Theo dấu chân tình nguyện

Những ngày trên bản “Ba không”

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2011 | 9:08:22 AM

YBĐT - Sau bốn ngày hoạt động tại bản Có Thái, xã Nậm Có (Mù Cang Chải), Đội Thanh niên tình nguyện số 3 tiếp tục hành trình đến bản Đá Đen. Những ngày ở nơi đây, chúng tôi gọi Đá Đen là bản “Ba không”… >> Kỳ I: Bên dòng Nậm Có

Cùng dân bản Đá Đen làm đường giao thông.
Cùng dân bản Đá Đen làm đường giao thông.

12 km đường đất với những con dốc dài nối tiếp, giữa những đỉnh núi cao vót và bạt ngàn rừng cây, đội tình nguyện vẫn mạnh mẽ cùng nhau tiến bước. Hơn 4 giờ đồng hồ leo dốc, vật lộn với cái nóng, cái khát, cái gió táp cháy da và lúc đi, lúc nghỉ, chúng tôi đến Đá Đen khi trời xẩm tối.

Toàn đội gần như bị vắt kiệt sức lực, người ngồi, người nằm vật ra tranh thủ nghỉ ngơi sau chặng đường dài. May mắn cho chúng tôi, bữa cơm tối đã được Chi đoàn Đá Đen chuẩn bị chu đáo. Tại đây, chúng tôi đóng quân tại điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Nậm Có - điểm trường Đá Đen.

Đêm trên bản Đá Đen thật lạ. Ngày nắng nóng là thế mà đêm đến, cái lạnh không biết đã ẩn nấp ở đâu và từ lúc nào cứ ùa tới, gió thổi vi vút, va vào những búi cây cà gai tạo nên âm thanh loạt xoạt, rèn rẹt. Bầu trời không một ánh sao nhưng trăng rằm vằng vặc chiếu sáng.

Chưa kịp lại sức nên sau bữa  tối và cuộc hội ý chớp nhoáng, cả đội đi ngủ sớm hơn thường lệ. Những chiếc bàn học sinh lập tức được “trưng dụng” cùng với những tấm gỗ ván trải áo mưa lên trên là đã có một chiếc giường tập thể "hoành tráng" với 3 chiếc màn. Nhưng rồi lạnh, lạnh đến nỗi gai ốc, da gà đua nhau nổi lên. Cả đội lại dậy, chia nhau ba cái chăn mỏng của 3 thành viên nữ mang theo. Co quắp, sát sạt, mấy nam thanh niên ngủ ngon lành.

Sáng, gió lạnh ngừng thổi nhưng lại có mưa rào. Sân trường Đá Đen toàn đất nên mưa được thể cày xới tung tóe, hóa bùn. Những đám mây khổng lồ là là từ thung lũng bay lên, vượt qua các nóc nhà, vần vũ ngay trước mặt.

Cảnh vật bừng sáng, chẳng khác nào chốn bồng lai... Sau bữa sáng no nê với mỳ tôm "không người lái", cả đội điều chỉnh một chút kế hoạch. Thay vì đến thăm các gia đình, cả đội dọn vệ sinh, cải tạo sân trường, đào hố rác và tất nhiên, việc "xây dựng" cho chị em một chiếc nhà tắm “di động” bằng bao tải, áo mưa, cây chống được ưu tiên hàng đầu. Trong lúc lao động, tôi mới để ý và biết rằng, tên gọi của bản Đá Đen không phải ngẫu nhiên mà có. Trải dài khắp các sườn núi, triền đồi gần xa, những phiến đá to màu đen xám nối tiếp ngút tầm mắt. Đá to, đá nhỏ xen lẫn những mảnh nương của đồng bào Mông nơi này.

Ở đây, chúng tôi đặt tên cho Đá Đen là bản "Ba không". Đầu tiên là không có điện lưới quốc gia. Người dân cũng như các thầy, cô giáo tại điểm trường và đội tình nguyện dùng điện từ những máy phát điện mini đặt tại các dòng nước chảy xiết từ trên đỉnh núi xuống. Hai chiếc bóng điện 65W Rạng Đông như đom đóm, một bóng có lúc tắt hẳn, bóng còn lại "thoi thóp" như đèn dầu trước gió. Điều đó đồng nghĩa với việc sạc pin cho chiếc máy ảnh, máy tính xách tay của tôi gặp trở ngại lớn. Tôi phải tranh thủ sự giúp đỡ của các đoàn viên thanh niên địa phương, khi sắp hết pin thì nhờ họ "gùi máy móc" lội suối, vượt rừng đến nơi có điện sạc nhờ, bảo đảm chủ động phương tiện tác nghiệp.

Không có nước sạch là cái "không" thứ hai. Từ nước ăn, nước uống, nước tắm rửa, nước giặt giũ... đến bất cứ việc gì cần nước đều phải sử dụng nước khe, hay còn gọi “nước lần”. Đây là nguồn nước được dẫn từ trên đỉnh núi về bằng những máng tre nối nhau, hứng vào chậu rồi để một lúc lâu cho cặn đất lắng xuống mới sử dụng được. Không có sóng điện thoại là cái “không” mà tất cả mọi người cảm thấy "hãi" nhất. Nói không có sóng điện thoại thì không hẳn nhưng điểm trường Đá Đen chỉ có đúng ba chỗ bắt được chút sóng Viettel.

Vậy là cứ sau giờ ăn cơm, những "điểm sóng" lại tập trung 2 - 3 đội viên "bận rộn" với chiếc điện thoại. Có một đội viên nữ mải nói chuyện với bạn trai nhưng lại nhỡ rời “gót hồng” khỏi vùng có sóng, cuộc gọi lập tức bị gián đoạn. Bạn trai kia gọi lại mãi không được đâm nghi ngờ nên cô phải giải thích đến nửa giờ đồng hồ mà "đối tác" vẫn chưa xuôi... Với tôi, chiếc D-com 3G Viettel vốn là niềm hy vọng duy nhất để truyền tin, bài, ảnh về Tòa soạn thì giờ cũng nằm im. Một đoàn viên của Đá Đen bật mí: "Muốn có sóng điện thoại thì phải leo dốc thêm 5 km, lên tới đỉnh núi cao phía bên kia cơ"...

 

Thanh niên tình nguyện tổ chức vui chơi cho trẻ em.

Trên bản “Ba không”, các đội viên tình nguyện vẫn hàng ngày lao động, cùng dân bản tu sửa đường giao thông, nạo vét cống rãnh, làm vệ sinh môi trường, tập trung tổ chức tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Đặc biệt, họ làm việc với niềm vui, niềm hăng say và dường như sức mạnh được nhân lên từng ngày trong quá trình lao động, gần gũi, gắn bó với bản làng, với đồng bào vùng cao.

Ông Sùng A Di - Trưởng bản Đá Đen xúc động nói: "Cảm ơn các bạn thanh niên tình nguyện! Có các bạn cùng làm, dân bản như khỏe hơn, mạnh hơn, nhanh hơn và có ý thức hơn. Các bạn thực sự đã mang đến niềm tin cho chúng tôi vào Đảng, Nhà nước".

Những ngày ở Đá Đen, Đội Thanh niên tình nguyện số 3 đã cùng đồng bào tu sửa, làm mới hơn 8 km đường giao thông cùng hệ thống rãnh thoát nước; thăm hỏi, động viên 5 gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 2 buổi tuyên truyền tập thể cho dân bản về Luật Giao thông đường bộ, sức khỏe sinh sản, phòng chống ma túy, vệ sinh môi trường…; cắt tóc, gội đầu, làm vệ sinh cá nhân cho trên 100 lượt trẻ em; tổ chức 6 buổi dạy múa, hát, chơi trò chơi cho các em nhỏ...

Mang trong mình trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng khát khao được cống hiến, các đội viên Đội Thanh niên tình nguyện số 3 đã có những hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng vùng cao Yên Bái ngày càng phát triển, tiến bộ và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

(Kỳ III: Bài ca tình nguyện trên đỉnh Mú Cáy Hồ)

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục