Người lái xe tăng trong phim Cô Nhíp

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/5/2013 | 9:31:22 AM

YBĐT - Sau chiến thắng 30/4/1975, một bộ phim truyện nhựa kể về Nguyễn Trung Kiên - nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn, tên thường gọi là cô Nhíp đã dẫn đường cho xe tăng và bộ đội ta tiến đánh sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy Sài Gòn.

Hình ảnh chiến dịch mùa xuân năm 1975 và cánh đồng phim “Cô Nhíp” vẫn lưu mãi trong nhà thơ Ngọc Chấn.
Hình ảnh chiến dịch mùa xuân năm 1975 và cánh đồng phim “Cô Nhíp” vẫn lưu mãi trong nhà thơ Ngọc Chấn.

Hình ảnh nữ chiến sĩ biệt động xinh xắn, đầu đội mũ tai bèo, vai khoác súng AK47 ngồi trên xe tăng quân giải phóng, dẫn đường cho chiến sĩ lái xe tiến vào thành phố; những trận đánh ác liệt; những ổ đề kháng tuyệt vọng của lính ngụy trên đường hành tiến của đoàn quân; những chiến sĩ giải phóng bất ngờ hi sinh trước giờ giải phóng và hình ảnh người chiến sĩ lái xe tăng, nụ cười của cô Nhíp, nữ biệt động Sài Gòn ra hiệu dừng xe, chỉ tay về phía khu nhà Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, trước lúc chia tay đi nhận nhiệm vụ mới như còn lưu dấu trong ánh mắt người chiến sĩ lái xe tăng cũng như trong lòng mỗi khán giả đã xem bộ phim này.

Có lẽ ít ai nghĩ rằng một trong số những người lái xe chở cô Nhíp trong phim là một sĩ quan tăng thiết giáp đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đó chính là thiếu úy lái xe tăng Nguyễn Ngọc Chấn, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Yên Bái.

Nhập ngũ tháng 5 năm 1972, Nguyễn Ngọc Chấn được biên chế vào E201, Binh chủng Tăng thiết giáp. Sau những ngày học và thực tập lái xe trên đất Vĩnh Yên rồi Xuân Mai (Sơn Tây), Lương Sơn (Hòa Bình), tháng 12 năm 1972, đơn vị của ông được điều động đi nhận những chiếc xe tăng T54 do Liên Xô viện trợ từ ga biên giới tỉnh Lạng Sơn. Những chiếc xe được các chiến sĩ lái đi theo quốc lộ 1 về Vĩnh Yên, qua phà Mía sông Hồng, sang đất Sơn Tây.

Từ đây, xe theo đường Hồ Chí Minh, vượt hàng nghìn km vào thẳng chiến trường. Ông còn nhớ mãi đêm vượt dốc ba tầng trên đèo Phu La Nhích, chiếc xe tăng đi đầu do vào cua tốc độ lớn đã lao thẳng xuống vực. Ông dừng xe mình lại, lấy đèn soi tìm đồng đội chỉ thấy vực sâu hun hút. Hôm sau, đơn vị phải mất nửa ngày mới xuống được chỗ chiếc tăng bị nạn.

Điều kì lạ, chiếc xe bị văng bay tháp pháo mà cả bốn chiến sĩ trên xe chỉ bị thương, được anh em đưa lên an toàn. Vậy là đơn vị đã mất chiếc xe đầu tiên khi chưa kịp xung trận. Đêm vượt đường số Chín, xe đang chạy bỗng thấy bừng ánh pháo sáng trên đầu. Chỉ huy vừa kịp lệnh cho chiến sĩ chốt chặt các cửa đã nghe những tiếng nổ chát chúa của đạn 20li máy bay C130 Mĩ bắn vào đội hình đơn vị. Rất may, đạn địch chỉ làm trầy xước bên ngoài, không có xe nào phải dừng lại.

Đơn vị tiếp tục hành quân qua nam Lào, đông Campuchia rồi vào tỉnh Lộc Ninh vừa được giải phóng. Tại đây, ông là thành viên của D21, Lữ đoàn M26 tăng thiết giáp trực thuộc Bộ Tư lệnh mặt trận Đông nam bộ. Trận đánh đầu tiên mà ông được tham gia là trận đánh Bàu Bông, Kiến Đức, mở hành lang cho trận giải phóng thị xã Phước Long, tháng 1 năm 1975. Tiếng gầm của động cơ xe cùng tiếng nổ của đạn pháo 100 xe tăng giải phóng làm khiếp đảm lũ giặc.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, hình ảnh về đồng đội hi sinh khi được đưa từ trong xe tăng bị cháy vẫn còn khắc đậm trong tâm trí ông. Đó là trận đánh tuyến chốt chặn của quân ngụy ở Xuân Lộc để ngăn bước tiến của quân ta vào giải phóng Sài Gòn từ ngày 9 đến 21/4/1975. Hàng chục chiếc xe T54 của D21 từ khu tập kết ở rừng Le đã tràn vào tuyến phòng ngự của địch. Nhưng với sự điên cuồng chống trả của đám lính cuồng loạn, 6 chiếc tăng của D21 đã bị bắn cháy.

Xót thương đồng đội, ông đã cùng các xe khác của lữ đoàn bất ngờ xuất kích phá vỡ tuyến phòng ngự của địch, tạo cơ hội cho bộ đội tiến công đánh tan bọn giặc ở phòng tuyến nơi đây, tiến vào chiếm giữ sân bay Biên Hòa cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông còn nhớ mình đã phải đạp côn, nhấn ga rồi bất ngờ nhả côn để chiếc xe chồm vượt qua chiến hào của bọn ngụy. Tuy nhiên ngay sau đó là động tác bẻ lái để tạo cơ hội cho pháo thủ tiêu diệt hỏa điểm của địch, tạo an toàn cho đồng đội và cả xe mình tiếp tục cuộc hành quân.

Việc bất ngờ được tham gia đóng phim là theo sự phân công của cấp trên, vì D21, M26 được đề nghị phong đơn vị anh hùng. Làm theo yêu cầu của kịch bản, đạo diễn phim, quả thật, ông cũng không có thời gian ngắm nhìn cô biệt động - diễn viên xinh đẹp. Bởi lúc đó còn tập trung vào việc lái tăng - một cỗ máy nặng bốn năm chục tấn, lại phải chạy, bắn, lách vượt như đang trong trận chiến.

Cỗ xe và những trận đánh thực thụ thu hút hết trí lực của ông. Và ông cũng chỉ là lái chính đoạn phim quay trận đánh chiếm sân bay Biên Hòa. Còn trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân ngụy do chiến sĩ khác lái. Chỉ đến khi ngồi xem bộ phim ông mới thấy chiếc xe tăng mới là diễn viên, còn anh lái lại rất nhòa mờ nhưng đó là kỉ niệm ghi dấu ấn đậm nét về những ngày làm lính tăng thiết giáp của ông.

Sau làm phim, ông được đi học khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Năm 1981 ra trường, ông thành phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn, rồi Trưởng phòng biên tập Văn nghệ của Đài, Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái và bây giờ là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái. Dẫu bao năm tháng đã qua, song những giây phút cùng chiếc xe tăng trong phim ngày ấy vẫn mãi như một kỉ niệm đẹp về cuộc đời lính tăng thiết giáp của ông.

Hoài Văn

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục