Tháng 2/2025, các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh tham dự sự kiện Lễ hội Maha Kumbh Prayagraj 2025 do Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ tổ chức tại Ấn Độ. Trong dịp này, các nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn tại Lễ hội Festival Múa và Âm nhạc quốc tế lần thứ 10 với sự tham gia của 13 đoàn nghệ thuật đến từ 11 quốc gia trên thế giới.
Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái tham gia 7 tiết mục nghệ thuật đặc sắc với những điệu múa mang đậm âm hưởng dân gian dân tộc truyền thống của các dân tộc Thái, Khơ Mú, Tày, Mông… Đó là tiết mục múa "Vui mùa hái quả”, "Gạo mới”, "Chuyện người xưa”, "Tơ hồng”; thổi sáo Mông tác phẩm "Xuân về trên bản Mông”, "Tiếng gọi vùng cao”; múa khèn Mông của nghệ nhân ở huyện Mù Cang Chải. Đây là một trong số rất nhiều lần, Trung tâm đã đưa những tiết mục đậm chất văn hóa dân gian của Yên Bái lên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hàng năm, tham gia các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đơn vị đều khai thác tối đa chất liệu dân gian của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Để có những tiết mục đặc sắc đậm chất dân gian trên sân khấu, chúng tôi phải đi thực tế cơ sở, gặp các nghệ nhân, quan sát các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian bản địa rồi sáng tạo đưa lên sân khấu. Có những đợt đi thực tế kéo dài nửa tháng, các nghệ sĩ rất vui khi tìm được những giá trị đặc sắc”.
Văn hóa dân gian Yên Bái phong phú và đa dạng, bao gồm các điệu múa, bài hát và các truyền thuyết dân gian của các dân tộc. Hơn 30 dân tộc chung sống ở Yên Bái đã tạo nên bức tranh văn hóa vô cùng đặc sắc với những lễ hội truyền thống, tập quán, tín ngưỡng đa dạng, trang phục độc đáo cùng những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
Đó chính là chất liệu quý tạo nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ, biên đạo múa trong quá trình sáng tạo, cải biên văn hóa dân gian, đưa vào những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. Mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời chứa đựng nhiều tâm huyết, nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, dàn dựng, kết nối ý tưởng của những người làm nghệ thuật lâu năm.
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hương chia sẻ thêm: "Để chuẩn bị cho hội diễn chuyên nghiệp, chúng tôi thường giao cho những nghệ sĩ có chuyên môn tốt, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các nghệ sĩ có thể thỏa sức sáng tác. Sau khi có sản phẩm, chúng tôi cùng thẩm định, chỉnh sửa để đẹp hơn, hay hơn và bước sau cùng là trang phục biểu diễn cũng được làm tinh xảo đẹp mắt, lên sân khấu có thể cách điệu nhưng không được xa với nguyên mẫu, vẫn đậm nét dân tộc bản địa”.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, Trung tâm đã triển khai nhiều chương trình nhằm đưa trở lại với đời sống cộng đồng và tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ trẻ cũng được khuyến khích sáng tác những tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu dân gian. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của các nghệ nhân lớn tuổi với sáng tạo của thế hệ trẻ tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn.
Năm 2022, tại Liên hoan Âm nhạc ASEAN với sự tham gia của 30 nước trong khu vực, chương trình nghệ thuật của Trung tâm đã xuất sắc đạt huy chương vàng. Các tiết mục này đều khai thác chất liệu dân gian của cộng đồng các dân tộc Yên Bái như hòa tấu "Hội mùa trên bản Cao Lan” đạt giải Vàng, ca khúc "Rừng thương núi nhớ” đạt giải Ba… Trung tâm cũng đã đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng đơn vị vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc duy trì sự quan tâm của công chúng đối với văn hóa dân gian. Sự cạnh tranh từ các loại hình giải trí hiện đại khiến nhiều người trẻ ít có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính và nhân lực cho các hoạt động văn hóa cũng còn hạn chế. Việc đầu tư cho các chương trình nghệ thuật không phải lúc nào cũng được bảo đảm đã ảnh hưởng đến chất lượng và quy mô các chương trình.
Để văn hóa dân gian không bị lãng quên, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa dân gian trong cộng đồng. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật nên được tổ chức thường xuyên hơn và mở rộng đến các địa phương khác. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá văn hóa cũng là một hướng đi cần thiết. Việc tạo dựng các nền tảng trực tuyến để chia sẻ kiến thức và các sản phẩm nghệ thuật sẽ giúp thu hút thêm nhiều khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Thanh Ba