Dịch tả lợn châu Phi lan ra 9 tỉnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/3/2019 | 2:54:52 PM

Hoà Bình và Điện Biên là hai tỉnh mới nhất có dịch, tỷ lệ lợn chết khi nhiễm virus là 100% và chưa có thuốc chữa.

Tiêu huỷ lợn bệnh tại xã Hợp Thanh.
Tiêu huỷ lợn bệnh tại xã Hợp Thanh.

"Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khó lường vì nguồn lây đa dạng, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết 100%", Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nói sau cuộc kiểm tra việc chống dịch tại huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chiều 6/3. Xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn là điểm mới nhất công bố dịch.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp) thống kê đến hết ngày 6/3, tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là trên 6.400 con.

Hiện tượng lợn ốm, chết xuất hiện tại hộ gia đình ông Mai Xuân Trường (xóm Cát, xã Hợp Thanh) sáng 5/3. Kết quả xét nghiệm cho thấy 2/6 mẫu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Thứ trưởng Tiến đề nghị địa phương thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng; kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và tạo điều kiện để người chăn nuôi sớm nhận được hỗ trợ.

Tỉnh Điện Biên cũng xuất hiện ổ dịch tại các bản Bon A, Lóng Luông (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo). Các mẫu kiểm tra đều dương tính với virus tả châu Phi. Cơ quan chức năng đang tiếp tục xét nghiệm một số mẫu ở hai xã Ta Ma và Mường Mùn.

Điện Biên đã khoanh vùng, lập chốt chặn và lên phương án tiêu hủy số lợn trong khu vực có dịch.

Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến nay, dịch lan ra hơn 330 hộ, 49 xã, 20 huyện thuộc 9 tỉnh, thành phố Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên và Hòa Bình. Hà Nội có một ổ dịch tại hộ chăn nuôi lợn rừng khu Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên. 

Trong một cuộc họp ngày 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "chống dịch như chống giặc", "các ngành phải xắn tay áo ngăn chặn dịch". TP HCM kiến nghị lập chốt kiểm dịch tại Đèo Hải Vân, cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam để hạn chế dịch lan rộng.

Với 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, trên 10.000 trang trại, thịt lợn hiện chiếm 70% các sản phẩm thịt tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tính từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục