gần 1.400 con ngan và hàng chục con lợn thịt, thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi.

Nhìn đàn gà đang độ xuất chuồng, lông óng mượt chạy quanh trang trại, anh Tùng tâm sự: “Nhờ làm tốt công tác phòng bệnh mà nhiều năm nay trang trại của mình không có dịch bệnh, gà xuất chuồng luôn được các thương lái khen vì đẹp mã, thịt ngon. Kết quả đó chính là công mày mò, tìm hiểu khoa học kỹ thuật, áp dụng đúng, đầy đủ quy trình chăn nuôi hiện đại”.

Theo anh Tùng, quy trình chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh từ nguồn nước, thức ăn cho tới chuồng trại. Theo đó, nước cho trang trại được cấp từ một giếng đào riêng biệt, chuyên để phục vụ chăn nuôi. Đặc biệt, chuồng trại cứ 5 ngày phun khử trùng một lần, 5 đến 10 ngày rải men xử lý phân gà 1 lần, tiến hành tiêm vắc - xin đầy đủ và áp dụng đúng quy trình trước khi xuất chuồng. Thêm vào đó, thức ăn phải lựa chọn nguồn cám sạch, không tồn tại chất cấm khách hàng mới tin dùng. Vì thế mà gia súc, gia cầm tại trang trại xuất bán luôn bảo đảm sạch, an toàn.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tùng còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương, luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên và bà con địa phương trong phát triển chăn nuôi. Anh Trần Tiến Quân - Bí thư Đoàn xã Y Can cho biết: “Không chỉ năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên phát động, đoàn viên Vũ Thanh Tùng còn là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế cho các đoàn viên thanh niên trong xã học tập noi theo”.

Từ một gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương, với ý chí, nghị lực vươn lên của một người trẻ, đoàn viên Vũ Thanh Tùng đã trở thành triệu phú nơi quê nghèo Y Can. Điều đặc biệt hơn, anh đã trở thành triệu phú trong lòng chính bà con thôn xóm, là tấm gương để mọi người nghĩ đến mỗi khi gặp khó khăn trong phát triển kinh tế.

Thu Hiền - Huyền Thương

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục