Thực tế cho thấy, tại các thành phố lớn, tình trạng trẻ em phải học thêm suốt mùa hè không còn là điều xa lạ. Lịch học thêm của các em đôi khi còn dày đặc hơn cả trong năm học chính khóa với các môn học chính như: toán, ngữ văn, tiếng Anh và cả các lớp kỹ năng, năng khiếu.
Không ít bậc cha mẹ xem hè là cơ hội để con "bứt phá”, "củng cố kiến thức”, "chạy trước chương trình” hay "không để tụt lại phía sau bạn bè”.
Tâm lý này được thể hiện rõ qua chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kim Ngân, phụ huynh có con đang học lớp 6 tại Trường THCS Lể Hồng Phong, thành phố Yên Bái: "Tôi cũng muốn để cháu nghỉ ngơi nhưng xung quanh ai cũng cho con học hè. Nếu mình không cho học thì lại lo con bị thua kém bạn bè. Áp lực cạnh tranh hiện nay khiến phụ huynh rất khó thả lỏng”.
Nỗi lo của chị Ngân cũng là nỗi niềm chung của nhiều gia đình, do đó đã vô tình đẩy con vào một guồng quay không ngơi nghỉ, bất chấp thực tế rằng cơ thể và tinh thần của trẻ rất cần thời gian để phục hồi sau một năm học căng thẳng.
Việc "đi học hè” được hợp thức hóa như một xu hướng tất yếu dù không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng và mong muốn điều đó. Đối với nhiều trẻ em, mong muốn có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa nhiều khi lại rất đơn giản và chân thành.
Học sinh Trường Mầm non Hoa Ban, thành phố Yên Bái tham gia hoạt động trải nghiệm làm bánh.
Bé Hoàng Bảo Ngọc, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Yên Ninh, thành phố Yên Bái bày tỏ: "Con muốn được về quê chơi với ông bà, đi câu cá, đi hái trái cây trong vườn. Năm ngoái, mẹ cho con học 3 lớp hè nên con không có thời gian đi đâu cả. Con thấy mệt lắm”.
Những chia sẻ như vậy không hiếm gặp nếu người lớn thực sự lắng nghe. Điều đáng nói là những mong muốn tưởng chừng nhỏ bé ấy lại chính là nhu cầu cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Các chuyên gia tâm lý và giáo dục đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghỉ ngơi, vui chơi tự do và trải nghiệm thực tế trong quá trình hình thành nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ nhỏ. Mùa hè chính là thời điểm lý tưởng để trẻ phát triển các kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Những kỹ năng này không dễ học trong môi trường lớp học truyền thống nhưng lại có thể được hình thành rất hiệu quả qua trải nghiệm thực tế. Do đó, để trẻ có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa không có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn với việc học mà là thay đổi cách thức học tập, từ ép buộc sang tự nguyện, từ lý thuyết sang thực hành, từ khuôn mẫu sang sáng tạo.
Một kỳ nghỉ hè hợp lý cần được thiết kế với sự cân bằng giữa nghỉ ngơi, vui chơi và những hoạt động giáo dục nhẹ nhàng, gần gũi với đời sống.
Với những gia đình có điều kiện, việc cho trẻ tham gia các trại hè, các chuyến du lịch hay hoạt động dã ngoại sẽ mở rộng vốn sống, giúp trẻ hiểu thêm về thế giới xung quanh và rèn luyện khả năng thích nghi.
Vào dịp nghỉ hè, nhiều trẻ em trên địa bàn thành phố Yên Bái tham gia học vẽ tranh.
Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện kinh tế hạn chế, phụ huynh vẫn có thể tạo ra cho con những trải nghiệm mùa hè ý nghĩa thông qua các hoạt động giản dị hằng ngày như: cùng nhau nấu ăn, trồng cây, làm đồ thủ công hoặc đơn giản là dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, sau một mùa hè "quá tải” cùng con đã có cái nhìn khác về cách tổ chức kỳ nghỉ cho con: "Năm nay, tôi chỉ cho cháu học một lớp tiếng Anh để duy trì, còn lại sẽ cho cháu học bơi và về quê chơi với ông bà một tháng. Tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất là con được nghỉ ngơi thật sự, được sống đúng với tuổi thơ của mình”.
Những thay đổi trong suy nghĩ của chị Ngân đã phần nào cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của phụ huynh. Đã đến lúc người lớn cần nhìn nhận lại rằng, một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa không nhất thiết phải gắn với thành tích học tập hay những khóa học đắt đỏ mà nằm ở việc trẻ được nghỉ ngơi, được vui chơi và được sống đúng với lứa tuổi.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã khẳng định rằng, việc tạo điều kiện để trẻ nghỉ ngơi, vui chơi và trải nghiệm trong mùa hè không hề làm trẻ "thụt lùi” so với bạn bè mà ngược lại, giúp trẻ phục hồi năng lượng, phát triển tư duy sáng tạo và có động lực hơn khi bước vào năm học mới.
Thành công của một đứa trẻ không chỉ được đo bằng điểm số hay bằng việc đi trước chương trình học mà còn là khả năng thích nghi, sức khỏe tinh thần và thái độ tích cực với cuộc sống.
Kỳ nghỉ hè không chỉ là khoảng thời gian trống giữa hai năm học mà còn là cơ hội quý giá để trẻ được sống trọn vẹn với tuổi thơ. Trả lại cho các em một mùa hè đúng nghĩa cũng là cách mà người lớn đang vun đắp cho tương lai lâu dài của con trẻ – một tương lai không chỉ có tri thức mà còn trọn vẹn cả niềm vui, ký ức và sự phát triển lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần.
Hồng Oanh