Nơi yêu thương đong đầy và hạnh phúc nở hoa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2022 | 7:40:40 AM

YênBái - Cuộc sống nhiều lúc cho đi không nhất thiết phải nhận lại những thứ có giá trị tương đương mà để nhận lại thứ còn quý giá hơn vật chất thông thường, đó là nụ cười, là niềm hạnh phúc, niềm tin… Quan điểm ấy được biết bao nhiêu thế hệ thầy cô giáo thực hiện tại các trường học vùng cao của Yên Bái, để mỗi ngôi trường ấy trở thành nơi yêu thương đong đầy và hạnh phúc nở hoa.

Giờ học của thầy và trò lớp 2A2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Hồ Bốn.
Giờ học của thầy và trò lớp 2A2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Hồ Bốn.

Một ngày của những học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bắt đầu bởi tiếng kẻng lúc 5 giờ sáng. Không ai bảo ai, những đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 9 đang ở nội trú trong trường dậy, gấp chăn màn gọn gàng, tay cầm bàn chải đánh răng, lần lượt xếp hàng vệ sinh cá nhân một cách trật tự và thuần thục. Nhìn tác phong quân đội của những đứa trẻ còn bé xíu thì chắc hẳn các thầy cô giáo đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để rèn giũa. 

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chỉ mới đầu năm học thôi, những đứa trẻ lớp 1 còn khóc như ri vì nhớ nhà, mới 6 tuổi đã phải xa gia đình, tự lập để đi học nhưng chỉ sau một tháng là đi vào nề nếp. Các thầy cô ở đây ngoài trao truyền kiến thức, ai cũng là những huấn luyện viên giỏi trong việc hướng dẫn những đứa trẻ tự lập, nề nếp”. 

Song có một thứ mà không thầy cô nào ở đây nói ra, đó là tình yêu thương dành cho những học trò nhỏ. Chỉ có tình yêu thương thì những giáo viên nơi đây mới vượt lên mọi khó khăn trở ngại mà gieo từng con chữ, uốn nắn những đứa trẻ như cha mẹ.

5 giờ 30 phút, tiếng trống vang lên rộn rã giữa sân trường, những học sinh bán trú nhanh chóng xếp hàng ngay ngắn, trong tiếng nhạc rộn ràng, những động tác nhẹ nhàng giúp các em học sinh khởi động một ngày mới tràn đầy năng lượng. 

Sau bài thể dục buổi sáng, những đứa bé vào nhà ăn, xếp hàng trật tự. Mấy trăm đứa trẻ nhưng không lộn xộn ồn ào. Trong lúc chờ đến lượt ăn sáng thì các em lớn dọn dẹp phòng ở, sân bán trú sạch sẽ dưới sự hướng dẫn của thầy quản lý. Khi những đứa trẻ hoàn thành phần việc buổi sáng, chỉ còn chơi đùa chờ giờ vào học thì lúc ấy, các thầy cô trực bán trú tranh thủ chuẩn bị cho buổi lên lớp. 

Thầy Giàng A Trinh chia sẻ: "Nếu mọi việc diễn ra bình thường thì mình quay lại trường không quá vội. Nhưng đến mùa gió Lào về, những đứa trẻ thay phiên nhau ốm thì có hôm về tới nhà chỉ kịp thay quần áo, xỏ giày và trở lại trường ngay để kịp giờ lên lớp”. Bàn giao lại ca trực bán trú, về nhà chuẩn bị cho một ngày mới, thầy Trinh nhanh chóng trở lại trường với dáng vẻ tươi vui. Thầy phấn khởi: "Phải tươi vui thì học sinh mới có hứng thú học, mới dễ hiểu bài được”. 

Mỗi gia đình chỉ có 2 đứa con, 2 bố mẹ chăm sóc mà nhiều khi còn lộn xộn, vội vàng, mệt mỏi, trong khi các thầy cô ở đây có hàng trăm đứa con ngoài hai đứa ở nhà mà lúc nào cũng tươi vui, thật khâm phục!

Nằm trên địa bàn vùng khó, được sự đầu tư của Nhà nước cũng như sự chung tay của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, Trường PTDTBT Tiểu học &THCS Hồ Bốn những năm gần đây được đầu tư phòng học kiên cố nhưng các trang thiết bị vẫn còn thiếu nhiều. Ngoài 3 máy chiếu được đầu tư, bằng các nguồn huy động, nhà trường cũng đã mua thêm được ti vi lắp vào một số phòng học phục vụ giảng dạy, hệ thống Internet cũng được nâng cấp. 

Cô Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: "Tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường còn thiếu nhưng các thầy cô cũng nỗ lực tìm tòi, tự học, tự nghiên cứu. Nhiều thầy cô sử dụng thành thạo các học liệu điện tử, áp dụng rất tốt vào bài giảng, tạo hiệu quả cao”. 

Là trường học liên cấp, lại học 2 ca, để vừa giữ trật tự cho các lớp học chính vừa để ôn bài, thì nhà ăn lúc này được các thầy cô tận dụng thành nơi để học sinh ôn bài. Mỗi lớp một thầy cô đến quán xuyến. Bài nào không hiểu, học sinh có thể hỏi và được giải đáp ngay. 

Nếu như ở các trường vùng thấp đến giờ thầy cô mới phải tới trường, lên lớp thì các thầy cô ở vùng cao như Hồ Bốn thì vẫn phải đến trường dù chưa đến giờ dạy, tiết dạy. Chẳng ai tính công, chỉ cần những đứa trẻ trưởng thành và tiến bộ hơn chúng của ngày hôm qua là thầy cô đã rất vui rồi. 

Giàng Thị Khua - học sinh lớp 8 nhà ở bản Háng Đề Xùa cách trường 8 km, em được ở bán trú ngay từ khi học lớp 1 nên tính cách tự lập và rất tự tin. Là một trong những học sinh tiêu biểu của khối 8, em vừa tham gia thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp huyện nhưng chưa đạt giải. Khua chia sẻ: "Em cũng hơi buồn nhưng về trường các thầy cô động viên là sang năm thi tiếp vì năm nay em mới học lớp 8 mà thi cùng anh chị lớp 9 nên em cũng đỡ buồn hơn nhiều ạ! Em rất thích ở trường có thầy cô yêu thương như cha mẹ”. 

Khi được hỏi về những dự định, Khua không ngần ngại trả lời: "Em sẽ thi học tiếp cấp 3, rồi học lên cao nữa. Em ước mơ trở thành cô giáo trở về dạy cho các em”. 

Ứớc mơ của Khua mang theo bóng dáng của những thầy cô đã dạy dỗ, chăm sóc cho em những năm tháng em ở trường. Ước mơ của em cũng chính là hạnh phúc của các thầy cô, với mong muốn những đứa trẻ vùng cao này không chỉ biết chữ mà hơn cả vượt lên khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no và tươi sáng hơn. Đó chính là hạnh phúc nở hoa!

Bữa cơm trưa rồi cơm chiều cũng nền nếp như bữa sáng. Những bữa ăn bán trú của những đứa trẻ nơi đây đã "có thịt” với đầy đủ dinh dưỡng được nhân viên nhà bếp tính toán kỹ lưỡng. 

Anh Giàng A Rùa - nhân viên quản lý bếp ăn của nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi luôn cố gắng đổi món cho học sinh. Cố gắng cân đối bữa ăn cho các con đầy đủ”. 

Anh Rùa làm việc tại trường từ năm 2014, đồ dùng nhà bếp lúc đó còn thiếu thốn rất nhiều, hầu hết nấu nồi gang, đun bếp củi; đến năm 2018, nhà trường được đầu tư các thiết bị nhà bếp tủ cơm, tủ sấy, bếp gas, máy xay thịt... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh và tránh lãng phí. 

Anh Rùa chia sẻ: "Nấu nồi gang đôi khi cháy hoặc không chín, cháy thì lượng cơm cho các con ít đi, tốn kém hơn. Từ ngày nấu tủ cơm thì không còn cháy, cơm chín đều. Đặc biệt, tủ sấy bát đũa rất sạch sẽ, an toàn”.



Những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng của học sinh bán trú. 

Sau bữa cơm chiều, những đứa trẻ tản ra khắp sân trường. Em thì vào Thư viện xanh đọc sách, em cùng bạn chơi các trò chơi dân gian, nhóm bạn trai tụm 5, tụm 3 ngồi kể chuyện, vui cười trên ghế đá, một nhóm các em nhảy múa trước nhà bán trú... 

Đúng 20 giờ, trống báo, không ai bảo ai, các em về phòng học ôn bài. Mỗi lớp một thầy cô, tuy không lên lớp nhưng các cô ở ngay hành lang để cần gì các con sẽ hỏi. Các lớp bé hơn cần luyện đọc, được các anh chị lớn trực tiếp ngồi kèm, hướng dẫn... Các thầy cô bảo, giờ ôn bài không yêu cầu gì cao, chỉ tạo cho các con thói quen tự học. 

21 giờ kết thúc, những đứa nhỏ lại ùa về khu bán trú, thầy giáo trực đi từng phòng kiểm tra sĩ số học sinh, các em gái bé được các chị lớn ở cùng phòng hướng dẫn vệ sinh, điểm danh trước khi đi ngủ. Khi mọi công việc xong xuôi, tiếng kẻng hiệu lệnh vang lên, tất cả các phòng tắt điện. Lúc này, đèn ở phòng của các thầy trực bán trú bắt đầu sáng để soạn bài cho ngày mai. Mỗi ước mơ của học trò như Khua là động lực cho thầy cô tiếp tục cố gắng, dành hết yêu thương cho học trò cho hạnh phúc nở hoa.

Thanh Ba

Tags Yên Bái trường học vùng cao học sinh bán trú

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục