Đâu rồi "Khau cút" Mường Lò?

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/8/2016 | 7:47:57 AM

YBĐT - “Khau cút” không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà sàn của người Thái, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, là biểu tượng tinh thần của đồng bào dân tộc Thái trong quá trình đi tìm “miền đất hứa”. Theo dòng chảy của thời gian, người Thái đen Mường Lò không còn đặt "Khau cút" trên nóc nhà nữa, giờ đây "Khau cút" đã trở thành xa vời, chỉ những người già, người đang trăn trở với nó mới còn nhớ đến.

Biểu tượng “Khau cút” trên nóc nhà sàn của người Thái Tây Bắc.
(Ảnh minh họa)
Biểu tượng “Khau cút” trên nóc nhà sàn của người Thái Tây Bắc. (Ảnh minh họa)

Đi tìm “Khau cút”

Giữa cơn mưa, chúng tôi vòng qua những con ngõ nhỏ, hai bên đường là những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ và bê tông để tìm đến nhà ông Lò Văn Biến ở bản Căng Nà - Nghệ nhân dân gian chuyên nghiên cứu về văn hóa Thái ở vùng đất Nghĩa Lộ. Trong ngôi nhà sàn được dựng cách đây gần 40 năm, ông Biến  với mái tóc đã bạc trắng như cước, đôi mắt nhìn xa xăm như ẩn chứa một điều gì đó còn đang vương vấn trong lòng.

Đón khách lên nhà, qua câu chuyện, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về “Khau cút” của đồng bào Thái, ông phấn khởi lắm! Nhấp ngụm nước chè xanh, ông Biến kể cho chúng tôi nghe về sự tích “Khau cút”. Ngày xưa có 2 anh em người dân tộc Thái cùng đi tìm miền đất hứa. Họ ra đi vào cuối tuần trăng non và giao ước với nhau, ai đến được phương trời nào, khi làm nhà thì dựng trên nóc một cái dấu hình mặt trăng khuyết để sau này con cháu họ nhận ra dòng giống của dân tộc mình. Chiếc dấu mang hình mặt trăng khuyết trong truyền thuyết kia chính là chiếc “Khau cút” quen thuộc trên nóc nhà của đồng bào dân tộc Thái. Dần dần người Thái đen Mường Lò có câu: “Khau cút tẻm lai bua/ Xinh dua tẻm lai én/ Nhả ca bén tin con!”. Có nghĩa là: Khau cút vẽ vân xen/ Đầu kèo vẽ vân én/ Mái nhà xén bằng dui. Đây là những câu nói ví về tiêu chí và vẻ đẹp của “Khau cút” trên nóc một ngôi nhà người Thái.

Ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái đen hai đầu hồi có cấu trúc khum khum như mai rùa, tiếng Thái gọi là “tụp cống”, vì nó gắn với thủa khai thiên lập địa, thần rùa “Pua tấu” dạy cho người Thái biết cách làm nhà sàn, làm sao để nhà vừa chắc chắn vừa để tránh lũ lụt và thú dữ. “Khau cút” được làm đơn giản nhất gồm hai thanh gỗ bắt chéo nhau hình chữ X, đóng trên hai đầu đòn nóc tiếng Thái là “pe bôn” với mục đích là để chắn cho mái tranh không bị bung ra khi có gió thổi mạnh. Về sau nó được phát triển thành nhiều hình dáng khác nhau. Với trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa, các nghệ nhân dân gian đã mô phỏng tự nhiên, tạo nên những hoa văn, họa tiết trang trí cho “Khau cút” có một vẻ đẹp hoàn hảo.

Theo ông Biến thì “Khau cút” có 5 loại, gồm: “Khau cút pang” hay còn gọi là “Khau cút mãi” được làm bằng hai thanh tre hoặc gỗ bắt chéo nhau, không có trang trí hoa văn, họa tiết trần trụi. “Khau cút quai” được làm theo mô típ hình sừng trâu biểu tượng cho nền văn minh lúa nước. “Khau cút chim may” mô phỏng hình trăng khuyết. “Khau căm” tức “Khau cút vàng” thường được làm bằng gỗ khắc nhiều hoa văn, họa tiết có một thanh gươm biểu trưng cho quyền lực. “Khau cút pua” tức “Khau cút vua ban” được làm giống hình hoa sen được trạm trổ cầu kỳ rất đẹp. Ông Biến chia sẻ: “Dù “Khau cút” mang hình dáng nào nó cũng ẩn chứa đầy ý nghĩa về văn hóa, vật chất, tinh thần của dân tộc mình. Tiếc rằng, tôi đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ước nguyện của tôi là muốn làm một chiếc “Khau cút” để con cháu biết, góp phần phát huy và bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình để không bị mai một”.

Chia tay với Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến khi cơn mưa vẫn còn chưa dứt, chúng tôi dạo quanh những con đường bê tông của các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc để tìm xem có ngôi nhà sàn nào còn “Khau cút”. Gặp anh Lò Tuyên Dung ở Bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cũng là học trò của Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến. Bước chân qua 9 bậc thang nhà sàn, trong không gian nho nhỏ anh Dung đang say sưa bên những cuốn sách Thái cổ để tìm một cái gì đó cho riêng mình.

- Sao nhà ngôi nhà sàn của anh cũng như các hộ quanh đây không có một biểu tượng “Khau cút” nào vậy? Tôi hỏi.

- Do bây giờ đổi mới nhiều quá rồi nên không còn ai chú ý đến “Khau cút” nữa! Ngay như cả thị xã Nghĩa Lộ này cũng không một ngôi nhà sàn nào dù nhà gỗ hay nhà bê tông có cái “Khau cút” ấy đâu chú ạ!

- Vậy anh có biết ý nghĩa của biểu tượng “Khau cút” không?

- Tôi không còn nhớ lắm, mà thế hệ trẻ chúng tôi cũng ít người biết “Khau cút” là gì? Chỉ nhớ rằng ngày xưa khi bố tôi còn sống cũng nói về “Khau cút” là có hình chữ X bắt chéo được đặt ở nóc nhà. Nhưng qua thời gian chúng tôi không còn nhớ được nhiều lắm.

Nghệ nhân Lò Văn Biến trải lòng cùng tác giả bài viết.

Cần bảo tồn "Khau Cút"

Điều kiện vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện, nhà sàn của người Thái đen giờ đã được lợp vật liệu mới, trái nhà đã không còn để khum khum hình mai rùa nữa. Nhưng trước những năm tám mươi, thi thoảng đây đó chúng ta vẫn gặp các cặp “Khau cút” trang trọng trên nóc nhà sàn. Thậm chí, nhà xây của một số người Thái vẫn còn có “Khau cút” được cách điệu hài hoà. Rồi từ sau năm tám mươi đến nay "Khau cút" chỉ còn lại trong tâm tưởng của các già làng và những người còn đang trăn trở với nó. Hiện nay, tỷ lệ nhà sàn trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ chiếm 30%, trên 7.700 hộ dân sống rải rác ở các phường Nghĩa An, Cầu Thia, xã Nghĩa Lợi, xã Tân An…

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hóa xã hội chúng tôi luôn quan tâm tới việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nét sinh hoạt truyền thống cũng như những bản sắc văn hóa trong kiến trúc nhà ở của người Thái và “Khau cút” cũng là một trong những biểu tượng của ngôi nhà sàn cần lưu giữ. Thời gian tới, thị xã cũng sẽ triển khai và tuyên truyền bà con nhân dân khôi phục lại “Khau cút”.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng và phục hồi “Khau cút” ở các nhà sàn văn hóa thôn, bản để nhân dân biết và làm theo. Những hộ đồng bào dân tộc Thái đang làm nhà sàn, chính quyền sẽ đến vận động làm “Khau cút” để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Thị xã Nghĩa Lộ đã khôi phục được 6 điệu xòe cổ của người Thái Mường Lò và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2015. Tuy nhiên, một số nét văn hóa đặc sắc riêng có của người Thái đang dần mai một, thậm chí không còn. Điển hình như trong kiến trúc nhà sàn người Thái bây giờ cũng làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, ngôi nhà cũng được thiết kế cách điệu cho phù hợp với thời đại và kinh tế thị trường. “Khau cút” - biểu tượng của tâm linh, hồn cõi của ngôi nhà xưa cũng không còn.

Mong rằng, “Khau cút” sẽ sớm được khôi phục để lớp trẻ hôm nay được biết đến cũng như gìn giữ phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để rồi, tới đây khi đến với thị xã Nghĩa Lộ với những hội xòe, những món ẩm thực đặc trưng của vùng đất này du khách sẽ biết đến biểu tượng “Khau cút” đặc trưng trên nóc nhà sàn của người Thái Mường Lò.

Hà Linh

Các tin khác
Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

“Theo dấu chân Người” là chủ đề chuỗi hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 5/2024, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024); 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).

16 tiết mục văn nghệ tham gia trong chương trình văn nghệ “Vang mãi bản hùng ca chiến thắng

Tối 30/4, tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái đã diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca chiến thắng”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Sức sống của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng có được là do chính tình cảm của mình và tình cảm của mọi người. Mọi người dân trong nước có sự đồng cảm với nhau nên có một sự cộng hưởng”.

Đã 49 năm trôi qua, kể từ khi ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" ra đời, nhưng bài hát vẫn sống mãi cùng bao thế hệ người Việt. Cho đến hôm nay, mỗi khi dân tộc đạt được một thành tựu mới thì ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" lại ngân vang. "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên mãi là tiếng reo vui của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục