Bí thư chi bộ 9X ở Nả Háng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/2/2021 | 4:31:58 PM

YênBái - Nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, Nả Háng - bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Chế Tạo, Mù Cang Chải, cách trung tâm xã gần 20 km đường mòn dốc, núi đá với 31 hộ dân, 158 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Mông. Ở nơi khó khăn ấy, trong số những người con trưởng thành, có kiến thức, có chí hướng và nhiệt huyết mang lại những đổi thay cho quê hương phải kể đến là Bí thư Chi bộ thế hệ 9X Sùng A Cớ.

Bí thư Chi bộ Sùng A Cớ (bên phải) cùng thanh niên trong bản góp sức làm đường.
Bí thư Chi bộ Sùng A Cớ (bên phải) cùng thanh niên trong bản góp sức làm đường.

Gặp Sùng A Cớ, tôi khá bất ngờ trước chàng thanh niên sinh năm 1992 với khuôn mặt rắn rỏi, làn da rám nắng, đặc biệt là ánh mắt sáng đầy tự tin. Được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn, trải qua nhiều công việc khác nhau, và rồi anh được cấp ủy, tin tưởng, tín nhiệm giao trọng trách Bí thư Chi bộ khi mới 27 tuổi. 

Sùng A Cớ chia sẻ: "Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán, hệ Cao đẳng của Trường Đại học Tây Bắc, tỉnh Sơn La, tôi về làm cấp dưỡng tại một trường học ở xã Dế Xu Phình khoảng 1 năm rồi may mắn được nhận vào là 1 trong 5 thành viên của Tổ tuần tra Bảo vệ rừng - Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải và gắn bó với công việc này cho đến tận bây giờ. Năm 2015, tôi trúng cử đại biểu HĐND xã, đến năm 2017, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và năm 2019, tôi chính thức đảm nhận chức Bí thư Chi bộ”. 

Có lẽ, chính bản tính cần cù, không ngừng học tập, sáng tạo, tận tụy trong công việc nên Sùng A Cớ được bà con trong bản nể trọng, yêu mến và tin tưởng. 

Nói về những nhọc nhằn của bà con Nả Háng không gì khó hơn là con đường vào bản. Bà con ở đây lại nói tiếng phổ thông rất hạn chế. Để có điện, dân bản tận dụng sức nước, 3 - 4 hộ chung nhau một máy phát mà điện cũng chỉ đủ thắp sáng và sạc pin điện thoại. Trẻ con đi học ở điểm trường bản kế bên cách xa tới 14 km, còn từ cấp tiểu học và THCS cách xa gần 20 km. Suốt cả quãng đường dài ấy, chỉ đoạn đường từ trung tâm xã đến bản Tà Dông và bản Chế Tạo đã được bê tông hóa, còn lại toàn bộ là đường mòn, dốc dựng đứng. 

Bí thư Chi bộ Nả Háng Sùng A Cớ tâm sự: "Ngay cả thanh niên trai tráng đi xe máy trên con đường vào bản ấy còn thấy quá đỗi vất vả. Đã có không ít người của bản chở theo lương thực, vật liệu xây dựng bị ngã xuống vực. May mà nhẹ thôi, chưa có thiệt hại về người”. 

Thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn đó, ngay sau khi nhận được trợ cấp tháng đầu tiên của chức danh Bí thư Chi bộ, Sùng A Cớ dành toàn bộ số tiền ít ỏi nhưng đầy tình cảm, trách nhiệm của mình để đóng góp vào quỹ huy động bà con chung sức làm đường. 9 đảng viên trong bản lần lượt tiên phong làm trước để bà con thấy làm theo, người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều. Tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn cùng sự ủng hộ nhiệt tình của bà con, tuy đoạn đường khó khăn còn rất dài, chưa liền mạch song đến nay, hơn 1 km các đoạn khó nhất lên bản đã được bê tông hóa trong niềm hân hoan, phấn khởi của đồng bào. 

Làm việc trong Tổ tuần tra Bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải chính là cơ hội và cũng là thách thức đối với Sùng A Cớ. Hàng tháng, anh cùng mọi người trong Tổ tuần tra đi rừng 2 lần, mỗi lần khoảng 5 ngày. 

Sống giữa rừng, yêu rừng, yêu Nả Háng, A Cớ càng nhận thức được trọng trách, nghĩa vụ lớn lao của mình phải bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Anh thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con kiên định bảo vệ rừng, tránh mọi tác động dù là nhỏ nhất đến rừng, không khai thác gỗ bừa bãi, săn bắt thú rừng… 

Được biết, độ tuổi trung bình ở Nả Háng đang dần trẻ hóa, có tới 60% thanh niên được đi học hết THPT. Do đó, trình độ nhận thức xã hội của thế hệ trẻ khá tốt. Sau khi lập gia đình, hầu hết thanh niên trong bản đều chăm chỉ làm ăn, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ sinh con thứ 3 rất thấp. 

Tháng 10/2020, Nả Háng đã thành lập mô hình "Bản không có đối tượng nghiện ma túy”. Thanh thiếu niên trong bản đã góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. 

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ tuyên truyền hiệu quả, người chết ở bản đã được cho vào quan tài, không còn để lâu trong nhà; tục cưới hỏi cũng rút gọn, đơn giản, tiết kiệm hơn. Nả Háng đã có 5 cây cầu gỗ bắc qua khe nhờ sự xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên trong bản… Hơn hết, tất thảy những đổi mới, tiến bộ ở bản đều có dấu ấn của Bí thư Chi bộ Sùng A Cớ năng động, quyết đoán và tận tâm.

"Để tìm được một Bí thư Chi bộ tuổi đời còn trẻ nhưng lại am hiểu địa bàn, nắm rõ tình hình quần chúng nhân dân, từng phong tục tập quán, thói quen của bà con bản địa lại được bà con tin tưởng, yêu quý lại nhiệt tình, năng nổ, tâm huyết như Sùng A Cớ không hề dễ dàng. Trong khi đó, không chỉ hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, Sùng A Cớ còn rất năng nổ tham gia các hoạt động của xã, của huyện. 

Bí thư Chi bộ 9X ấy từng giành giải Nhất Hội thi "Bí thư Chi bộ giỏi” năm 2019 cụm các xã khu 4” - Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải Giàng A Ly nhận định. Với những đóng góp tích cực cho quê hương, Sùng A Cớ thực sự xứng đáng là niềm tự hào của người dân Nả Háng và anh vẫn đang tiến bước đầy nhiệt huyết vì sự tiến bộ của đồng bào mình và đổi thay của quê hương.
Mai Linh

Tags Bí thư chi bộ Nả Háng Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục