Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2025 | 8:06:10 AM

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc, tập trung vào những vấn đề cốt lõi.

Quang cảnh buổi tiếp xã giao
Quang cảnh buổi tiếp xã giao

Chiều 21/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp xã giao bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam. 

Việt Nam phát triển chính sách xã hội theo hướng ổn định và phát triển

Phát biểu tại buổi tiếp xã giao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, các vấn đề mà ILO cũng như Liên Hợp Quốc nêu ra về lao động, việc làm, quan hệ 3 bên luôn là những định hướng quan trọng trong việc phát triển việc làm cho người lao động. 

Cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn dành cho Tổ chức Lao động Quốc tế nói chung và Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam nói riêng, cá nhân bà Ingrid Christensen sự tôn trọng, ghi nhận, đánh giá cao về sự hỗ trợ đối với Việt Nam.

Bà Ingrid Christensen thay mặt Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam chúc mừng ông Đào Ngọc Dung nhân dịp được bổ nhiệm vào vị trí mới rất quan trọng là Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo. 

Bà Ingrid cho biết, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam đang xây dựng đề án nghiên cứu các vấn đề liên quan đến an sinh, xã hội và đối tượng thụ hưởng là cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, tổ chức cũng đang nghiên cứu về vấn đề thiếu nước, làm thế nào để đối phó với vấn đề thiếu nước, hạn hán do hậu quả của biến đổi khí hậu; vấn đề này sẽ ưu tiên nghiên cứu đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa,...

Đặc biệt, ILO cũng đang nghiên cứu các chính sách liên quan đến người khuyết tật. Trong đó, ILO muốn tìm hiểu thực tiễn những vấn đề, nhu cầu của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong nhóm người khuyết tật.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, các vấn đề mà bà Ingrid Christensen gợi ý rất hữu ích đối với Việt Nam. 

Ông tán thành việc ILO sớm phối hợp 3 bên và đánh giá lại hiệu quả hoạt động thời gian qua, nhất là chương trình đã ký kết từ năm 2023 đến nay, để từ đó điều chỉnh nội dung, cách làm mới, mục tiêu, giải pháp để làm sao hiệu quả, thiết thực hơn.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo chia sẻ, mục tiêu của Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 chuyển sang giai đoạn mới, không chỉ dừng lại ở an sinh xã hội mà tập trung vào phát triển phúc lợi xã hội và chính sách xã hội theo hướng từ ổn định, đảm bảo sang ổn định và phát triển.

Việt Nam tự hào vì đã có những bước đi nhanh, dài về chính sách xã hội, an sinh xã hội. 

Muốn chính sách xã hội tốt phải có thị trường lao động tốt

Ông lấy ví dụ: Trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi mới vào công tác tại Nhà nước với mức lương khởi điểm là 36 đồng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, 60-70% người Việt Nam thời điểm đó sống trong nghèo, đói. 

Chỉ trong vòng 10-20 năm, Việt Nam vươn lên là nước đang phát triển; từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 60% giảm xuống đến nay chỉ còn hơn 1,9%. 

Từ quốc gia khó khăn, Việt Nam vươn lên là 1 trong 4 nước điển hình trên toàn cầu về phòng, chống đói nghèo và đây là những thành tựu lớn, minh chứng cho sự phát triển của Việt Nam.


"Chưa bao giờ các đối tượng yếu thế được chăm sóc chu đáo, đầy đủ như hiện nay. Nhiều vấn đề thách thức tưởng chừng khó vượt qua được nhưng đến giai đoạn này Việt Nam đã khẳng định tự mình đứng vững một cách vững chãi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. 

Ông nhìn nhận, muốn chính sách xã hội tốt phải có thị trường lao động tốt. Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu dân thị trường lao động thời gian qua rất ổn định, không thiếu việc làm (việc làm bền vững, việc làm xanh).

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch lao động từ thành thị về nông thôn của Việt Nam cũng phát triển rất nhanh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới chúng ta đứng trước nhiều thách thức; xung đột vũ trang giữa các nước, biến đổi khí hậu,... sẽ tác động đến Việt Nam.

Song ông khẳng định Việt Nam không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. 

Do đó, chính sách xã hội của Việt Nam chuyển nhanh từ an sinh xã hội sang chính sách xã hội, từ ổn định và đảm bảo sang ổn định và phát triển. 

Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo về chính sách xã hội, kích hoạt các nguồn lực, các tổ chức tham gia vào phát triển chính sách xã hội để ngày càng có nhiều người phát triển kinh tế giỏi và tầng lớp trung lưu dẫn dắt xã hội. 

Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc, tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất là xây dựng thị trường lao động ổn định và phát triển bền vững, linh hoạt, đa dạng,...

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến 30/10, sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát để đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân. 

Đến nay, Việt Nam đã đạt mục tiêu xóa 70% nhà tạm, nhà dột nát và đến ngày 21/5, đã có 17 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Trong thời gian tới, Việt Nam có 2 đề án quan trọng là y tế và giáo dục,...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời cảm ơn tổ chức ILO tại Việt Nam trong thời gian đã cùng với VIệt Nam khắc phục hậu quả cơn bão Yagi.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Hàng trăm người đang tìm kiếm các nạn nhân bị nước cuốn trôi ở Quảng Ninh.

Ngày 21/5, một nhóm gồm 7 thanh niên và học sinh đi tắm suối thì bất ngờ gặp lũ, người dân kịp thời cứu được 3 người.

Một Tiktoker từng được mệnh danh “Nữ hoàng chốt đơn” Việt Nam

Khoảng hai năm trở lại đây, thị trường bán hàng thông qua sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOC, KOL, TikToker, YouTuber) đã thực sự bùng nổ. Phía sau những con số triệu view, doanh số bán hàng tiền tỷ… là thực trạng đáng báo động về lạm dụng quảng cáo sai sự thật, nguy cơ quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại…

Theo Bộ Nội vụ, việc đề xuất thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.

Theo Bộ Nội vụ, việc đề xuất thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.

Đo khí thải xe máy.

Hà Nội, TPHCM với hàng triệu xe máy cũ, có thể triển khai việc đo khí thải xe máy từ 1/1/2027 không? Những xe có tuổi đời trên 10 năm, không đạt điều kiện khí thải sẽ được giải quyết ra sao?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục