Đột phá về cải cách hành chính - những nỗ lực của Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 7:53:12 AM

YênBái - Theo kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ công bố ngày 25/5/2022, tỉnh Yên Bái xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2020. Đây là kết quả đáng ghi nhận về công tác CCHC của tỉnh Yên Bái trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa tập trung phát triển kinh tế.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2021.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2021.

2021 là năm đầu triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước, giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/2021/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Từ đó, công tác CCHC được cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh tiếp tục quan tâm, vào cuộc một cách quyết liệt, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện trên cả 6 lĩnh vực CCHC là: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng - phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. 
 
Với quyết tâm cùng chung tay CCHC, kết quả các chỉ số CCHC của tỉnh Yên Bái tiếp tục được duy trì và nâng lên như chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước, chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. 

Năm 2021 - năm khó khăn của người dân và doanh nghiệp bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt đợt dịch thứ 4 bùng phát trong cả nước kể từ ngày 27/4/2021, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là khối doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cho biết: "Mặc dù chịu tác động bởi dịch bệnh nhưng tỉnh Yên Bái đã kịp thời điều chỉnh trạng thái, phương pháp làm việc theo hướng chủ động, linh hoạt, đồng bộ để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, bài bản các giải pháp nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp Yên Bái có thể trụ vững trong cơn đại dịch. Trong đó, công tác CCHC trên các lĩnh vực được chú trọng”. 
Một điểm đáng ghi nhận trong công tác CCHC là tỉnh Yên Bái chỉ đạo các ban, sở, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM). 

Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động XTTM trên môi trường trực tuyến, qua đó đã kết nối được nhiều phiên giao dịch thương mại trực tuyến; hỗ trợ hàng trăm lượt doanh nghiệp thực hiện XTTM, mở rộng thị trường sản phẩm. Đặc biệt hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn XTTM, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo hướng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số”. 

Có được những kết quả trên, theo ông Hoàng Quốc Việt - Trưởng phòng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ chính là tỉnh đã chú trọng việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử một cách bài bản, khoa học, đúng lộ trình. 

Từ đó, thực hiện Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động, kế hoạch về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại hóa hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. 

Đặc biệt, các phần mềm quản lý và điều hành được khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, triển khai các hệ thống "một cửa điện tử” được triển khai rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin thành viên của các sở, ban, ngành, và các địa phương. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định: "Năm 2021, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song tỉnh đã tập trung làm tốt công tác CCHC theo hướng tích cực, chủ động, triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, bài bản các giải pháp phòng, chống và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Là tỉnh cuối cùng trong cả nước xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, và là tỉnh giữ được "vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 của cả nước, nên các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 vẫn được duy trì trong trạng thái bình thường mới”.

Các giải pháp đồng bộ, thiết thực, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong công tác CCHC đã góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương duy trì và phát triển. 

Kết thúc năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Yên Bái đạt 7,11%, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách đạt 4.383 tỷ đồng, vượt 71% dự toán trung ương giao, vượt 9,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 22% so với năm 2020.

Đặc biệt, chỉ số CCHC của tỉnh đạt vị trí 21/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2020, tăng 35 bậc so với năm 2016; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành và tăng 2 bậc so với năm 2020. 


Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ:



Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh, thời gian qua, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC.

Đồng thời đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh cũng như định lượng được hiệu quả công tác CCHC, sự phục vụ người dân của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái: 



Là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng giao thông, qua theo dõi, chúng tôi đánh giá rất cao về công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua. Nhờ chú trọng lĩnh vực này nên tỉnh đã mời gọi, quảng bá, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Yên Bái. 

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại, nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Văn Tuấn 

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH HƯỚNG TỚI SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN

Xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Bảo hiểm xã hội (BHXH)  tỉnh đã tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao kết quả chỉ số CCHC, chỉ số cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. 


Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân kê khai thủ tục hồ sơ tại Bộ phận "một cửa” Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. 

Theo đó, BHXH tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các gải pháp về công tác CCHC, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. 

BHXH tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông”; qua Cổng dịch vụ công ngành BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, Trung  tâm Hành chính công của tỉnh, huyện, qua dịch vụ bưu chính công ích, qua ứng dụng VSSiD (BHXH số). 

Hiện tại có 25 TTHC, đạt 100% TTHC được tiếp nhận trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và qua giao dịch điện tử, trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 22 TTHC, đạt 88%. 

Theo đó, doanh nghiệp, người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN) đã không phải trực tiếp đến làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan BHXH như trước đây. 

Chị Lê Thuý Mai - Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF tại huyện Trấn Yên cho biết: "Trước đây, mỗi lần làm thủ tục hồ sơ liên quan đến BHXH, chúng tôi phải đến làm việc tại cơ quan BHXH hoặc gửi hồ sơ giấy qua đường bưu điện nhưng từ khi được BHXH huyện hướng dẫn cài đặt sử dụng phần mềm giao dịch điện tử, chúng tôi đã dễ dàng quản lý và tra cứu hồ sơ khi cần thiết, nhất là giải quyết các TTHC như: đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động, chúng tôi chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử có kết nối Internet là có thể thực hiện được mà không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH, vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp”.

Hiện nay, đã có 93% đơn vị thực hiện giao dịch điện tử; 100% đơn vị nhận kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích; đã có 110 ngàn người tham gia BHXH, BHYT đã có tài khoản dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của ngành. 

BHXH tỉnh thực hiện rút ngắn thời hạn giải quyết các TTHC như: cấp sổ BHXH từ 20 ngày và thẻ BHYT từ 7 ngày đều được rút ngắn xuống còn 5 ngày. Việc cấp lại thẻ BHYT, cấp đổi giảm còn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ và nhận ngay trong ngày với trường hợp không thay đổi thông tin. 

Chị Vương Ngọc Hoa, ở phường Đồng Tâm đến Bộ phận "một cửa” của BHXH tỉnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục điều chỉnh lại thông tin thẻ BHYT. 

Chị Hoa chia sẻ: "Khi đến đây, tôi đã được cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn kê khai các thủ tục đầy đủ, nhiệt tình và trách nhiệm, không gây phiền hà, giúp tôi tiết kiệm chi phí thời gian, không phải đi lại nhiều lần”. 

BHXH tỉnh Yên Bái đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ngành, kịp thời xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm và triển khai đạt hiệu quả. 

Thực hiện có hiệu quả việc số hóa, gửi nhận văn bản, tài liệu điện tử giữa các đơn vị trên hệ thống quán lý văn bản và điều hành; kịp thời cập nhật, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số; triển khai cấp chữ ký số chuyên dùng ngành BHXH Việt Nam; tăng cường hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh. 

Hiện đã có 206.324 người có thẻ BHYT được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân và đã có 87/197 cơ sở khám chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân. 

Đến thời điểm tháng 5/2022, chỉ cần người tham gia BHYT kê khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công BHXH, hệ thống sẽ tự động xác thực tiếp tình trạng tham gia BHYT của từng người và số tiền phải đóng theo thứ tự được giảm trừ mức đóng BHYT hộ gia đình theo quy định pháp luật.

Ông Hoàng Văn Thủy - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác CCHC luôn được lãnh đạo BHXH tỉnh quan tâm chú trọng và chỉ đạo quyết liệt. Việc cập nhật, công bố, công khai TTHC được thực hiện theo đúng quy định; việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, chất lượng phục vụ dịch vụ công ngày được nâng cao thông qua thực hiện và duy trì cơ chế "một cửa” với các TTHC được cải cách theo hướng nhanh gọn, đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí... Với sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, năm 2021, BHXH tỉnh là đơn vị dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương”. 

Trong thời gian tới, ngành BHXH tỉnh Yên Bái tiếp tục nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, phát huy những thành tích đã đạt được, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo thuận lợi tối đa về thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch về BHXH, BHYT với cơ quan BHXH.

Đức Toàn

GIỮ VỮNG ĐƠN VỊ DẪN ĐẦU

Liên tiếp 3 năm (từ 2019 - 2021), thành phố Yên Bái là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) khối các huyện, thị xã, thành phố. 


Đồng chí Nguyễn Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái (bên phải) kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận "một cửa” phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. 


Bà NGuyễn thị Hiền ở thôn Yên Minh, xã Minh Bảo đến Bộ phận " một cửa" làm giấy khai sinh  cho cháu vào ngày thứu 5 hàng tuần. 

Tại đây, bà Hiền được cán bộ Tư pháp - Hộ tịch của xã hỗ trợ kê khai, hướng dẫn mọi trình tự thủ tục liên quan. Thay vì phải chờ đợi, việc giải quyết thủ tục của bà Hiền đã diễn ra nhanh chóng. Nở nụ cười tươi khi được cán bộ trả kết quả, bà Hiền bộc bạch: "Tôi được cán bộ Tư pháp xã hướng dẫn tận tình, chu đáo, các thủ tục được giải quyết rất nhanh gọn, trả kết quả đúng hẹn. Tôi thấy rất hài lòng”. 

Không riêng bà Hiền mà mọi người dân ở Minh Bảo đều đã biết, cứ ngày thứ 5 hàng tuần là Bộ phận "một cửa” của xã làm thủ tục. Mô hình "Ngày thứ 5 không hẹn” là một trong những giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đang được xã Minh Bảo thực hiện. Theo đó, vào ngày thứ 5 hàng tuần, xã bố trí đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND trực ký giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân đến thực hiện các TTHC tại Bộ phận "một cửa”. 

Tuần này, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Huy trực ký giấy tờ hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Không ngồi chờ cán bộ mang thủ tục đặt lên bàn, anh trực tiếp xuống Bộ phận "một cửa” kiểm tra, đôn đốc để các thủ tục được giải quyết nhanh, gọn, chính xác. 

"Ngày thứ 5 không hẹn” đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công, phát huy tối đa hiệu quả giải quyết TTHC, người dân không hẹn mà gặp, không mất nhiều thời gian. 

"Các TTHC đã được giải quyết rất nhanh chóng, mang lại sự hài lòng cho người dân. Qua đó, giúp chỉ số CCHC của xã nói riêng và thành phố nói chung được nâng cao. Đặc biệt, tỷ lệ triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 luôn ở mức cao, có nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch thành phố giao” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Huy cho biết.

Ở thành phố Yên Bái, các mô hình "Ngày thứ 5 không hẹn” của xã Minh Bảo hay mô hình "Tổ tư vấn, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến” của phường Hồng Hà… đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và hành chính công, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận phục vụ hành chính công các cấp để phục vụ và mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. 

Người dân đến "một cửa”, giờ không còn phải nghe "mệnh lệnh hành chính” mà được chuyển sang "Phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục” để cảm nhận rõ hơn về một chính quyền thân thiện "Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. 

Các hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng được thực hiện công khai đầy đủ để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết TTHC; việc tiếp nhận và giải quyết TTHC đã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch. 

Tỷ lệ hồ sơ trả đúng hạn luôn đạt trên 95%. Tỷ lệ triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 đạt 91,56%, mức độ 4 đạt 90,2%.

Tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng của người dân luôn đạt 100%. 3 năm liên tiếp (từ 2019 - 2021), thành phố Yên Bái là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC khối các huyện, thị xã, thành phố. 

Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ thành phố Phạm Ngọc Võ cho biết: Để giữ vững là đơn vị dẫn đầu chỉ số CCHC trong khối, thành phố đã xây dựng và triển khai đồng bộ các kế hoạch công tác hàng năm, kế hoạch kiểm tra, báo cáo kết quả CCHC định kỳ, kết quả tự kiểm tra, đột xuất công tác CCHC. 

Trong công tác cải cách thể chế, thành phố triển khai 100% các văn bản pháp luật, theo dõi, tự kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo theo đúng tiến độ và thời gian quy định; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách TTHC và  giải quyết TTHC. 

Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán không dùng tiền mặt. Một nhiệm vụ quan trọng nữa mà thành phố đang tập trung thực hiện là thúc đẩy chuyển đổi xã hội số, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành của các cơ quan nhà nước; vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Yên Bái (IOC). 

Hà Anh

Tags Bước đột cải cách hành chính Yên Bái Chỉ số cải cách hành chính phòng chống dịch bệnh Covid-19 mệnh lệnh hành chính Ngày thứ 5 không hẹn

Các tin khác
Theo xếp hạng, Yên Bái đứng thứ 9 về chỉ số SIPAS - mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của các tỉnh, thành năm 2023.

Năm 2023, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) tỉnh Yên Bái đạt 87,73%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) đạt 88,86%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng (tăng 4 bậc so với năm 2022).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 997/QĐ-BVHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực thư viện.

Quang cảnh hội nghị.

UBND huyện Văn Yên vừa tổ chức Hội nghị tổng kết và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn năm 2023.

Tại Kỳ họp thứ 15 - HĐND thành phố đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập đối với 4 xã, phường.

Thực hiện Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành phố Yên Bái đã và đang triển khai thực hiện việc sáp nhập các xã, phường đảm bảo khoa học, bài bản, đúng quy định, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục