10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Yên Bái: Vượt qua gian nan

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/12/2020 | 7:54:28 AM

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Yên Bái đã tạo nên những “kỳ tích” khi có gần 50% số xã và 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của nhân dân.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra mô hình trang trại phát triển kinh tế tại xã Nậm Khắt.
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra mô hình trang trại phát triển kinh tế tại xã Nậm Khắt.

Tuy nhiên, chặng đường "cán đích” NTM của các xã còn lại, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn dự báo sẽ gặp rất nhiều gian nan, đòi hỏi nỗ lực lớn và giải pháp đặc thù. 

Thành quả 10 năm

Dù xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc, trình độ nhận thức không đồng đều nhưng đến nay, huyện Văn Chấn đã có 6/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt 11 - 15 tiêu chí, còn lại đạt từ 6 - 10 tiêu chí. 

Nhờ NTM, diện mạo nông thôn và đời sống người dân trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay; trong đó, kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện. 

Còn tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, chương trình XDNTM được triển khai thực hiện tại 13/13 xã và 93 thôn (bản) cũng đã thu được những thành quả bước đầu khi huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 1 xã (xã Nậm Khắt) hoàn thành XDNTM vào cuối năm 2020. Hiện tại, bình quân toàn huyện đạt 9,6 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã có 70/150 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 46,67%; trong đó, 10 xã đặc biệt khó khăn của các huyện: Trấn Yên, Văn Chấn và Trạm Tấu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. 

Ngoài ra, hiện đã có 3 xã: Tuy Lộc, Âu Lâu và Minh Bảo của thành phố Yên Bái đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020 và 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái. 

Đặc biệt, thông qua XDNTM, diện mạo nông thôn đang thay đổi xanh, sạch đẹp, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; nhận thức của người dân về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM đã có chuyển biến rõ nét "từ tự phát đến tự giác”, "từ yêu cầu trở thành nhu cầu và từ hy vọng trở thành khát vọng”. 

Điều này, được thể hiện thông qua việc người dân tại các xã đã tích cực tham gia hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường mở rộng giao thông nông thôn; góp công sức, cát sỏi cùng với Nhà nước đầu tư các công trình giao thông và vệ sinh môi trường, tu sửa nhà cửa. 

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

Còn nhiều gian nan

Bên cạnh kết quả đạt được, chặng đường XDNTM ở các xã, huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh còn nhiều gian nan, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) việc thực hiện các tiêu chí như: môi trường, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo là không hề đơn giản. 

Đơn cử như tại huyện Văn Chấn, mức hoàn thành tiêu chí XDNTM bình quân của huyện đạt 11,57 tiêu chí/xã nhưng ở các xã đặc biệt khó khăn chỉ đạt 6 - 9 tiêu chí, đặc biệt tại các xã vùng cao như: Nậm Mười, Nậm Lành, Suối Quyền, An Lương, Nghĩa Sơn, Sùng Đô… mới chỉ đạt 6 - 7 tiêu chí. 

Hoặc tại huyện Mù Cang Chải, những tiêu chí về giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm hiện mới chỉ có 1/13 xã đạt, hay tiêu chí giáo dục và đào tạo cũng chỉ có 2/13 xã đạt. 

Theo ông Hoàng Văn Nguyên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ cho huyện còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng NTM cao, khả năng đóng góp của người dân vùng DTTS và miền núi còn hạn chế đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ XDNTM. 

Mặt khác, việc chú trọng đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng gây áp lực lớn về ngân sách tỉnh, trong khi đó vấn đề quan trọng nhất là sinh kế, đời sống của người dân ở vùng cao và miền núi chậm thay đổi; lợi thế của địa phương về sản vật, cảnh quan, văn hóa chưa được khai thác hết tiềm năng. 

Hơn nữa, trình độ dân trí của người dân tại địa bàn các xã không đồng đều còn thấp, năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế; quy mô sản xuất tại các xã còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi chưa cao; sản phẩm nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp còn phổ biến; việc ứng dụng khoa học - công nghệ, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất tuy đã được cải thiện song còn nhiều hạn chế,... 

Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số xã chưa năng động, chưa khai thác và phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của tỉnh. Đây đều là những lực cản không nhỏ trong tiến trình XDNTM ở các xã, huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải. 

Thực tế XDNTM ở vùng cao thời gian qua cho thấy, một trong những tiêu chí được đánh giá khó đạt là tiêu chí môi trường, tiêu chí này gây khó khăn đối với cả những xã đã đạt chuẩn và xã đang xây dựng đạt chuẩn NTM. Hiện nay, tình trạng môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động của con người gây ra như chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. 



Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần mang lại thu nhập cho người dân vùng cao. 

Tại những địa phương ở vùng sâu, vùng xa bà con DTTS vẫn thường xuyên thả rông gia súc, vứt rác thải bừa bãi, không có hệ thống công trình vệ sinh, hố rác, đặc biệt là bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật; còn ở các khu đông dân cư, đô thị hệ thống cấp, thoát nước chưa được đồng bộ và đầu tư… 

Một tiêu chí nữa, khó có thể thực hiện trong XDNTM ở vùng cao là tiêu chí thu nhập. Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt từ 36 triệu đồng/người/năm. 

Tuy nhiên, tại những xã vùng cao dù đã áp dụng khoa học, kỹ thuật đưa các mô hình mới vào sản xuất, chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao, mức thu nhập của người dân chỉ đạt khoảng hơn 20 triệu đồng. 

Ngoài ra, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cũng là một tiêu chí khó đạt, bởi một số thôn, xã trên địa bàn tỉnh vừa sáp nhập lại với nhau, nhà văn hóa không đủ diện tích, chỗ ngồi để phục vụ bà con nhân dân tham gia sinh hoạt. 

Tiêu chí về hộ nghèo cũng là một bài toán khó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn cao với trên 37.600 hộ dân, chiếm tỷ lệ 17,68%, chủ yếu ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Cần giải pháp đặc thù

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu có 48 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 43 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn. Cụ thể, huyện Trạm Tấu 1 xã; huyện Mù Cang Chải 1 xã; huyện Văn Chấn 10 xã; huyện Văn Yên 10 xã; huyện Lục Yên 13 xã; huyện Yên Bình 8 xã. 

Đây là nhiệm vụ được dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại bởi các xã, huyện vùng cao có địa hình, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, con người, văn hóa, lối sống đặc thù như vậy thì việc triển khai chính sách NTM nói chung, thực hiện các tiêu chí nói riêng, nhất là tiêu chí về giao thông, trường học, y tế, nhà ở, thủy lợi, thu nhập, giảm nghèo... là hết sức khó khăn. 

Do đó, muốn tháo gỡ khó khăn nêu trên, Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho các địa phương này. Chẳng hạn, với cơ cấu huy động nguồn vốn cần phải linh hoạt hơn, cơ cấu vốn đầu tư từ Nhà nước phải chiếm tỷ lệ cao hơn, giảm gánh nặng cho phía người dân, nhất là đối tượng người nghèo DTTS.

Từ những vướng mắc trong cơ chế huy động vốn đối với các xã, huyện vùng cao tỉnh Yên Bái cho thấy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để lồng ghép các nguồn vốn từ những chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác trên địa bàn. 

Huy động vốn cần phát huy yếu tố nội lực của cộng đồng, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, cây lâu năm, quyền sử dụng đất, các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu thiết thực cuộc sống của người dân. 

Việc huy động vốn theo Quyết định 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2018 là hết sức khó khăn. 

Theo quy định thì vốn huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu huy động; thế nhưng, huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư là khó khăn, bởi đời sống người dân còn nghèo, thu nhập thấp và không ổn định, nhiều xã khó khăn trong bố trí kinh phí đối ứng để thực hiện chương trình. 

Về cơ chế quản lý, phân bổ các nguồn vốn, cần có quy định rõ ràng, hợp lý, quy trình đơn giản hơn và rút ngắn thời gian. Theo ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh, để phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập của người dân, cần hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách khuyến khích để doanh nghiệp có thể đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn các xã, huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động. 

Tùy tình hình thực tế có thể phát triển các làng nghề truyền thống - ngành, nghề có thế mạnh của địa phương gắn với Chương trình OCOP và xem đây không chỉ là giải pháp vừa mang tính trước mắt (giải quyết bài toán thu nhập và lao động nông thôn) mà còn có tính lâu dài (chuyển đổi dần cơ cấu ngành nghề, phát triển làng nghề bền vững). 

Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các buổi tình nguyện thu gom rác thải; tuyên truyền, vận động người dân hạn chế vứt rác thải bừa bãi, chăn thả gia súc trong khu dân cư, khuyến khích mỗi hộ gia đình xây dựng một hố xử lý rác thải…; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời, lồng ghép chương trình XDNTM với các chương trình, dự án khác như: Chương trình 135, chương trình giảm nghèo để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển cây trồng mũi nhọn như quế, cây ăn quả có múi, dâu tằm, chè, sơn tra, để tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, tạo sự chuyển biến, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc vệ sinh môi trường sống, thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Hà Hùng

ĐIỂM SÁNG HÁT LỪU

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã vùng cao đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện Trạm Tấu nói riêng và của tỉnh nói chung về đích NTM. Kết quả trên, là cả một hành trình vượt khó và chung sức, đồng lòng của chính quyền, người dân vùng cao nơi đây và trở thành điểm sáng trong XDNTM ở vùng cao Yên Bái.

Những ngày này, chúng tôi có dịp trở lại Hát Lừu, xã vùng cao đầu tiên của huyện Trạm Tấu đạt chuẩn NTM. Cảm nhận đầu tiên là những thay đổi từ cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đến cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây. 

Nhớ lại cách đây gần 10 năm, khi bắt đầu triển khai XDNTM, Hát Lừu gặp không ít khó khăn do một số cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa có nhận thức đầy đủ về việc XDNTM, còn lúng túng trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng.

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao gần 80%; đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa thôn chưa có... Vì vậy, việc huy động sức dân trong XDNTM còn nhiều hạn chế. 

Khắc phục những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã phân công, gắn trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo XDNTM của xã trực tiếp phụ trách từng thôn, bản để nắm bắt nguyện vọng, thắc mắc của người dân và kịp thời giải quyết. 

Bên cạnh đó, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, xã Hát Lừu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; phát động các phong trào thi đua: Tuổi trẻ Hát Lừu chung tay XDNTM; Phụ nữ Hát Lừu chung sức XDNTM…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã Hát Lừu chú trọng triển khai trong 9 năm XDNTM là nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương. Theo đó, xã đã cụ thể hóa các đề án, chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất. 

Với tổng diện tích hơn 200 ha ruộng, người dân Hát Lừu chuyển từ cấy 1 vụ, năng suất thấp sang cấy 2 vụ/năm với nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao như: DS1, nếp 87, 305 và đưa vào canh tác 20 ha lúa tẻ đỏ với năng suất đạt 45 tạ/ha. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nhiều người dân xã Hát Lừu đã biết tận dụng lợi thế để làm du lịch cộng đồng (homestay) và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. 



Nhân dân xã Hát Lừu làm đường giao thông nông thôn. 

Bà Lường Thị Châm, thôn Lừu 2, xã Hát Lừu cho biết: "Ngoài chăn nuôi gà đen theo hướng hàng hóa, gia đình tôi đã đầu tư sửa sang nhà cửa để làm du lịch cộng đồng. Việc này vừa mang lại thu nhập vừa lưu giữ, quảng bá được những nét văn hóa ẩm thực, trang phục dân tộc đến với du khách”. 

Bên cạnh đó, xã Hát Lừu tập trung phát triển công nghiệp nông thôn, ngành nghề nông thôn gắn với các ngành nghề chính có thế mạnh của địa phương như: chế biến gỗ hạt thảm, trồng sả JAVA, sản xuất gạch không nung, chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và thương mại, dịch vụ, tham gia lao động tại các công ty, doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động tạo nguồn thu nhập ổn định...

Xã Hát Lừu có 800 hộ với hơn 3.800 nhân khẩu; trong đó, chiếm 99,6% là đồng bào dân tộc Thái. Nhờ XDNTM, diện mạo xã vùng cao Hát Lừu thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 80% năm 2011 xuống còn 10% năm 2019; thu nhập bình quân của người dân tăng từ 15 triệu đồng (2011) lên 33,2 triệu đồng/người/năm (2019); đường giao thông nông thôn được bê tông hóa hơn 18 km. 

Cùng đó, xã hình thành được 2 hợp tác xã và một mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ nông sản với 11 tổ hợp tác tham gia… Trong 9 năm XDNTM, xã đã huy động được trên 159 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 17 tỷ đồng. 

Ông Hoàng Văn Sừa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: Trong thực hiện chương trình XDNTM, Đảng bộ, chính quyền xã xác định mục tiêu cốt lõi của Chương trình là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nên trong những năm qua, ngoài chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã luôn chú trọng phát triển sản xuất, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã và nhu cầu của thị trường.

Đồng thời thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi và dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập ngày càng tăng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn xã Hát Lừu có nhiều thay đổi.

Có thể nói, hành trình cán đích NTM của xã vùng cao đặc biệt khó khăn Hát Lừu gắn liền với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Thành quả này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, động lực để xã Hát Lừu tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững.

Ý kiến từ cơ sở

Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mù Cang Chải:



 Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đầu tư XDNTM ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc cho phù hợp, xem xét cân đối vốn cho cả giai đoạn để các địa phương nói chung và huyện Mù Cang Chải chủ động trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí theo quy hoạch. 

Đối với địa phương, thời gian tới, ngoài nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh cho chương trình XDNTM, huyện dành một phần kinh phí đối ứng để thực hiện; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất tạo thu nhập, phát triển văn hóa, giáo dục; huy động nhân dân đóng góp tiền, vật chất và các nguồn lực khác.

Ông Sùng Thành Công - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải: 



Để người dân tích cực tham gia XDNTM, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, phát huy vai trò tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tham gia. 

Quá trình tuyên truyền, vận động phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng và cơ sở để tạo sự đồng bộ thống nhất. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Mọi khoản đóng góp, quyền lợi và nghĩa vụ phải được công khai, minh bạch trước nhân dân. Đồng thời, phát huy tốt vai trò và hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Hùng Cường

Tags 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng cao Yên Bái

Các tin khác
Hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Đào Kiều 1 và nhân dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân trong xã năm 2024 đạt 74% trở lên; trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 61%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 81%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68%.

Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện Văn Chấn năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện. Ảnh minh họa.

Yên Bái đã đạt được sự thành công đáng kể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vào việc vận dụng các nguyên tắc và giá trị tư tưởng của Người, Yên Bái đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần vào sự nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục