Nguyễn Đức Khang- cựu chiến binh gương mẫu

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/6/2022 | 7:49:13 AM

YênBái - Đến thôn Mạ, xã Vĩnh kiên, huyện Yên Bình nhắc đến cựu chiến binh Nguyễn Đức Khang ai cũng biết, bởi ông không chỉ gương mẫu trong công việc của xã, của thôn mà còn luôn quan tâm giúp đỡ bà con hàng xóm.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Khang (ngoài cùng bên trái) giới thiệu xưởng chế biến gỗ của gia đình.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Khang (ngoài cùng bên trái) giới thiệu xưởng chế biến gỗ của gia đình.

Sinh ra và lớn lên tại vùng Đông hồ, huyện Yên Bình, sau cuộc chuyển dân để xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, gia đình ông Nguyễn Đức Khang chuyển về thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Năm 1979, theo tiếng gọi của Đảng cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ và đóng quân tại Trung đoàn 752, Sư đoàn 355 thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Sau thời gian huấn luyện, ông được giao nhiệm vụ tại Đại đội Thông tin rồi Đại đội Hỏa lực.

Sau 4 năm công tác trong quân đội, ông Khang được phục viên, trở về quê hương. Cũng như bao gia đình khác lúc bấy giờ, có bố mẹ già, con nhỏ nên dù đã rất cố gắng xoay xở đủ nghề từ làm ruộng, chăn nuôi, đến lái xe chở vật liệu xây dựng nhưng cũng chỉ đủ ăn. 

Sau nhiều đêm suy nghĩ và tìm hiểu thông tin, được biết Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ quản lý sử dụng, ông Khang bàn với gia đình và ra đảo hồ Thác Bà nhận đất trồng rừng. Không có vốn để thuê người nên ngay từ những ngày đầu ra đảo, ông tự tay phát cỏ, cuốc hố trồng cây. Mỗi năm một ít, khi cây chưa khép tán thì trồng xen sắn, ngô để có lương thực phục vụ chăn nuôi. 

Trong khi đàn gia súc, gia cầm ngày càng sinh sôi nảy nở thì 10 ha rừng của ông cũng xanh tốt, nhờ cách làm luân canh, gối vụ nên cứ  sau 7 - 8 năm, ông khai thác 2 - 3 ha, thu về 100 - 150 triệu đồng. Từ tiền bán gỗ rừng trồng, ông đầu tư trồng keo gối vụ và làm được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều vật dụng trong gia đình, đầu tư cho các con ăn học. 

Ông Khang tâm sự: "Là người lính đã trải qua môi trường quân ngũ, tôi luôn tâm niệm làm gì cũng phải kiên trì, làm kinh tế cũng vậy. Điều quan trọng là khi tìm được hướng đi thì phải tâm huyết với cái đã lựa chọn, từ đó quyết tâm thực hiện thì mới thành công”.

Giờ đây, các con đã trưởng thành, có vốn tích lũy, nhận thấy tiềm năng gỗ nguyên liệu của địa phương và các xã bạn rất dồi dào nhưng khi tiêu thụ không ổn định, năm 2014, ông Khang quyết định vay thêm vốn để đầu tư mua máy móc về mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, vốn đầu tư ít, ông Khang gặp không ít khó khăn. 

Với ý chí quyết tâm vừa tiếp tục học hỏi, vừa rút kinh nghiệm từ thực tế, đến nay xưởng gỗ của gia đình ông hoạt động khá hiệu quả, ván bóc sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông sản xuất và tiêu thụ 200 - 250m3 gỗ tròn, mang lại doanh thu trên 30 triệu đồng/tháng, thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 10 - 12 lao động với mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng /người/tháng và là cơ sở tích cực thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Từ hai bàn tay trắng, nhờ cần cù chịu khó học hỏi và quyết tâm vươn lên ông Khang đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi của xã Vĩnh Kiên.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Khang còn luôn là hội viên cựu chiến binh gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động của Hội; tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện nhân đạo, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ khó khăn với hội viên, nhân dân. Hộ nào thiếu vốn, ông cho vay không tính lãi để cùng phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, để góp sức cùng địa phương xây dựng xã Vĩnh Kiên đạt chuẩn nông thôn mới, từ năm 2017 đến nay, gia đình ông liên tục ủng hộ xã, thôn kinh phí để làm đường giao thông, tu sửa nhà văn hóa, làm đường điện thắp sáng… 

Bên cạnh đó, ông còn tiên phong cam kết với UBND xã vận động bà con bê tông hóa giao thông nông thôn và Chi hội Cựu chiến binh thôn ông đảm nhận tuyến đường tự quản. Nhờ sự đóng góp tích cực của gia đình ông Khang và bà con thôn Mạ nên hơn 10 km đường liên thôn, nội thôn hiện đã cơ bản được bê tông hóa. Hiện bà con tiếp tục nâng cấp mở rộng từ 3m - 5m, nối từ thôn Mạ đi thôn Thác Ông, dài 650m, trị giá trên 600 triệu đồng, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của gia đình ông Khang. 

Với những thành tích trong sản xuất kinh doanh và sự đóng góp tích cực trong các mặt hoạt động của thôn, của xã, nhiều năm liền ông Nguyễn Đức Khang vinh dự được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen và là một trong những cá nhân tiêu biểu của xã tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.    

Trần Ngọc

Tags Yên Bình cựu chiến binh chế biến gỗ xóa đói giảm nghèo giao thông nông thôn Nguyễn Đức Khang

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục